Đổi tiền lẻ vẫn tìm cách “lách”

Năm nay, nhờ việc xử phạt vi phạm hành chính với hành vi đổi tiền từ 20-40 triệu đồng, dịch vụ này tại các đền, chùa... thuộc các quận nội thành Hà Nội không còn công khai như trước.

Năm nay, nhờ việc xử phạt vi phạm hành chính với hành vi đổi tiền từ 20-40 triệu đồng, dịch vụ này tại các đền, chùa... thuộc các quận nội thành Hà Nội không còn công khai như trước. 

Nhiều hàng bán đồ lễ đã dừng dịch vụ đổi tiền vì lo bị phạt


Vẫn đổi được tiền lẻ ở cổng chùa

Tại khu vực chùa Quán Sứ, khi hỏi những người bán hàng trước cổng chùa có tiền lẻ đổi không thì đa số đều lắc đầu. Một người bán hàng cho biết: “Năm nay Nhà nước cấm đổi tiền lẻ, người đổi tiền có thể bị phạt cả chục triệu đồng nên không ai kinh doanh dịch vụ này nữa. Lợi nhuận chẳng được là bao mà có khi lại còn mất tiền oan”. Tuy nhiên, vẫn có hàng bán đồ lễ “đồng ý” đổi tiền lẻ khi được hỏi. Chủ hàng bán đồ lễ này cho biết: “Chỉ có tiền cũ đã qua sử dụng vì năm nay ngân hàng không phát hành tiền mới, tiền loại 500 đồng không có mà chỉ có từ 1.000 đồng trở lên. Mức giá đổi tiền loại 1.000 đồng là “10 ăn 7”  tức 100.000 đồng đổi được 70.000 đồng, còn lại là “10 ăn 8” cho loại 2.000 đồng”.  

Theo ghi nhận của phóng viên, một trong những cách “lách” được một số hàng bán đồ cúng lễ thực hiện để đổi tiền lẻ cho khách là mời khách hàng mua đồ rồi trả lại bằng tiền mệnh giá nhỏ. 

Tại khu vực Phủ Tây Hồ, mặc dù không có các bàn đổi tiền lẻ công khai, nhưng nhiều cửa hàng viết sớ, bán đồ cúng lễ vẫn nhận đổi tiền khi khách hàng có nhu cầu. Chủ một hàng bán đồ lễ tại đây cho biết: “Ai đổi tiền là bị bắt ngay vì có cán bộ quản lý mặc thường phục cải trang là người đi lễ chùa để kiểm tra. Người đổi tiền bị phạt nặng mà khách đổi tiền cũng sẽ bị phạt hành chính”. 

Còn cầu thì sẽ có cung

Ông Hoàng Việt Trung, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hà Nội cho biết: “Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố phối hợp với các Phòng Văn hóa tổ chức tuyên truyền, phổ biến. Trước thời điểm Tết, Ngân hàng Nhà nước TP Hà Nội cũng đã tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành gồm cán bộ thanh tra của Ngân hàng Nhà nước và CATP Hà Nội đi kiểm tra, nhắc nhở tại các khu di tích lớn”.

“Việc siết chặt kiểm tra không thể khiến dịch vụ này chấm dứt hoàn toàn mà chỉ góp phần hạn chế. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, tình trạng này đã có những chuyển biến tích cực. Gốc của vấn đề không phải phạt hành chính mà là vận động để quan hệ cung - cầu không còn nữa. Khi đi lễ chùa, để phát tâm công đức người dân có thể để tiền mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng vào hòm công đức thay cho việc gài tiền vào tay Phật, rải tiền, thả tiền xuống giếng...”, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hà Nội nói. 

Cũng theo ông Hoàng Việt Trung, quan trọng là người dân khi đi lễ không có nhu cầu thì người đổi tiền sẽ không đổi được cho ai và dịch vụ đổi tiền lẻ sẽ không còn lý do để tồn tại.

Theo ANTĐ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.