Đổi tiền mới: Ác mộng của nhân viên ngân hàng mỗi dịp Tết

Đến Tết, từ nhân viên đến cấp quản lí trong ngân hàng lại có nỗi lo lớn hơn nhiều: Nỗi lo về việc đổi tiền mới cho khách.

Nhân viên ngân hàng chỉ khổ vì áp lực doanh số, về chỉ tiêu, về thời gian, về rủi ro nợ xấu...? Chưa hết đâu, vì đến Tết, từ nhân viên đến cấp quản lí trong ngân hàng lại có nỗi lo lớn hơn nhiều: Nỗi lo về việc đổi tiền mới cho khách.

Năm nào cũng vậy, cứ vừa chạy chỉ tiều kinh doanh 31/12 xong, nhân viên cũng như các cán bộ quản lí trong ngân hàng lại phải nghĩ cách hoàn thành nhiệm vụ đổi tiền mới cho khách.

Đổi tiền mới: Ác mộng của nhân viên ngân hàng mỗi dịp Tết
Ảnh minh họa

Việc đổi tiền mới (các mệnh giá từ 10.000 đồng cho đến 50.000 đồng) dù không phải là một chỉ tiêu chính thức nhưng bởi ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ với khách nên với các nhân viên ngân hàng, đây là hoạt động thuộc nhóm "ưu tiên, cấp bách". Thậm chí, thực tế thực hiện có khi còn khó khăn hơn cả các chỉ tiêu chính thức khác.

Anh Hùng, trưởng phòng Quan hệ khách hàng Doanh nghiệp tại một ngân hàng cho biết năm 2016, cả chi nhánh chỉ có 300 triệu đồng tiền mới.

Trong khi đó có một công ty gửi công văn sang "gợi ý đổi giúp" gần một tỷ đồng. Hàng chục khách hàng khác, đơn vị nào cũng muốn đổi ít nhất vài chục triệu, lúc ấy anh Hùng không biết cân đối thế nào cho phải.

Một đồng nghiệp khác của anh Hùng ở phòng Dịch vụ khách hàng một ngân hàng thương mại tâm sự cũng chung nỗi lo này trong nhiều năm nay.

"Thị trường ngân hàng rất cạnh tranh, khách hàng thực sự là thượng đế, nhất là khách VIP. Chỉ cần Tết mà đổi tiền mới không vừa ý khách hàng, đơn vị nào dễ tính thì họ thông cảm, đơn vị nào khó tính thì ra Tết giảm lượng giao dịch ngay".

Thậm chí trong nội bộ ngân hàng, các phòng ban cũng tranh nhau tiền mới, trong phòng thì các cán bộ tranh nhau để đổi cho khách hàng mình quản lí vì số lượng được phân bổ về rất có hạn.

Trước khi thực sự có tiền mới về ngân hàng vài tuần, tất cả các nhân viên trong phòng đều đã phải gửi danh sách khách hàng của mình cùng nhu cầu đăng kí cho lãnh đạo phòng tổng hợp và cân đối.

Việc làm vừa ý tất cả các khách hàng là điều không thể, tuy nhiên để phân bổ cho mỗi khách hàng bao nhiêu cho hợp lí thì các cán bộ quản lí trong ngân hàng phải cân lên đặt xuống trong nhiều ngày.

Số tiền được được ngân hàng phân bổ chẳng thấm bao nhiêu so với nhu cầu đăng kí của khách hàng. Các nhân viên quan hệ khách hàng ngoài việc dùng luôn tiêu chuẩn đổi tiền nội bộ cho nhân viên trong ngân hàng của mình còn tìm đủ mọi cách để có tiền mới đổi cho khách hàng mà mình quản lí.

Nguyễn Đình Duy, một nhân viên quan hệ khách hàng cho biết suốt thời điểm 1 tháng trước Tết, câu hỏi thường trực trong đầu họ luôn là tiền bao giờ về, về bao nhiêu, chia sẻ như thế nào.

"Tết đến, để có thêm ít tiền mới đổi cho khách hàng đỡ kêu, mình phải nhờ hết anh em bạn bè trong ngành, nhất là những người làm ở bộ phận backup (bộ phận không phải trực tiếp quản lí khách hàng). Lúc nào trong người cũng phải có vài chục triệu, ai gọi bảo có tiền là phải đến đổi lại ngay".

Một số nhân viên khác lại ứng tiền của mình ra trước đổi lấy tiền lẻ mệnh giá từ 10.000 đồng đến 50.000 đồng, sau đó đem về nhờ cả nhà nhặt ra những đồng còn mới. Mặc dù seri không còn liền nhau nhưng nếu nói khéo nhiều khách cũng đồng ý đổi tiền này.

Theo Tri thức trẻ

nhân viên ngân hàng

Tết

Đổi tiền mới


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.