Đợt thu hoạch dưa này của nông dân Quảng Nam chủ yếu tập trung ở vựa dưa phía Nam của tỉnh với diện tích khoảng 550 ha, trong đó tập trung chủ yếu ở huyện Phú Ninh. Xã Tam Phước là nơi có diện tích dưa lớn nhất huyện.
Dọc tuyến đường lên các thôn của xã Tam Phước, dưa hấu chất đống chờ tiểu thương đến mua. Theo phản ánh của nông dân, khi thấy nông dân đồng loạt thu hoạch, dưa bắt đầu chất đống thì tiểu thương ngừng thu mua với nhiều lý do khiến nhiều hộ hoang mang bán tháo với giá rẻ khi có người mua.
Ông Nguyễn Ngọc Huệ, một hộ dân trồng dưa lâu năm có hơn 2ha dưa thu hoạch trong đợt này. Hiện gia đình ông thu hoạch được hơn một nửa diện tích. Tuy nhiên, việc bán dưa phải trông chờ vào các chủ nậu thu. Theo ông Huệ với giá thu mua đại trà 3.000 đồng/kg nông dân không có lời.
“Cứ thấy ô tô tải đến đầu làng là mừng rồi. Giá bán phụ thuộc vào tiểu thương. Họ hét giá bao nhiêu là bán bấy nhiêu, không thể kỳ kèo, không bán thì họ bỏ đi. Để lâu dưa sẽ hỏng”, ông Huệ cho biết.
Tại xã Tam Thành, tình trạng cũng tương tự. Hàng chục hecta dưa hấu của nông dân ở đây đã thu hoạch xong, chất đống để hai bên đường. Tuy nhiên, tiểu thương không mấy mặn mà, tìm đủ mọi lý do để ép giá.
Ông Trần Văn Hòa, một nông dân trồng dưa ở đây cho hay, tiểu thương chỉ đồng ý thu mua với giá 4.000 đồng/kg đối với dưa trên 2kg. Còn nếu bán hết đồng loạt thì chỉ có 2.500 đồng - 3.500 đồng/kg tùy loại. “Nếu bán dưa to, dưa nhỏ bán cho ai? Đằng nào nông dân cũng thiệt”, ông Hòa nói.
Giá tại vườn thấp, tuy nhiên theo khảo sát của phóng viên khi dưa đi ra khỏi địa bàn huyện Phú Ninh lập tức giá dưa được đẩy lên cao. Ngay tại thành phố Tam Kỳ nơi cách vựa dưa Tam Phước hơn 10km, giá dưa hấu tại các chợ có giá từ 5.000 đồng- 7.000 đồng/kg. Vào dịp rằm, lễ loại dưa thải (dưa xấu nhất) cũng được bán với giá từ 10.000 - 15.000 đồng/quả.
“Biết bán ở chợ đắt nhưng chúng tôi làm sao bán lẻ được cả mấy chục tấn dưa. Đành lòng, chỉ biết bấm bụng, bán cho tiểu thương với giá rẻ, vớt đồng nào hay đồng nấy”, ông Hòa ngậm ngùi.
Theo Tiền Phong