Đùi gà Mỹ sẽ bị kiện bán phá giá tại Việt Nam

Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp... đề nghị điều tra chống bán phá giá với mặt hàng đùi gà của Mỹ.

Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp... đề nghị điều tra chống bán phá giá với mặt hàng đùi gà của Mỹ.

Giá rẻ bất thường

Theo Hiệp hội Đông Nam Bộ (Hiệp hội), thời gian gần đây, cơ quan này đã cử người sang Mỹ thu thập dữ liệu về mức giá bán gà và các sản phẩm từ gà (đùi, cánh, ức...) bán tại thị trường Mỹ. Theo đó, gà nguyên con tại các siêu thị của Mỹ có giá bình quân 200.000 đồng/kg, nhưng khi xuất sang Việt Nam giá bán chỉ 60.000-70.000 đồng/con. Tương tự, đùi gà tại Mỹ bán 60.000-70.000 đồng/kg, nhưng xuất sang Việt Nam giá bán 20.000 đồng/kg... Đơn vị này cho rằng, có một sự chênh lệch không bình thường.

Thịt nhập không chỉ gia tăng về số lượng, chủng loại, mà giá cả nhập về năm sau rẻ hơn năm trước. Chẳng hạn, giá trung bình thịt đùi gà góc tư nhập từ Mỹ cách đây 2 năm ở mức 1,2-1,5 USD/kg, đến những tháng đầu năm nay chỉ còn 0,6-0,8 USD/kg.

Ngoài ra những năm trước, Việt Nam nhập rất ít thịt heo, nhưng năm nay, thị trường cũng xuất hiện loại thịt này, với giá dưới 60.000 đồng/kg; thịt gà xay khoảng hơn 10.000 đồng (0,5 USD).

Xét về lợi thế cạnh tranh, ngành chăn nuôi các nước hơn Việt Nam về quy mô, con giống nhưng không thể hơn về chi phí nhân công, trình độ kỹ thuật, thức ăn và các chi phí khác. "Giá thành nuôi heo hơi hiện nay ở Việt Nam khoảng 36.000-38.000 đồng/kg; gà trắng khoảng 26.000 đồng/kg. Nếu cho rằng các nước nuôi rẻ hơn 10% thì cũng không thể có giá thịt ngoại nhập về nước ta rẻ chỉ bằng một nửa giá như vậy được", đại diện Hiệp hội tính.

Ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ, đặt vấn đề, tại sao gà trải qua quãng đường vận chuyển dài nửa vòng trái đất, phí cấp đông, vận chuyển, bảo quản, thuế nhập... mà giá về Việt Nam chỉ bằng 1/5 giá bán tại Mỹ. Trong lúc nhiều nhà nhập khẩu giải thích, giá một số sản phẩm như chân, cánh, phụ phẩm... rẻ, do người tiêu dùng Mỹ không ăn, nhưng rõ ràng sản phẩm này họ vẫn bán trong siêu thị, cửa hàng thực phẩm của họ.

“... Người Mỹ không ăn đùi gà mà sao lại bán đùi gà?”, ông Quyết đặt nghi vấn.

Lãnh đạo Hiệp hội cũng đặt ra những khả năng, là nguồn hàng có vấn đề về chất lượng, hạn sử dụng, hay mục đích bán phá giá để bóp chết ngành chăn nuôi Việt Nam.

đùi gà

Tính giá sỉ nhập khẩu, 1 kg thịt gà Mỹ nhập về Việt Nam tương đương 1 kg thức ăn nuôi gà.

Tính toán của Hiệp hội, khu vực Đông Nam bộ có khoảng 3.000 trang trại nuôi gà tập trung, tổng vốn đầu tư 6.000-8.000 tỷ đồng, hầu hết chủ trại đều vay vốn ngân hàng, và đang trong tình trạng nợ xấu vì nuôi gà liên tiếp thua lỗ. Với khoảng 8 triệu con gà công nghiệp xuất ra thị trường mỗi tháng hiện nay, người nuôi i Đông Nam bộ chịu lỗ 80-90 tỷ đồng. Mức lỗ này kéo dài trong 6 tháng nay, và đã đến 500 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Minh Kha, một chủ trại lớn tại Đồng Nai cho biết, năm ngoái gia cầm nhập về Việt Nam khoảng 80.000-90.000 tấn, 6 tháng đầu năm nay nhập hơn 50.000 tấn, tăng 20%. Mức giá nhập bình quân năm ngoái 27.000-28.000/kg, hiện nay là 17.000 đồng. “Càng nhập nhiều giá càng rẻ là một điều hết sức bất thường”, ông Kha cho hay.

Ông Lê Mạnh Cường, chủ trang trại chăn nuôi tại Tân Phú (Đồng Nai), cho biết, năm 2013-2014, giá gà công nghiệp xuất ra 25.000-27.000 đồng/kg, có thời kỳ lên đến 37.000 đồng/kg. Nhưng từ 2015, giá chỉ ở mức 22.000-23.000 đồng/kg và duy trì đến giờ. Dù đã chăn nuôi theo hình thức liên kết giữa đơn vị cấp giống, thức ăn với nơi giết mổ, chế biến và giảm chi phí giá thành được 15%, nhưng các trại vẫn luôn phải bán dưới giá thành 4.000-5.000 đồng/kg.

“Các cơ quan quản lý cần phải có biện pháp bảo vệ người chăn nuôi trong nước, cứ như hiện nay nông dân không thể sống nổi”, ông Cường cho hay.

Thịt nhập có vấn đề?

Ông Nguyễn Thanh Phương, phụ trách chăn nuôi Công ty Emives cho hay, lượng gà nhập khẩu về trung bình 6.000 tấn/tháng, quy đổi ra gà nguyên con tương đương khoảng 3 triệu con, chiếm trên 30% so với sản xuất trong nước. Với mức giá nhập thấp như hiện nay, ngành chăn nuôi trong nước không sống nổi.

Bà Diệu Hòa, đại diện doanh nghiệp Koyu&Unitek cũng cho rằng, giá gà Mỹ nhập về Việt Nam mà bán lẻ 20.000 đồng/kg chắc chắn có điều bất thường.

Bà Hòa lấy mức giá bán sỉ gà Mỹ nhập khẩu về hiện nay khoảng 17.000-18.000 đồng/kg để tính toán: Nếu trừ phí cấp đông (2.000-3.000 đồng/con) giá gà chỉ còn 15.000 đồng/kg, trừ thêm phí vận chuyển, thuế xuất nhập khẩu, phí bảo quản... từ Mỹ về Việt Nam, giá thành thành thịt gà Mỹ chỉ còn dưới 10.000 đồng/kg. Mức giá này rẻ hơn 1 kg thức ăn nuôi gà, chắc chắn thịt gà này có vấn đề.

Một số doanh nghiệp chăn nuôi cho biết, nhiều nhà xuất khẩu thịt gà của Mỹ còn có chính sách khuyến mãi cực kỳ hấp dẫn cho các nhà nhập khẩu Việt Nam, là cứ nhập 17 container sẽ được tặng một container miễn phí.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội đặt giả thiết, có một số nước dùng gà loại thoải làm phân bón, thức ăn chăn nuôi, liệu nguồn thịt này có đang được đưa về Việt Nam!. Nếu điều này xảy ra thì quyền lợi người tiêu dùng đang bị xem nhẹ.

Mặt khác, ở Mỹ thời gian qua có nhiều vùng dịch bệnh gia cầm, người chăn nuôi không ăn, liệu nguồn thịt đó có được hạ giá để đưa về Việt Nam. Ngoài ra, còn một giả thiết khác, là trước đây họ xuất vào Nga, Đông Âu... nhưng giờ bị cấm, phải chở về và đổ vào Việt Nam.

Rất nhiều doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi có chung quan điểm, hiện nay cơ quan quản lý không đủ hàng rào kỹ thuật cần thiết để ngăn nguồn thịt nhập khẩu, chất lượng thịt nhập bị buông lỏng. Ngành chăn nuôi trong nước đang chết, kéo theo hàng loạt hệ quả là công ăn việc làm.

Theo Zing


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.