Gần 90% sản phẩm bún, phỏ ở Cà Mau nhiễm chất cấm

Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Cà Mau, trên 87% sản phẩm bún, bánh phở, bánh ướt, hủ tiếu, trên thị trường này nhiễm chất Tinopal.

Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Cà Mau, trên 87% sản phẩm bún, bánh phở, bánh ướt, hủ tiếu, trên thị trường này nhiễm chất Tinopal.

Tinopal là chất dùng trong công nghiệp sản xuất giấy, vải sợi, nhựa, sơn, mực in, mỹ phẩm và được dùng làm chất tẩy rửa trong gia dụng, cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm. Trước thực trạng này, đoàn kiểm tra liên ngành của Ban chỉ đạo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cà Mau phối hợp thực hiện truy nguồn gốc thực phẩm chứa chất cấm này.

Đợt kiểm tra thực tế lần này, ngoài kiểm tra thủ tục hành chính, đoàn yêu cầu các cơ sở cung cấp hồ sơ, sổ theo dõi ghi chép hàng ngày về nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu, hóa chất, phụ gia mua vào, chất lượng bột nguyên liệu, hợp đồng trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm giữa người cung cấp nguyên liệu bột, hóa chất, phụ gia với cơ sở sản xuất sản phẩm bún, bánh phở tươi. Điều kiện vệ sinh chung của cơ sở đối chiếu với quy định của Bộ Y tế, bộ, ngành liên quan. Bên cạnh một số cơ sở chấp hành khá tốt các yêu cầu trong kinh doanh, sản xuất, hiện tại vẫn còn không ít cơ sở cung cấp nguyên liệu bột, sản xuất bún chưa có ý thức cao trong đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm.

87% mẫu bún, bánh ướt, phở nhiễm tinopal.

Theo kết quả do Sở Y tế tỉnh công bố, trong 16 mẫu sản phẩm bún, bánh ướt, bánh phở của các cơ sở sản xuất trong tỉnh Cà Mau được Chi cục an toàn vệ sinh thực  phẩm gửi mẫu kiểm nghiệm vào ngày 4/9 vừa qua, có đến 14/16 sản phẩm (tức trên 87%) cho kết quả dương tính với chất Tinopal. Điều đáng nói là trong đó các sản phẩm bánh phở, bánh ướt, hủ tiếu đều dương tính với Tinopal, tỷ lệ dương tính Tinopal đối với bún là 83%. Thực tế, hầu hết các cơ sở sản xuất bún, bánh phở, bánh ướt, hủ tiếu trên địa bàn tỉnh Cà Mau đều nhập nguyên liệu bột ướt được chế biến sẵn từ các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, vì thế ngoài khả năng trong quá trình sản xuất, chủ cơ sở đưa chất Tinopal vào, thì khả năng nhiễm Tinopal từ bột nguyên liệu là rất lớn.

Theo ông Trần Bé Ngoan, Chi cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cà Mau: “Hầu hết các cơ sở này lấy bột từ Đồng Tháp, Cà Mau, một số cơ sở lấy bột qua ghe lưu động, tức là không có địa chỉ để lại đáng tin cậy nào, chỉ biết tên người, số điện thoại, do vậy bước tiếp theo của chi cục là truy xuất rõ nguồn gốc bột này ở đâu, từ đó liên hệ với các tỉnh thành có liên quan đến cung cấp nguyên liệu để làm việc”.

Việc phát hiện hóa chất Tinopal không chỉ gây hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng, mà hiện nay còn gây nhiều khó khăn cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh mặt hàng thực phẩm chế biến từ gạo. Vì thế, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các cơ sở sản xuất và phân phối cần tự kiểm tra mặt hàng của đơn vị mình, sớm đào thải những cơ sở sản xuất không đảm bảo chất lượng, nhằm cung cấp những sản phẩm sạch, có uy tín cho người sử dụng.

Theo VTV News



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.