Gắn mác vỡ nợ để bán nhà đất

Địa ốc ế ẩm, nhiều môi giới tự gắn mác "vỡ nợ", "cần tiền giải chấp ngân hàng" cho nhà đất để gây sốc kích cầu. Tuy nhiên, kế hoạch bất thành vì "thượng đế" khi biết bị lừa đã tẩy chay không mua nhà.

Địa ốc ế ẩm, nhiều môi giới tự gắn mác "vỡ nợ", "cần tiền giải chấp ngân hàng" cho nhà đất để gây sốc kích cầu. Tuy nhiên, kế hoạch bất thành vì "thượng đế" khi biết bị lừa đã tẩy chay không mua nhà.

Đọc được lời quảng cáo rao bán biệt thự ở khu Phương Viên nằm giữa đô thị Bắc An Khánh phá giá 15 triệu đồng mỗi m2 chị Hương mừng như bắt được vàng. Khi gọi điện thoại đến hỏi mua, chị được người môi giới cho biết, sở dĩ giá giảm tới 50% so với thị trường vì chủ nhà đang phải bán tháo. "Lô đất được quảng cáo rất mùi mẫn: 'Đường trước mặt rộng 36 m2, view ra hồ' nhưng buộc phải bán tháo vì cần tiền giải chấp ngân hàng nên mua nhanh bán nhanh'", chị Hương tâm sự.

Theo lời người môi giới, hợp đồng vẫn ở dạng góp vốn, khi khách hàng xây xong móng sẽ chuyển sang hợp đồng mua bán. Người bán sẵn sàng châm trước, chỉ cần thanh toán trước 2 tỷ, khoảng 2 tỷ còn lại có thể trả sau. Do phải vay ngân hàng, cần tiền gấp làm dự án, nên chủ nhà mới có giá rẻ thế. Tuy nhiên, khi tìm hiểu cặn kẽ, chị Hương mới tá hỏa vì không hề có chuyện bán tháo căn hộ. "Người bán hàng lấy danh vỡ nợ chỉ để đánh vào tâm lý giá đất rẻ và gây chú ý. Trên thực tế, các lô đất khu vực này rao bán 15-17 triệu đồng mỗi m2 nhiều nhan nhản", chị Hương bức xúc.

Ảnh: Hoàng Lan
Biệt thự, liền kề hiện tồn hơn 4.000 căn. Ảnh: Hoàng Lan

Không chỉ người mua mà chính khổ chủ của khu đất cũng đau đầu vì những lời quảng cáo mùi mẫn mà giới trung gian tự "sáng tác" ra. Bác Linh (Hà Nội) cho biết, bác đang có nhu cầu bán gấp một căn biệt thự góc ở khu Linh Đàm gần hai mặt đường rộng 14m và 17m tuy nhiên, không có chuyện "bán tháo để trả nợ cho con". Nhà biệt thự rộng tới 230 m2, hướng Tây Nam trước vườn hoa, gần hồ, sổ đỏ, chính chủ được chào giá 95 triệu đồng mỗi m2.

Năm ngoái, nhiều khách hỏi mua trả giá tới 116 triệu đồng mỗi m2 song bác lại không muốn bán, đúng đợt sau Tết, thị trường trầm hẳn giá chung cư biệt thự đều lao dốc nên bác đành bán rẻ chấp nhận lỗ. "Tôi đã ngoài 70 tuổi, muốn bán gấp để chuyển lên ở với con cái nhưng không hề có chuyện vỡ nợ như người môi giới nói. Vẫn biết môi giới rao vậy để dễ bán nhưng khi con cháu đọc được lời quảng cáo này, tôi cũng rất ngại", bác chia sẻ.

Trên nhiều trang rao vặt, diễn đàn, không ít những dòng rao bán rẻ đến mức gây sốc. Hàng loạt các căn hộ chung cư cao cấp, lô đất nền, đất thổ cư rao bán giảm giá nhan nhản với mác "vỡ nợ", thậm chí có trường hợp còn kể khổ: "Con trai của chủ nhà làm ăn thua lỗ nên bố bán để trả nợ cho con", hay quảng cáo ấn tượng "bán nhà rẻ như cho không"...

Khách hàng tên Thu cho hay, chị được một người bạn giới thiệu đang có mảnh đất cần bán gấp ở Phùng Khoang, gần khu đô thị mới An Lạc với giá 1,4 tỷ đồng và "sãn sàng thương lượng". Do vướng vào một vài chuyện riêng cần phải xử lý, nên người bán sẽ phá giá. Tuy nhiên, đến khi tìm hiểu, chị mới biết, khu đất này được rao bán từ năm ngoái, qua nhiều "kênh" khác nhau. Sau nhiều tháng chưa "đẩy" được hàng, môi giới buộc phải nghĩ ra chiêu trò vỡ nợ để kích thích trí tò mò của người mua. "Hỏi ra mới hay, khu đất buộc phải bán tháo vì đang vướng quy hoạch, có khả năng bị giải tỏa nên đưa ra giá rẻ chứ không hề có chuyện vỡ nợ", chị chia sẻ.

Thị trường địa ốc trầm lắng kéo dài, khiến hàng tồn kho địa ốc càng nhiều. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, riêng Hà Nội có 368 dự án với khoảng 20.000 ha cho địa ốc, trong đó những dự án đang triển khai chiếm khoảng 40%. Hàng tồn kho cả nước lên tới 16.469 căn hộ chung cư, hơn 4.000 nhà thấp tầng, và hơn 25.800 m2 nhà văn phòng cho thuê. Để kích cầu, các từ như "bán tháo", "gán nợ", "vỡ nợ", "đại hạ giá", "đua chiết khấu" được chủ đầu tư, môi giới đua nhau sử dụng.

Một môi giới tại khu vực An Khánh Thượng tiết lộ, hiện anh đang có hơn chục lô đất ký gửi của các nhà đầu tư bán với giá rẻ "bất ngờ" từ 12 triệu đến 25 triệu đồng mỗi m2. Lý do bán nhà giá bèo nhiều không kể hết: Từ việc sổ đỏ thế chấp ngân hàng đáo nợ, chủ nhà trốn nợ phải vay nóng, cho đến môi giới tự gắn mác bán tháo nhà đất để kích cầu. Theo anh, đối với những trường hợp bán tháo vì vỡ nợ thật thường bị khách mua ép giá, và người bán do đang cần tiền gấp nên cũng dễ dàng thương lượng hơn. Thậm chí có những trường hợp, chủ nhà dễ dãi tới mức "khách mua bao nhiêu, bán bấy nhiêu", miễn từ 30m2 trở lên để đủ điều kiện tách sổ.

Trường hợp vỡ nợ giả, theo anh, chỉ qua vài ba lời trao đổi là "lộ", bởi thực chất, những lời quảng cáo đó chỉ để gây sự chú ý của người mua và môi giới "hoàn toàn không có ý đồ đùa dai lừa khách hàng".

Trao đổi với PV, ông Đặng Văn Quang, giám đốc Công ty Tư vấn BĐS Navigat cho hay, áp lực bán tháo hiện nay đang diễn ra trên diện rộng do nhiều lý do, trong đó, vỡ nợ cũng là một khả năng. Tuy nhiên, bên cạnh những trường hợp vỡ nợ thật, có không ít người mượn danh này để đẩy hàng nhanh, gây sự thu hút của người mua. "Khi mang tiếng vỡ nợ, bán tháo, người rao bán sẽ tạo ra cảm giác giá bèo, giá rẻ bất ngờ. Đây là một chiêu marketing được nhiều môi giới cũng như người bán bất động sản sử dụng", ông Quang chia sẻ.

Theo ông Quang, hình thức mượn chiêu vỡ nợ bán tháo thường xảy ra đối với những đơn vị tư nhân, không sợ ảnh hưởng đến thương hiệu như các tổ chức hoặc doanh nghiệp bất động sản. Đưa ra hình thức bán tháo ảo chỉ làm người mua mất lòng tin và càng làm thị trường ế ẩm hơn. "Hiện nay, giá cả chỉ là một phần quyết định đến yếu tố thanh khoản, chỉ những khu đất, căn chung cư đầy đủ thủ tục pháp lý, thuận lợi cho việc đi lại mới thực sự có giao dịch", ông nói.

Theo VNE



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.