Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), cho biết thị trường xuất khẩu gạo chính của doanh nghiệp (DN) nhiều năm nay là Trung Quốc. Tuy nhiên, năm nay số lượng hợp đồng ký với thị trường này giảm mạnh.
“Lượng gạo xuất khẩu năm tháng đầu năm 2015 của DN vào Trung Quốc giảm đến hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái” - ông Đôn nói.
Chặn tiểu ngạch, siết chính ngạch
Theo ông Đôn, từ đầu năm đến nay DN chỉ ký được hợp đồng với một vài đối tác nhưng số lượng nhỏ giọt. Nguyên nhân là đến lúc này, Trung Quốc vẫn chưa cho nhập khẩu gạo qua đường tiểu ngạch, trong khi mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hàng triệu tấn gạo qua đường này. Chính phủ Trung Quốc cũng siết nhập khẩu chính ngạch bằng việc phân bổ hạn ngạch nhập khẩu cho một số đối tượng DN nhất định.
Với việc xuống tận nơi mua, DN Trung Quốc muốn tìm cách giá ép nông dân, DN nước ta phải bán với giá rẻ.
Ông Tuấn thông tin thêm: “Gạo cũ, mới (vụ trước, vụ sau), không kể chất lượng, các thương lái Trung Quốc đều mua bằng giá nên nông dân nước ta khoái bán cho họ. Tuy nhiên, năm nay sức mua của họ không lớn, xuất khẩu gạo nước ta lại đang khó đầu ra càng tạo điều kiện cho thương lái ép giá rẻ mới mua. Xuất khẩu gạo nước ta đang gặp khó lại càng khó hơn”.
Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Huỳnh Minh Huệ cho hay lượng gạo xuất khẩu năm tháng đầu năm 2015 của Việt Nam đạt 2,4 triệu tấn, thu về 1,05 tỉ USD. Con số này giảm hơn 11% về khối lượng và giảm 15% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
“Trung Quốc mấy năm gần đây luôn là thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam lớn nhất với hơn 33% thị phần. Nhưng bốn tháng đầu năm 2015, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc giảm đến 28% về khối lượng và giảm 31% về giá trị nên xuất khẩu gạo Việt Nam bị ảnh hưởng theo” - ông Huệ phân tích.
Thị trường teo tóp
Dù Trung Quốc là thị trường chính của xuất khẩu gạo Việt Nam và chúng ta đang có lợi thế nhờ vị trí gần nhưng nhiều ý kiến cho rằng nếu không biết khai thác thì cũng khó giữ được thị trường này.
“Dù đóng cửa biên mậu với Việt Nam nhưng Trung Quốc vẫn đang nhập gạo từ Myanmar qua đường tiểu ngạch. Chưa kể hai nước đã có thỏa thuận “đổi gạo lấy dự án đường sắt” - ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty TNHH Gạo Việt (TP.HCM), thông tin.
Ngoài ra, đối thủ Thái Lan với lượng tồn kho gạo lớn vẫn bán được cho Trung Quốc. Nhiều nhà xuất khẩu gạo khác cũng đang khai thác được thị trường lớn nhất thế giới này như Pakistan, Campuchia, Ấn Độ.
Không chỉ Trung Quốc mà các thị trường truyền thống khác của gạo Việt Nam như Philippines, Malaysia, Indonesia cũng đang bị cạnh tranh khốc liệt.
“Lượng hợp đồng tập trung ký kết với các thị trường trên giảm hẳn, số lượng không lớn như mọi năm. Các năm trước Việt Nam có thể ký hợp đồng xuất khẩu 500.000-800.000 tấn gạo cho Philippines nhưng năm nay mỗi hợp đồng chỉ 100.000-200.000 tấn, giá bán thấp hơn. Nguyên nhân do không chỉ Thái Lan tham gia đấu thầu mà còn có Ấn Độ, Pakistan và cả Campuchia cũng nhảy vào đấu thầu. Hợp đồng bị chia sẻ, buộc phải hạ giá bán mới có thể cạnh tranh trúng thầu” - ông Long nêu thực trạng.
Một nghịch lý khác là hiện nay giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã chạm đáy và có thể nói là thấp nhất thế giới, tuy nhiên vẫn không cạnh tranh lại gạo của các nước xuất khẩu khác. Như giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện đang bán khoảng 355 USD/tấn, thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan 15-25 USD/tấn.
Song nếu cộng với cước phí vận chuyển thì giá gạo các nước vẫn cạnh tranh hơn Việt Nam. Ví dụ như thị trường châu Phi, trước đây gạo Việt chiếm lĩnh nhưng từ năm ngoái đến nay gạo Việt đã mất 60% thị phần, nhường sân cho Thái Lan và Ấn Độ.
Có thể xuất sang Mỹ, châu Âu giá cao
Bàn về giải pháp đầu ra cho xuất khẩu gạo, ông Nguyễn Văn Đôn cho rằng mấy năm trở lại đây Trung Quốc cũng như nhiều thị trường khác chủ yếu mua gạo thơm, còn gạo cấp thấp mua ít. Ngay cả gạo 5% tấm mà Việt Nam coi là gạo cấp cao, các nước cũng mua hạn chế.
“DN vẫn hoạt động tốt là nhờ xuất khẩu gạo thơm sang Trung Quốc, Hong Kong... Vì vậy, chúng tôi cân đối lượng gạo dự trữ, chú trọng gạo chất lượng cao, gạo thơm cho những thị trường dự kiến sẽ xuất trong năm” - ông Đôn chia sẻ kinh nghiệm.
Đồng tình với ông Đôn, ông Nguyễn Thanh Long cho biết bế tắc xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng bù lại DN vẫn xuất được sang các thị trường Nga, Ukraine. Đặc biệt là thị trường Nga, sau khi Việt Nam ký kết hiệp định thương mại tự do với Nga, Kazakhstan, Belarus… sẽ có rất nhiều thuận lợi về thuế quan.
Ông Long nhấn mạnh: “Nếu Việt Nam chú ý đến chất lượng gạo bằng việc quản lý giống, quy hoạch vùng trồng, chế biến lau bóng, đóng bao bì thì hoàn toàn có thể xuất sang Mỹ, châu Âu với giá cao”.
Hãy học Campuchia Campuchia đã xuất khẩu hơn 243.000 tấn gạo trong năm tháng đầu năm nay, tăng 64% so cùng kỳ năm ngoái. Số lượng gạo xuất khẩu này vẫn còn rất ít nếu so với những “ông lớn” như Việt Nam, Thái Lan… Nhưng hãy nhìn vào danh sách thị trường xuất khẩu của nước này khi gạo Campuchia được 69 công ty xuất khẩu sang 46 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới. Ba nước nhập khẩu gạo hàng đầu của Campuchia là Trung Quốc, Pháp và Ba Lan. Trong khi đó, thị trường Việt Nam đang dần teo tóp, bị các nước cạnh tranh thị phần. Nguyên nhân không phải gạo Việt không ngon mà do DN xuất khẩu dở trong việc tìm thị trường, không chịu tìm thêm những thị trường mới. GSVÕ TÒNG XUÂN |