Hàng bẩn làm "ê mặt" nông sản Việt xuất khẩu

Nhiều lô hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bị cảnh báo hoặc trả về vì mất an toàn thực phẩm (ATTP) đã làm ảnh hưởng đến uy tín hàng nông sản Việt

Các nước phát triển như Mỹ và EU đang siết chặt hàng rào kỹ thuật và nhiều lô hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bị cảnh báo hoặc trả về vì mất an toàn thực phẩm (ATTP) đã làm ảnh hưởng đến uy tín hàng nông sản Việt trên thị trường thế giới.

Thông tin này được thảo luận tại cuộc họp báo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 5/8 tại Hà Nội.

Trong 7 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản tiếp tục gặp khó khăn, giá trị xuất khẩu ước đạt 2,47 tỷ USD, giảm 9,9% so với tháng 6/2015 và giảm 8,3% so với tháng 7/2014.

Ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm Thủy sản, cho rằng: Có hai nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản của nước ta trong thời gian qua.

Thứ nhất là do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên sức mua giảm, tổng cầu giảm, kéo theo xu hướng các nước gia tăng rào cản kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước. Vì thế, các nước sẽ thắt chặt hàng rào kỹ thuật – thông qua kiểm dịch và an toàn thực phẩm để hạn chế hàng nhập khẩu từ các nước khác.

Thứ hai là do ảnh hưởng của tỷ giá. Trong khi một số nước trong khu vực đã thay đổi tỷ giá thì Việt Nam vẫn giữ nguyên tỷ giá cũ nên ảnh hưởng đến xuất khẩu.

nongsanxk-6d398
Chất lượng sản phẩm và vấn đề an toàn thực phẩm là rào cản lớn đối với xuất khẩu nông sản của Việt Nam (Ảnh minh họa)

Theo ông Hào, một vấn đề quan trọng nữa là trong khi các nước gia tăng áp dụng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước, thì Việt Nam đang thực hiện cải cách hành chính theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù chính sách này là đúng nhằm thông thoáng thủ tục để tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta tạo thông thoáng tối đa cho doanh nghiệp trong khi ý thức tuân thủ quy định pháp luật của các nhà xuất khẩu Việt Nam chưa cao, nhiều DN còn cố tìm cách lách luật.

“Do vậy, nhiều lô hàng Việt Nam xuất đi bị cảnh báo nhiều hơn vì không đáp ứng điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến uy tín hàng nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới, nên xuất khẩu bị hạn chế” ông Hào bình luận.

Chi phí vận tải cao

Trong khi các cơ quan chức năng của Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm và mở cửa thị trường cho xuất khẩu nông sản của nước nhà, thì chủ yếu hàng nông sản lại được xuất khẩu qua đường hàng không nên chi phí vận chuyển rất cao. Điều này làm đội giá bán sản phẩm, khiến hàng Việt Nam khó cạnh tranh với nông sản của các nước trong khu vực như Thái Lan.

“Đơn cử như vải xuất khẩu sang Mỹ thì chi phí vận chuyển đã chiếm tới 50% giá thành sản phẩm”, ông Trung nói.

Ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) cho biết: Hàng nông sản là hàng thời vụ, tươi sống nên cần được ưu tiên vận chuyển nhanh. Tuy nhiên, khi vận chuyển bằng hàng không cũng bị giới hạn bởi tải trọng.

Theo ông Trung, Thái Lan có trợ giá cho hàng nông sản xuất khẩu qua hàng không nên chi phí vận chuyển nông sản xuất khẩu của họ thường rẻ hơn nước ta.

Để giải quyết khó khăn trên, gần đây lãnh đạo Bộ NN&PTNT và Cục Hàng không (Bộ Giao thông Vận tải) đã bàn biện pháp tháo gỡ cho xuất khẩu nông sản. Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ GTVT trợ giá cước phí vận chuyển và ưu tiên về tải trọng cho hàng nông sản xuất khẩu.

Theo Dân Trí



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.