Hàng giả, hàng nhái diễn biến tinh vi đang từng ngày thách thức cơ quan quản lý, giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp làm ăn chân chính, đánh đố người tiêu dùng.
Không riêng gì mặt hàng mỹ phẩm, túi xách hàng giả, hàng nhái được bày bán tại các trung tâm mua sắm cao cấp. Tại các chợ Kim Biên, An Đông (quận 5), Tân Bình, Phạm Văn Hai (Tân Bình), chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh)… tràn lan túi xách nhãn hiệu nước ngoài như: Gucci, Prada, Versace, Burberry…
Hàng giả, hàng nhái "sống khỏe"
Thực tế chứng minh, hầu hết các mặt hàng dù bình dân hay cao cấp, giá trị nhỏ hay lớn, thương hiệu trong nước hoặc nước ngoài đều bị làm giả, làm nhái. Làm giả từ hàng gia dụng, thực phẩm, mỹ phẩm, giày dép đến các mặt hàng có giá trị cao hơn như túi xách, đồng hồ, mắt kính…
Hàng thật lẫn vào hàng giả khiến người tiêu dùng khó phân biệt. Ảnh minh họa |
Dạo quanh chợ sỉ Kim Biên (quận 5) cho thấy, không thiếu một loại mỹ phẩm nào, từ hàng trong nước đến hàng ngoại nhập. Dù là người không am hiểu về mỹ phẩm song để nhận biết chất lượng hàng hóa chỉ có cách là căn cứ vào giá cả.
Cụ thể, kem lót hiệu BB (xuất xứ Hàn Quốc) giá 15.000/chai; kem trang điểm L'Oreal (Ý) 15.000đ/hộp; sữa rửa mặt Lancome (xuất xứ Pháp) 12.000/chai; phấn, kẻ mắt, hiệu MAC (Canada) 8.000 - 10.000 … Chi cục quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, trên 90% mỹ phẩm tại các chợ đều là hàng nhái thương hiệu.
Khách hàng muốn mua bất kỳ sản phẩm thương hiệu nào tiểu thương đều đáp ứng với giá rất mềm. Nhận định về tình trạng túi xách giả và nhái những thương hiệu có tiếng không ít doanh nghiệp cho rằng, vì ham lời nhiều mà các cơ sở túi xách cũng đua nhau làm giả các thương hiệu cao cấp để bày bán tại các cửa hàng và chợ đầu mối.
Hậu quả là nạn túi xách giả, nhái tràn lan không kiểm soát nổi. Dự báo trong thời gian không lâu, doanh nghiệp Việt có nguy cơ chết đứng vì hàng giả. Chi cục quản lý sản phẩm hàng hóa miền Nam cho biết, mới đây qua việc khảo sát và kiểm tra chất lượng ghi nhãn bánh trung thu tại 8 cơ sở, kết quả có 5 cơ sở ghi nhãn không phù hợp.
Kiểm tra mặt hàng đóng gói tại 9 siêu thị lớn với 248 mẫu trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và TP. Cần Thơ kết quả cho thấy, 11 mẫu ghi nhãn không phù hợp. Điều này chứng tỏ rằng cả hàng hóa trong các siêu thị lớn vẫn không phù hợp với quy định.
Ông Trần Văn Xiêm, Chi cục Trưởng Chi cục quản lý sản phẩm hàng hóa miền Nam khẳng định: "Tất cả các mặt hàng điều được làm giả và diễn biến phức tạp. Hàng giả, hàng nhái đang làm nhiễu thị trường kinh tế của cả nước cho nên cầm sản phẩm thật người tiêu dùng cũng đắn đo, cân nhắc".
Người tiêu dùng lãnh đủ
Bức xúc khi sản phẩm của công ty bị làm giả, làm nhái đại diện Công ty nhựa Bình Minh cho hay: "Sản phẩm của công ty bị làm nhái cách đây từ 15 năm. Những vụ vi phạm đều được cơ quan Công an xử lý hình sự, truy tố đối tượng ra trước pháp luật. Tuy nhiên nhiều vụ việc vẫn chưa được làm đến nơi khiến doanh nghiệp thiệt hại lâu dài".
Hàng giả hàng nhái ngày càng tinh vi đang từng ngày thách thức cơ quan quản lý cho nên gần đây việc đăng ký bản quyền cũng không được chú trọng. Ông Lee Kiên - Công ty TNHH Thế giới túi xách cũng cho biết, hầu như túi xách giả, nhái đều bày bán tại các trung tâm mua sắm cao cấp, cửa hàng hoặc chợ đầu mối.
Một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng thích hàng giả. Ảnh minh họa |
Cứ mẫu nào ăn khách thì lập tức chỉ một thời gian sau sẽ bị sao chép ra đầy chợ và cả trên mạng. Chính công ty Thế giới túi xách cũng là nạn nhân của nhiều mẫu mã bị nhái, điền hình như mẫu ba lô cặp học sinh kéo có hơn 300.000 sản phẩm bị nhái kiểu dáng.
Do không còn thời "trăm người bán vạn người mua" mà thay vào đó là thời "triệu người bán ngàn người mua" cho nên hàng hóa được bày bán thoải bất chấp ảnh hưởng đến sức khỏe và tài sản người tiêu dùng. Đặc biệt, hàng giả hàng nhái đang làm nhiễu thị trường, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế.
Theo ông Trần Văn Xiêm, để việc chống hàng nhái, hàng giả có hiệu quả nhất thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát tình hình sản xuất, nhập khẩu và lưu thông hàng hóa trên thị trường.
Trong tuần tới, Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa Miền Nam phối hợp với cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra các chỉ tiêu về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các loại thực phẩm ăn trong ngày. Kết quả kiểm tra sẽ được công bố để người tiêu dùng biết.Theo số liệu của Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa Miền Nam, qua kiểm tra 79 cơ sở với 416 mặt hàng gồm: xăng dầu, mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em, thiết bị điện tử… Chi cục đã phát hiện có 33,89% không đạt yêu cầu về ghi nhãn hàng hóa; 14,5% hàng hóa không đạt yêu cầu về chất lượng.
Trường hợp, người tiêu dùng mua phải hàng giả thì phải phản ánh cho doanh nghiệp sản xuất, cho cơ quan quản lý Nhà nước và Hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu để sớm có biện pháp ngăn chặn.
Theo Đất Việt