Hàng hiệu, xe sang thắp hương đuổi ruồi tháng cô hồn

Giới kinh doanh than trời, ai cũng mong nhanh hết tháng 7 âm lịch vì hàng hóa ế ẩm, doanh thu giảm mạnh. Quan niệm dân gian về "tháng cô hồn" vẫn đè nặng tâm lý nhiều người và gây ra nhiều hệ lụy.

 Giới kinh doanh than trời, ai cũng mong nhanh hết tháng 7 âm lịch vì hàng hóa ế ẩm, doanh thu giảm mạnh. Quan niệm dân gian về "tháng cô hồn" vẫn đè nặng tâm lý nhiều người và gây ra nhiều hệ lụy.

Ế từ điện thoại tới quần áo

Do kiêng kị tháng 7 âm không làm những việc lớn, không mua sắm những hàng hóa có giá trị như nhà đất, ôtô, xe máy... nên những người kinh doanh thoại di động và quần áo than thở không bán được hàng.

Tại trung tâm kinh doanh điện thoại lớn nhất Hà Nội, phố Thái Hà với hàng chục cửa hàng siêu thị điện thoại di động lớn nhỏ, những ngày trước lúc nào cũng tấp nập khách ra vào thì hơn 1 tuần nay khá vắng vẻ. Nhiều cửa hàng lớn, nhân viên còn đông hơn khách, doanh số bán giảm mạnh do khách tới mua ít.

Một nhân viên bán hàng điện thoại ở đây cho biết, "tháng cô hồn" từ lâu đã trở thành cụm từ kinh khủng nhất của mọi người kinh doanh từ lớn đến nhỏ.Với kinh doanh điện thoại, "tháng cô hồn" là tháng vắng khách nhất trong năm.

tháng cô hồn, kinh doanh khó khăn, thị trường, giao dịch, khách hàng, ế ẩm, ô tô, xe máy, bất động sản, quần áo, điện thoại.
Quần áo bình thường vào tháng cô hồn đã ế ẩm huống chi hàng hiệu (ảnh minh họa)

Thông tin từ các nhà bán lẻ như Viễn thông A, Thegioididong.com, Mainguyen, FPT Shop... doanh số điện thoại tháng 7 âm đang sụt giảm, dự đoán khoảng 10% trên toàn thị trường so với tháng 5 và 6.

Đến “tháng cô hồn”, người dân hay ở nhà hơn là đi mua sắm. Đây cũng là cơn ác mộng với những người kinh doanh quần áo. Một chủ cơ sở bán buôn hàng quần áo tại Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội, buồn bã: “Em thì đen đủ đường. Hàng không về được, bán thì ế ẩm, ngồi cả ngày không có đơn hàng. Khách gọi cũng không dám nghe vì hàng trục trặc không về được nên có đâu mà giao. Tháng này bán hàng chắc bằng nửa tháng tháng trước thôi, mong cho nó trôi nhanh”.

Các cửa hàng quần áo thời trang trên đường Tôn Đức Thắng, Chùa Bộc, Cầu Giấy, Hà Nội... biển giảm giá, khuyến mại trưng ồ ạt với mức giảm tới 50-70%. Lý do cũng tại "tháng cô hồn", lượng khách giảm rõ rệt, nếu không tung các chiêu khuyến mãi thì ế ẩm suốt ngày.

Nhiều cửa hàng bán đồ sơ sinh cho biết, doanh thu bán hàn tháng 7 âm thường giảm tới 30% so với các tháng khác.

Ô tô, xe máy chả ai mua

Anh Hoàng Mạnh Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Vượng Phát (Hà Nội), cho biết từ đầu tháng 7 âm lịch đến nay chỉ bán được 2 chiếc xe máy Amici 125cc, mặc dù đang có chương trình khuyến mãi giảm giá 3 triệu đồng/xe. Muốn tồn tại, mỗi tháng cửa hàng phải bán được ít nhất 100 xe, nhưng tháng này chắc không thể. Trong khi đó, tiền thuê cửa hàng đã 2.000 USD/tháng, lương nhân viên vẫn phải trả khiến ông giám đốc như ngồi trên lửa.

Các đại lý bán xe máy Honda cũng kêu than chẳng kém khi bước vào tháng 7 âm vẫn tiêu điều, xơ xác. Người mua vốn đã vắng nay càng vắng hơn. Nhiều đại lý cho biết họ đã phải giảm đơn đặt hàng do biết trước là xe bán kém. Vậy nhưng giá nhiều mẫu xe như Lead, Air Blade, Vison, SH... vẫn giảm giá mạnh từ 600.000-2 triệu đồng/chiếc.

tháng cô hồn, kinh doanh khó khăn, thị trường, giao dịch, khách hàng, ế ẩm, ô tô, xe máy, bất động sản, quần áo, điện thoại.
Xe ô tô ế ẩm (ảnh minh họa)

Một nhân viên bán hàng tại đại lý Matexim Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, cho biết, người tiêu dùng Việt khá mê tín, cho rằng mua xe trong thời gian này dễ gặp xui xẻo, ra đường dễ bị tai nạn... Điều này khiến doanh thu của đại lý xe máy giảm đi trông thấy.

Một nhân viên kinh doanh xe máy tại đại lý Yamaha Hồng Hạnh trên đường Bà Triệu (Hà Nội) cho biết, trong hơn 1 tuần đầu tháng 7 âm số lượng xe máy bán ra giảm 40% so với tuần đầu tháng 6 âm trước đó.

Khó khăn không kém là kinh doanh ôtô. Theo ông Hà Minh Tuấn, Giám đốc một công ty kinh doanh xe cũ, tiêu thụ xe ôtô cũ tháng 7 âm lịch không cao, bình quân chỉ từ 1-2 xe/ngày, so với những thời điểm khác 5 xe/ngày. Không những thế, để giữ được giao dịch như vậy, công ty đã phải mua xe cũ với giá cao hơn và bán với giá thấp hơn trước, chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ doanh số.

Hơn 1 tuần qua, đại lý của các hãng tại Hà Nội cho biết họ chỉ bán được vài chiếc, thậm chí có đại lý còn chẳng được chiếc nào. Các đại lý ôtô khi được hỏi đều lắc đầu ngán ngẩm, vào "tháng cô hồn" chắc doanh số sụt giảm cỡ 10%. Họ coi bảo hành, bảo dưỡng, thay thế phụ tùng là công việc chính. Kinh doanh rất chậm nên nhiều nhân viên bộ phận kinh doanh đang "ngồi chơi xơi nước".

Về phía DN sản xuất và nhập khẩu xe thì đối phó bằng cách tung khuyến mãi khủng để hút khách. Chẳng hạn, Huyndai Thành Công giảm giá cho 4 sản phẩm là Accent, Avante, Elantra và Tucson từ 18-25 triệu đồng. Thaco KIA giảm 40 triệu đồng, hỗ trợ 3% phí trước bạ cho khách hàng... GM tặng 1.000 lít xăng và giảm giá tùy từng mẫu xe lên đến 52 triệu đồng. Tất cả các mẫu xe Ford đang bán ra đều giảm giá 10-15 triệu đồng/xe.

Bất động sản chật vật

Tháng 7 âm lịch cũng là tháng đại kỵ của dân kinh doanh địa ốc. Nhiều DN cho biết, bước vào "tháng cô hồn", việc kinh doanh gần như đình đốn.

Theo phản ánh của nhiều sàn giao dịch bất động sản, tuần đầu tháng 7 âm lịch là thời đểm kết quả giao dịch tệ hại nhất của thị trường Hà Nội. Mặc dù lãi suất đã hạ, đối tượng cho vay mua nhà đất được nới rộng, nhưng thị trường vẫn gần như không có chuyển biến.

Các giao dịch giảm mạnh là thông tin từ một nhân viên giao dịch Công ty địa ốc Xanh (Kim Mã, Hà Nội). Một số khách hàng đến đây với hy vọng mua nhà giá rẻ, tuy nhiên họ chỉ sẵn sàng đặt cọc giữ chỗ chứ nhất quyết không làm hợp đồng cũng không trả tiền trong tháng 7 âm lịch, chờ sang tháng sau mới chính thức tiến hành giao dịch.

Đại diện văn phòng bất động sản An Điền thừa nhận, thông thường tháng 7 âm rất kị với dân bất động sản, vì hầu như mọi hoạt động giao dịch đều đóng băng. Tháng 7 âm đến, thị trường như bước vào thời kỳ ngủ đông, những điểm sáng tích cực trên thị trường không có, giao dịch gần như về số 0. Mọi hỗ trợ từ người bán, chủ đầu tư cũng không tạo ra sức cầu bật mạnh. Thời gian này, người môi giới bất động sản chủ yếu đưa khách hàng đi tham quan dự án.

Theo VEF



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.