Khiếp đảm chiêu độn, nhuộm thực phẩm bẩn
Gạch cua vàng rộm, “ổi tiên” xanh mơn mởn, sợi miến vàng óng... ít ai biết phía sau vẻ bắt mắt của nhiều loại thực phẩm là những “công nghệ rợn người”.
Gạch cua vàng rộm, “ổi tiên” xanh mơn mởn, sợi miến vàng óng... ít ai biết phía sau vẻ bắt mắt của nhiều loại thực phẩm là những “công nghệ rợn người”.
Gạch cua vàng rộm nhờ trứng trộn hóa chất
Những con cua ghẹ yếu, gãy càng, rụng mai, thậm chí đã chết sẽ được bỏ mối cho các hàng rong. Tuy nhiên, chỉ cần qua bàn tay “chữa trị” tài tình của người bán, đám ghẹ “thương binh”, “ngất xỉu” này sẽ trở nên tươi rói bóng bẩy như chưa hề chết. Những con cua, ghẹ chết sẽ được gắn lại càng và chân, sau đó ngâm vào thứ nước là hỗn hợp nước, hàn the và bột ngọt, có màu đục nhờ nhờ. Trong quá trình ngâm, thỉnh thoảng người chế biến còn cho vào nước một chất phụ gia hóa học đựng trong gói nhỏ nhàu nát không rõ nhãn mác.
Xong công đoạn ngâm ướp để phục hồi hình dạng cho đám cua, ghẹ, người ta xếp vào một rổ to cho ráo nước, chuẩn bị đến công đoạn bơm gạch. Hỗn hợp gạch giả gồm lòng đỏ trứng vịt, bột mỳ, chất bảo quản trộn lẫn với nhau, được bơm thẳng vào mai.
Sau khi qua nhiều bước “tái sinh”, toàn bộ số cua ghẹ chết trở nên căng mẩy, mai gồ lên những mảng gạch màu vàng rộm, nhìn khác một trời một vực so với hình ảnh nhợt nhạt, bốc mùi lúc trước. Kỹ xảo này còn được áp dụng đối với cua ghẹ đang sống. Như vậy, khách du lịch dù tinh tường cũng khó mà phân biệt được cua ghẹ đã qua “thẩm mỹ viện” khi con nào con ấy đã được chế biến thơm phức gừng sả.
“Ổi tiên”“tắm” nước độc
Đây là loại quả thường được người bán giới thiệu cho khách là giống ổi mới, lai giữa đào và ổi, có thể gọi bằng nhiều tên khác nhau như ổi đào, ổi tiên, ổi lê hay đào Đà Lạt. Song thực tế thì “đào, lê, tiên... ” này là do công nghệ ngâm tẩm biến hóa.
Muốn có loại ổi tiên, những kẻ buôn bán chỉ cần thực hiện một vài thao tác. Đầu tiên, họ chọn những quả ổi thường to, tròn, căng bóng, sau đó cạo sạch lớp vỏ bên ngoài rồi chà cho nhẵn bề mặt. Nếu bề mặt ổi không được làm nhẵn cẩn thận, khi ngâm vào nước màu, da ổi sẽ không ngấm đều màu hoặc lên màu loang lổ chỗ đậm, chỗ nhạt nhìn không tự nhiên.
Bước thứ hai, tất cả những quả ổi được “xoa” nhẵn vỏ sẽ được đổ vào một cái chậu lớn hoặc bể con có sẵn một hỗn hợp nước màu xanh ngắt. Đó là hỗn hợp màu, đường và hương liệu hóa học kèm theo một chất bám dính hay được dùng trong... sản xuất sơn.
Khi ổi đã được ngâm khoảng nửa tiếng đồng hồ, người làm sẽ chà xát, trộn đều số ổi đang được ngâm trong bể, làm như vậy ổi mới ngấm đều hóa chất, khi ăn sẽ ngọt, thơm và đẹp mắt. Những quả ổi thường sau khi được biến thành “ổi tiên” đều to tròn xanh mướt, da căng mịn, tỏa mùi thơm dìu dịu, khi bổ ra ruột không khác ổi thường là mấy, ăn lại giòn tan ngọt lịm. Loại ổi “đặc sản” này thường được bán giá đắt gấp đôi, gấp 3 ổi thường.
“Phù phép” tạo màu cho sợi miến
Ở làng miến Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội), bột sản xuất miến hầu hết đều nhập từ Trung Quốc. Tuy nhiên, vì để lâu ngày nên mùi rất hôi thối, bột mốc đen nên nhiều cơ sở phải dùng tới thuốc tẩy trắng cũng như sử dụng ‘bột nghệ’ để hóa trang cho miến.
Tại một cơ sở làm miến ở đây, ngoài những thứ miến được “hóa trang” bằng màu trắng, xám, đục, còn xuất hiện loại miến có màu vàng rộm nhìn rất bắt mắt. Nhưng ẩn sau sự bắt mắt đó là tuyệt chiêu dùng hoá chất và thứ phẩm màu vô cùng độc hại mà người ta gọi là “bột nghệ,” để tạo màu. Tuy nhiên, thứ ‘bột nghệ’ ấy toàn là phẩm màu mua ở chợ Đồng Xuân.
Theo một chủ cơ sở sản xuất miến, quy trình tạo màu cho miến cũng đơn giản, khách cần màu gì có màu ấy. Đầu tiên bột dong riềng được ngâm nước khoảng nửa ngày, sau đó gạn đi gạn lại rồi vớt lấy tinh bột. Nếu muốn miến có màu trắng, sau khi ngâm bột sẽ có thêm giai đoạn tẩy trắng bằng thuốc tím. Những sợi miến ra lò sẽ trắng tinh và trong như sợi cước. Còn các loại miến có màu vàng, màu xanh nhạt hay màu xám thì lại thêm một công đoạn khác. Sau khi đun thứ “bột nghệ” đến độ sánh và đặc quánh giống như kẹo đắng sẽ tiếp tục được hoà với nước và đổ vào bột dong, khuấy đều lên rồi bắt đầu quy trình sản xuất miến.
Chuyên gia y tế cảnh báo, việc sử dụng phẩm màu để sơ chế miến sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Người tiêu dùng ăn miến sử dụng phẩm màu có thể lần đầu không ảnh hưởng, nhưng sử dụng nhiều lần có thể nó sẽ tích tụ và đến một thời điểm nào đó sẽ phát bệnh.
Mứt sen độn đường, nhuộm phẩm độc
Đầu tháng 1/2013, trinh sát Đội 4, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an TP. Hà Nội phát hiện cơ sở Phương Vui (xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm) - chuyên sản xuất mứt sen - có biểu hiện vi phạm các quy định về VSATTP. Trong quá trình sản xuất mứt sen, cơ sở này đã sử dụng phẩm màu công nghiệp để nhuộm vàng sản phẩm, tạo mẫu mã đẹp đánh lừa người tiêu dùng. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở này thừa nhận, chưa có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chưa được đào tạo, tập huấn về ATVSTP song vẫn được UBND xã Ninh Hiệp cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện. Kiểm tra thực tế tại khu vực sản xuất mứt sen, cơ quan chức năng thu giữ nhiều loại phụ gia thực phẩm gồm: chất tạo màu, tạo mùi không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngoài “độn” đường để tăng trọng lượng, hạ giá thành sản phẩm, muốn hạt sen loại 2, 3 bóng bẩy, cơ sở này tưới một loại phẩm màu vàng mua trôi nổi ngoài thị trường. Theo xác định ban đầu của cơ quan công an, đây là phẩm màu công nghiệp, chứa chất có thể gây ung thư, cấm sử dụng trong thực phẩm. Không chỉ vi phạm các quy định về VSATTP trong chế biến mứt sen, lực lượng công an còn phát hiện cơ sở này sử dụng hóa chất nhôm sulfat để bảo quản hạt sen khô tránh mối mọt.
Hạt dưa nhuộm phẩm màu gây ung thư
Mới đây, cơ quan chức năng phát hiện một số cơ sở làm hạt dưa bằng công nghệ hết sức độc hại ở Tây Ninh và TP.HCM. Các cơ sở này đã ngâm chất tẩy trắng và phẩm màu công nghiệp với nhớt thải để hạt dưa đẹp và bóng. Trước khi tẩy hạt dưa, người ta cho nước lạnh vào bể chứa, sau đó lấy từ trong bao ra những viên xút màu trắng với trọng lượng khoảng 2-3kg cho vào nước. Giữa lúc nước lạnh gặp xút bắt đầu sôi lên sùng sục, họ đổ hạt dưa vào bể ngâm. Theo các công nhân, để hạt dưa được tẩy sạch hoàn toàn ít nhất chúng phải được ngâm trong dung dịch này 30 phút.
Người ta còn dùng dầu ăn loại thải để rang và dùng dầu nhớt để làm bóng hạt dưa. Và để bảo quản hạt dưa trong thời gian lâu mà không phai màu, hầu hết phẩm màu được dùng là phẩm màu công nghiệp của Trung Quốc. Để tẩy mùi nhớt và phẩm màu, trước khi cho ra lò, hạt dưa cũng được bỏ thêm ít bơ vào lò rang nên khi cắn cảm thấy có vị thơm, béo.
Theo các chuyên gia, mặc dù hạt dưa khi ăn thì bỏ vỏ nhưng việc dùng các loại chất xút, nhớt và phẩm màu để chế biến đều có thể gây nguy cơ cho sức khỏe người dùng. Ngay cả việc rang hạt dưa nhưng dùng dầu thực vật loại thải, đã bị hydro hoá cũng không tốt bởi loại dầu ăn này gây nên bệnh tim mạch nếu dùng nhiều và lâu dài.
Các loại hạt dưa có màu sắc rực rỡ, bắt mắt thường dùng phẩm màu công nghiệp có chứa chất Rhodamine B thường được dùng để nhuộm vải, cấm sử dụng trong sản xuất thực phẩm vì có khả năng gây ung thư. Khi nhuộm hạt dưa bằng chất Rhodamine, người ta pha loãng rồi đổ hạt dưa vào trộn lên, sau đó đem phơi khô. Chưa nói chất này có thể qua vỏ dưa ngấm vào bên trong hạt mà chỉ cần cắn hạt dưa, tiếp xúc vỏ dưa dính hoá chất này cũng đã rất nguy hiểm. Sự tích tụ lâu ngày trong cơ thể chất này trước hết gây tổn thương gan, thận, lâu dần gây ung thư. Còn với những người gan kém, sự đào thải qua gan kém có thể gây dị ứng tức thì, biểu hiện là nổi mẩn trên da, sung huyết.