Khủng hoảng, nhà nhà “bóp” hầu bao đón Tết

Tết sắp đến, nhu cầu mua sắm tăng cao. Tuy nhiên, kinh tế năm nay khó khăn, nhiều người chọn giải pháp tiết kiệm

Tết sắp đến, nhu cầu mua sắm tăng cao. Tuy nhiên, kinh tế năm nay khó khăn, nhiều người chọn giải pháp tiết kiệm, số khác do không làm chủ được tiêu pha, phóng tay quá đà đã lâm vào cảnh nợ nần.

Mua cây kiểng giả trưng Tết

 

Chị Mỹ, ngụ tại quận Tân Bình, TP.HCM đã chọn giải pháp tiết kiệm cho Tết Quý Tỵ năm nay. Các khoản chi phí đối nội, đối ngoại cũng được chị và ông xã bàn nhau sao cho co gọn lại. Thay vì quà Tết cho bố, mẹ chồng, bố, mẹ đẻ, và anh, chị em nay vợ chồng anh chị chỉ gom thành hai mối.

 

“Mình mua quà Tết cho bố mẹ chồng và gia đình nhà chồng chung, bên nhà bố mẹ đẻ mình cũng làm như vậy. Năm trước làm ăn khá hơn, mình mua quà riêng cho từng người, nay thì phải “lựa cơm gắp mắm” thôi” – lời chị Mỹ.

 

Tết thời kinh tế khủng hoảng, ai cũng cân nhắc lúc mua sắm.
Tết thời kinh tế khủng hoảng, ai cũng cân nhắc lúc mua sắm
.

 

Không chỉ giản tiện quà Tết mà việc trang hoàng lại nhà cửa đón xuân của gia đình chị Mỹ năm nay cũng khác. Mọi năm, nhà chị thường mua chậu hoa mai, hoặc đào bích thật to để trưng, giờ chị và con gái đi mua một cây mai vàng giả ở khu 3/2, giá chỉ vài trăm ngàn, đẹp lung linh không kém mai thật.

 

Theo chị Mỹ, khi làm vậy thấy rất vui vì mẹ và con gái gần gũi, bỏ công sức ra tự làm cho ngôi nhà thêm đẹp, thấy cái Tết càng nhiều ý nghĩa. Không những thế, chị Mỹ còn tiết kiệm được cả hơn triệu bạc.

 

“Năm nào cũng bỏ tiền triệu chỉ để mua cây trưng vài ngày Tết rồi vứt đi tôi thấy phí quá. Kinh tế đang khó khăn, đã đành Tết phải tiêu nhưng nếu thấy tiết kiệm được thì nên làm.”, chị Mỹ tâm sự.

 

Méo mặt vì vợ về quê ăn Tết

 

Đâu phải ai cũng tiết kiệm Tết được như chị Mỹ. Nhiều người lâm vào cảnh dở khóc dở cười vì…Tết. Một trong những trường hợp đó là anh Phạm Văn Sơn, 28 tuổi, quê Thái Bình đang làm việc trong nghề buôn bán vật liệu xây dựng tại quận 10, TP.HCM.

 

Anh Sơn mới lấy vợ được một năm nay. Hai vợ chồng ở cùng quê. Vợ chồng son, chưa vướng bận con cái, cảnh nhà thuê cửa mướn, Tết đến cô vợ trẻ buồn chán đòi về chơi quê mẹ. Chiều vợ, anh Sơn phải đi vay nợ một công ty tài chính 50 triệu đồng với lãi suất 2%/tháng.

 

Anh Sơn méo mặt trình bày: “Nào phải chỉ quà Tết cho bên nhà tôi, mà còn quà Tết cho cả gia đình bên bà xã, rồi tiền vé máy bay hai vợ chồng. Ở quê, mình đi làm xa về là cả làng háo hức, sang ngồi sẵn chờ quà rồi. Ngoài ra, lâu ngày về quê mình cũng phải sao cho ra dáng một tí để bố mẹ hai bên được nở mặt nở mày.

 

Thế là hai vợ chồng phải đưa nhau đi mua sắm quần áo, giày dép mới. Bà xã tôi cũng đi tút lại nhan sắc như uốn, nhuộm tóc…Ôi về quê là tốn đủ đường.”

 

Anh Sơn nhẩm tính: “Lương của tôi chỉ có 4,5 triệu đồng/tháng, vợ tôi mới đi làm, lương thử việc mỗi hơn 2 triệu/tháng. Như vậy tổng thu nhập hai đứa tạm tính là 7 triệu/tháng. Đợt này, đưa bà xã về quê ăn Tết xong, lúc quay lại TP.HCM, trên đầu tôi là khoản nợ 50 triệu đồng treo lơ lửng. Thôi thì đành gốc không trả nổi, mình trả lãi vậy.”

 

Kinh tế suy thoái là tình hình chung, nhiều gia đình khá giả cũng bị ảnh hưởng, thậm chí tới đại gia cũng còn…liêu xiêu.

 

Mọi năm, các tour du lịch nước ngoài dịp Tết đắt như tôm tươi nhưng năm nay xu thế nhiều khách hàng lựa chọn các tour Đông Nam Á giá vừa tầm từ khoảng 8 tới 12 triệu đồng/người trong thời gian 3 ngày 4 đêm.

 

Để kiểm chứng, chúng tôi gọi điện thử đặt phòng tại một số khách sạn tại Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu, khách sạn từ bình dân đến hàng 3 sao, 4 sao nhưng đều nhận được câu trả lời: “Xin lỗi, khách sạn em hết phòng từ giờ cho tới mùng 7 Tết.”

 

Sợ mình khách lẻ, các khách sạn không cho thuê, chúng tôi thử liên hệ với một số công ty lữ hành chuyên đặt khách sạn, nhân viên của các công ty này cũng trả lời: khách sạn tại những khu du lịch đều được khách đặt cách đây 1 tháng.

 

Như vậy có thể thấy, người dân lựa chọn đi du lịch Tết trong nước khá nhiều. Một trong số những người đó là chị Nguyễn Thị Thu Trang, ngụ tại quận 7.

 

Chị Trang chia sẻ Tết năm nào nhà mình cũng đi Singapore, Malaysia hoặc tệ hơn cũng là Thái Lan, Campuchia. Tuy nhiên, năm nay tiền bạc eo hẹp nên gia đình chị vẫn chưa có kế hoạch gì.

 

“Có thể năm nay mình ăn Tết ở nhà, tới ngày mùng 3 Tết thấy hứng cả nhà chạy xe hơi ra Cần Giờ (cách TP.HCM 60 km) hứng gió biển rồi về. Năm nay khó khăn, tiết kiệm là ưu tiên hàng đầu mà”.

 

Lời chị Loan cũng là suy nghĩ của một nhóm 3 công chức trẻ công tác tại một doanh nghiệp ở quận 3. Là dân từ miền Bắc vào Nam lập nghiệp, Tết này họ không về quê, mà lên kế hoạch đi “khám phá” miền Tây bằng xe gắn máy.

 

Mai, một bạn trẻ trong nhóm nói: “Nếu về quê mỗi người ít nhất phải tốn 10 – 15 triệu. Ở lại Sài Gòn, chúng em tiết kiệm được ½ số đấy. Số tiền dành lại, tiết kiệm để phòng thân lúc khó khăn…”

 

Có thể nói, kinh tế suy thoái đã tác động lên đời sống của từng gia đình, từng con người…tùy mức độ khác nhau. Dù ít hay nhiều, xu thế chung của năm nay vẫn là ăn Tết tiết kiệm.
Theo Vietnamnet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.