Kinh doanh đa cấp ở Việt Nam chủ yếu là lừa đảo

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, hoạt động kinh doanh đa cấp ở Việt Nam đã bị biến tướng thành hành vi lừa đảo, hoặc quảng cáo quá lên về sản phẩm, hoặc lôi kéo dụ dỗ nhiều người tham gia thay vì gia tăng bán sản phẩm.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, hoạt động kinh doanh đa cấp ở Việt Nam đã bị biến tướng  thành hành vi lừa đảo, hoặc quảng cáo quá lên về sản phẩm, hoặc lôi kéo dụ dỗ nhiều người tham gia thay vì gia tăng bán sản phẩm.

Tháp ảo

Theo điều 3 – Luật Cạnh tranh, “Kinh doanh đa cấp, hay còn gọi là kinh doanh đa tầng, kinh doanh theo mạng, là việc bán lẻ hàng hóa thông qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau”.


Thực chất đây là mô hình giống như 1 cái cây, có nhiều tầng, nhiều nhánh. Người tham gia vừa là thành viên của công ty, vừa là khách hàng. Họ sẽ hưởng lợi từ tiền hoa hồng của sản phẩm bán được của họ và những cấp dưới của họ.

Kinh doanh đa cấp ở Việt Nam chủ yếu là lừa đảo
Nhiều học viên của đa cấp Lô Hội (Thái Bình) phải ở trong những căn nhà chật trội như thế này 
Để được thăng cấp, người này phải thiết lập một hệ thống đủ số người cấp dưới theo quy định của từng công ty.


Việc phát triển mô hình này sẽ khiến cho các công ty tiết kiệm được rất nhiều chi phí như nhà kho, bến bãi, các chi phí cho quảng cáo, marketing, chi phí cho các đại lý…Nhờ vậy, phần hoa hồng của các thành viên (tùy theo cấp) khi bán được hàng sẽ cao hơn so với bình thường, phần lợi nhuận của công ty tất nhiên sẽ cao hơn.

Thực tế, mô hình kinh doanh đa cấp đã tồn tại và phát triển ở nhiều quốc gia, ở Việt Nam, mô hình này cũng được pháp luật Việt Nam thừa nhận, nhưng hiện nay lợi dụng những kẽ hở của pháp luật, hình thức bán hàng đa cấp bất chính xuất hiện rất phổ biến, khiến cho người tiêu dùng rất hoang mang và nói đến đa cấp là người ta nghĩ ngay đến “lừa đảo”.

Theo ông Long, do việc quảng cáo, giới thiệu sản phẩm là do chính các nhân viên mời chào trực tiếp khách hàng, nên việc họ nói quá lên về tính năng, công dụng của sản phẩm, không ai có thể quản lý và xử lý được, nhất là khi “lời nói gió bay”.

Trong khi đó, nếu các doanh nghiệp này quảng cáo trên truyền hình thì họ sẽ phải tuân thủ theo đúng các quy định không luật quảng cáo, không được nói “vống lên” vì sản phẩm hay nói xấu đối thủ cạnh tranh.

Chỉ có người tiêu dùng sau khi nghe những lời ngon ngọt, chấp nhận rút hầu bao ra trả tiền mà sản phẩm dùng không đúng như quảng cáo là người chịu thiệt. Vì vậy, người mua phải tự cảnh giác và ý thức đối với những sản phẩm được các công ty chào bán dưới hình thức như vậy.

“Ngoài ra, nhiều sản phẩm của các công ty này là hàng lởm, không đảm bảo chất lượng, vẫn được bán với giá cao, khiến khách hàng tiền mất tật mang”, ông Long nhấn mạnh.

Thực ra, kinh doanh đa cấp thường chỉ sử dụng đối với sản phẩm “khó tiêu thụ” như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… Thế nên, ở Việt Nam nhiều công ty thay vì tập trung cho sản phẩm thì lại vẽ ra một bức tranh mỹ miều, với mức thu nhập khủng để lôi kéo nhiều người tham gia vào hệ thống.

Đó chính là lý do khiến đa số các hình thức bán hàng đa cấp bất chính hiện nay thường áp dụng mô hình hình tháp ảo.

Ở mô hình này, lợi nhuận không thực sự được xuất phát từ giới thiệu sản phẩm mà từ việc tuyển dụng các thành viên mới.


Nói các khác, cách thức hoạt động của đa cấp hợp pháp là người tham gia bán sản phẩm cho những người ngoài mạng lưới (theo giá lẻ) và tuyển mộ người khác vào mạng lưới (theo giá sỉ), còn hình tháp ảo thì không bán hàng, chỉ mời người vào mạng lưới và điều kiện tham gia là buộc phải mua 1 bộ sản phẩm hoặc nộp một số tiền nhất định.

Với mô hình hình tháp ảo này, lợi nhuận sẽ được tính theo cấp, cấp càng cao, lợi nhuận càng lớn. Những người khởi xướng và phát động hệ thống sẽ nằm ở đỉnh tháp, lợi dụng những thành viên bên dưới ở đáy tháp.

Và vì vậy, những người vào sau thường khó có cơ hội bứt phá để vượt lên người trước, dù doanh số bán hàng có cao.

Hiện nay, Việt Nam cũng đã có nhiều văn bản pháp luật quy định về việc kinh doanh đa cấp, nhưng chúng ta vẫn chưa có luật đủ mạnh để xử lý những mô hình như vậy. Các đơn vị có nhiệm vụ kiểm tra, xử lý còn quá mỏng. Cùng với đó, là sự biến tướng thường xuyên của các mô hình kinh doanh đa cấp, cũng gây khó cho các cơ quan quản lý.

Xử lý nghiêm

Tại buổi họp báo thường kì tháng 9 của Bộ Công Thương diễn ra chiều 30/9 tại Hà Nội, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lí cạnh tranh cho biết, việc quản lý thị trường bán hàng đa cấp đang gặp rất nhiều khó khăn, sắp tới sẽ có nhiều sự thay đổi trong quản lý loại hình bán hàng đa cấp.

Kinh doanh đa cấp ở Việt Nam chủ yếu là lừa đảo
Công ty đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy gây bức xúc dư luận thời gian vừa qua 
Cụ thể, Nghị định 110 về quản lý bán hàng đa cấp sẽ thay đổi việc cấp giấy phép bán hàng đa cấp theo hướng kiểm soát chặt chẽ, trước kia giao cho các địa phương, nay sẽ tập trung đầu mối giao Bộ Công thương cấp giấy phép như loại hình kinh doanh có điều kiện.


“Điều này xuất phát từ thực tế, có nhiều doanh nghiệp đăng kí cấp phép ở một địa phương, nhưng lại hoạt động bán hàng đa cấp ở các thành phố lớn nên việc quản lý, kiểm soát rất khó khăn”, ông Nam nhấn mạnh.

Đặc biệt, sẽ cấm loại hình kinh doanh đa cấp theo kim tự tháp, vì đây là loại hình đầu tư kiểu lừa đảo bất hợp pháp. Những người đầu tư sau như phần gốc, to hơn, nâng phần ngọn là những người đầu tư trước. Những kẻ lừa đảo sẽ dùng tiền của người đầu tư sau trả tiền cho người đầu tư trước, cứ như vậy, chúng thu hút được ngày càng nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, do không có lợi nhuận thực, mô hình này sẽ sụp đổ.

Đồng thời, sẽ nâng mức thuế pháp định của doanh nghiệp lên, mức ký quỹ nâng lên 5 tỉ đồng và bằng tiền mặt (trước đây quy định ký quỹ 1 tỉ đồng thông qua bảo lãnh ngân hàng hoặc thế chấp bằng tài sản).

Theo thông tin của Cục Quản lý cạnh tranh, từ trước đến nay, Việt Nam đã có hơn 90 doanh nghiệp đăng kí bán hàng đa cấp nhưng hiện chỉ còn 61 doanh nghiệp đang hoạt động. 3 doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép.

Cũng liên quan đến việc kinh doanh đa cấp, tại buổi họp báo Chính phủ chiều 29/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, trong lúc Nghị định 110 chưa thay đổi, quan điểm của Chính phủ là những ai lợi dụng, làm trái pháp luật, gây tổn hại đến lợi ích chính đáng của người khác thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Thái độ của Chính phủ là làm rất nghiêm vấn đề này, không bao che, yêu cầu các cơ quan làm nghiêm.

“Tôi  cho rằng có một việc rất quan trọng và nằm trong tay các nhà báo là phải tuyên truyền để làm sao người dân hiểu đúng. Không thể có một món kinh doanh nào mà đem lại lợi nhuận dễ dàng như các lời quảng cáo”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng cho biết, nhân dân cũng cần phải cảnh giác, còn nhà nước sẽ ban hành các khung quy định, văn bản quy phạm pháp luật quy định, nếu phát hiện các hiện tượng lừa đảo, vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của người dân thì pháp luật sẽ nghiêm trị.

Theo VTC News


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.