Kinh động vụ thịt chuột thành... thịt cừu

Người tiêu dùng Trung Quốc, nhất là những người dân ở tỉnh Tô Châu và thành phố Thượng Hải, đã ngã ngửa khi biết nhiều loại thịt dê, thịt cừu được bày bán ở các khu chợ đã được "chế biến" từ... thịt chuột.

Thông báo chi tiết hôm 3-5 của cơ quan công an Trung Quốc được báo chí nước này đăng lại càng khiến người dân bàng hoàng và phẫn nộ. Thông tin cho biết tháng 2-2013, Công an thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô đã tấn công vào 50 ổ chế biến thịt, bắt giữ 63 nghi phạm, tịch thu hơn 10 tấn thịt giả và bẩn.

Theo tiết lộ của công an, từ năm 2009 hàng tấn thịt chuột, hồ ly, chồn đã được đưa từ tỉnh Sơn Đông về, được pha chế thêm chất keo gelatin, chất nhuộm đỏ cùng nhiều chất phụ gia khác để trở thành... thịt dê, thịt cừu. Những kẻ làm hàng gian hàng giả này đã thu lợi hơn 10 triệu nhân dân tệ (khoảng 1,6 triệu USD) khi đưa số thịt chuột đội lốt thịt dê, thịt cừu này tiêu thụ khắp các chợ ở Tô Châu và Thượng Hải.

thịt bẩn, trung quóc, chuột, cừu

Ba tháng tịch thu 20.000 tấn thịt bẩn, thịt giả

Ở Trung Quốc, nạn hàng giả hàng bẩn này không phải là cá biệt. Nhân Dân Nhật Báo cho biết từ ngày 25-1, Bộ Công an Trung Quốc đã thực hiện chiến dịch truy quét tội phạm thực phẩm trên toàn quốc.

Theo báo Tân Kinh, tính đến nay Bộ Công an Trung Quốc đã phá 2.010 vụ án liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, bắt giữ 3.576 đối tượng tình nghi, triệt phá 1.721 ổ sản xuất thực phẩm giả mạo mất vệ sinh cùng 325 đường dây phạm tội. Trong 382 vụ án liên quan đến thịt giả, thịt thối, thịt thú bệnh, thịt tiêm nước, cơ quan chức năng đã bắt giữ 904 người tình nghi, tịch thu 20.000 tấn thịt.

Nhiều vụ việc đã bị phanh phui. Hồi tháng 3-2013, Công an thành phố Quý Châu, tỉnh Quý Dương đã phá hai ổ chế tạo chân gà độc, tiêu hủy 16 tấn chân gà thành phẩm và bán thành phẩm. Nghi phạm họ Viên tiết lộ bí quyết chế tạo món chân gà thơm ngon và đẹp mắt là ngâm vào dung dịch tẩy hydrogen peroxide, sau đó trộn với hương liệu, giấm, ớt đỏ. Nêm nếm khéo léo một chút là có thể hô biến đống chân gà thối thành món ăn vặt khoái khẩu chua chua cay cay. Từ tháng 7-2011 đến tháng 3-2013, mỗi ngày ông này xuất đi khoảng 300kg chân gà đã chế biến theo công thức này đến các chợ đầu mối trong vùng.

Hồi tháng 2-2013, vụ án mạng do ăn thịt dê xiên tẩm chất trừ sâu đã gây chấn động và gây hoang mang ở Trung Quốc. Nghi phạm họ Hác khai nhận đã bán thịt dê cho các quán nướng. Thịt này qua tẩy rửa, tẩm ướp chất phụ gia đều biến thành những xiên thịt thơm. Hậu quả là hàng chục người bị ngộ độc và một người thiệt mạng vì trúng độc thuốc trừ sâu.

Các công ty lớn tại Trung Quốc cũng bị phát hiện "treo đầu dê bán thịt... vịt". Hồi tháng 3-2013, Công ty thực phẩm Đằng Đạt ở Nội Mông cũng dính chàm do đã chế biến thịt dê và thịt bò khô từ... thịt vịt! Sản phẩm của công ty này được phân bố rộng khắp 15 tỉnh thành của Trung Quốc từ năm 2010.

Nói không với thực phẩm bẩn!

Không ít người tiêu dùng Trung Quốc giờ đây đang tự bảo vệ mình bằng cách tẩy chay hàng Trung Quốc. "Để bảo vệ mình, tôi học cách chọn lọc thức ăn và nói không với thịt xiên và các quán thịt nướng vỉa hè. Nhưng hỡi ôi, đâu đâu cũng đầy thịt giả và chất phụ gia. Nếu các cơ quan chức năng không mạnh tay càn quét những kẻ kinh doanh vô lương tâm thì những người dân như chúng tôi chẳng khác nào đang tự đầu độc mình" - cô Lâm Minh, nhân viên kinh doanh tại một công ty hàng may mặc ở Thượng Hải, nói với Tuổi Trẻ.

Trao đổi với phóng viên, Phạm Ngọc Mai - sinh viên năm 3 Học viện thiết kế thuộc Trường đại học Công nghệ Hoa Nam tại thành phố Quảng Châu (Quảng Đông) - cũng cho biết hầu hết lưu học sinh Việt Nam đều cảnh giác với thực phẩm Trung Quốc. "Chúng tôi hạn chế hết mức việc ăn các loại thịt tại các hàng quán và chẳng bao giờ dám động vào thịt xiên. Bởi không ít lần các bạn lưu học sinh bị rối loạn tiêu hóa và các bệnh đường ruột do ăn phải thực phẩm nhiễm độc"

Theo TT



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.