Lật tẩy công nghệ chế cân điêu, móc túi người tiêu dùng

Trong một bộ phận giới dân buôn ở Hà Thành lâu nay vẫn có một luật ngầm đó là… không bao giờ cân đủ cho khách mua hàng để kiếm lời bất chính. Để làm được điều này, dân buôn chuyên sử dụng loại cân đồng hồ "đặc biệt" đã được chế lại tinh vi.


Trong một bộ phận giới dân buôn ở Hà Thành lâu nay vẫn có một luật ngầm đó là… không bao giờ cân đủ cho khách mua hàng để kiếm lời bất chính. Để làm được điều này, dân buôn chuyên sử dụng loại cân đồng hồ "đặc biệt" đã được chế lại tinh vi.

Cao thủ chuyên "độ" cân điêu Hà Thành

Trong vai một người mới đi buôn muốn mua một chiếc cân đồng hồ đã được chế lại để cân điêu cho dễ, lân la qua nhiều mối tiểu thương, cuối cùng phóng viên Dân trí cũng tìm được một tiểu thương "tốt bụng" dẫn mối đến "địa chỉ vàng" chuyên làm cân điêu trên đường 32, khu vực gần Đại học Công Nghiệp Hà Nội.

Theo lời quảng cáo chắc như đinh đóng cột của tiểu thương dẫn mối, ở Hà Nội có nhiều chỗ độ cân điêu nhưng ông H, chủ cửa hàng chuyên làm cân điêu trên đường 32 này có lâu năm kinh nghiệm và rất nổi tiếng trong giới dân buôn ở Hà Thành. Giá làm cân điêu tại đây luôn rẻ hơn các nơi khác và làm rất nhanh.

Không khó để chúng tôi tìm tới nhà của "cao thủ" H. Ở ngay mặt đường lớn với tấm biển cũ kỹ đề dòng chữ "Sửa, bán cân các loại", cửa hàng của "cao thủ" độ cân điêu thực chất nhìn khá giống một cửa hàng chuyên thu mua đồ đồng nát. Sau vài phút làm quen, ngắm nghía một hồi vị khách lạ với ánh mắt đầy nghi ngờ, ông chủ cửa hàng chuyên làm cân điêu này mới chịu đồng ý sẽ chế lại chiếc cân đồng hồ loại 5kg chuyên bán hoa quả.

Chỉ cần với vài thao tác nhanh gọn, "cao thủ" độ cân này đã "hô biến" chiếc cân
bình thường trở thành chiếc cân điêu

"Dùng loại cân này là vừa phải. Cánh buôn hoa quả thường xuyên qua nhà tôi nhờ độ cân nên loại này chỉ cần ít phút là xong thôi. Cậu muốn ăn gian bao nhiêu mà chẳng được nhưng theo kinh nghiệm của tôi làm cho dân buôn lâu nay thì nên… "ăn" ít thôi. Thường 1kg chỉ ăn gian khoảng 0,2kg là vừa", người đàn ông luôn miệng "khuyên" phóng viên nên làm ăn… "tử tế".

Do là "gà mới" lần đầu đi buôn nên phóng viên đành phải mua một chiếc cân đồng hồ mới tinh ở ngay cửa hàng của "cao thủ" độ cân để nhờ "độ" lại. Với giá được "chào" 25.000 đồng một lần, "cao thủ" độ cân điêu tự hào tuyên bố đã từng "độ" hàng nghìn chiếc cân điêu cho cánh dân buôn khắp Hà Nội và thậm chí "độ" cân điêu chuyên nghiệp cả chục năm qua nên có thể "xử" được tất cả các loại cân to nhỏ, lớn bé.

Những chiếc cân đã được "độ" lại

"Tôi làm cái nghề này (độ cân điêu - PV) mãi rồi. Ở Hà Nội nhiều chỗ không làm được nhưng qua chỗ tôi đảm bảo làm được hết. Đố khách hàng phát hiện ra được", chủ cửa hàng độ cân điêu nói. Miệng nói, tay làm liên tục, theo quan sát của phóng viên, người đàn ông này bắt đầu "phù phép" một chiếc cân đồng hồ mới tinh trở thành một chiếc cân điêu rất nhanh và điệu nghệ. Ngạc nhiên hơn, dụng cụ người đàn ông dùng để chế cân điêu không phức tạp như nhiều người vẫn nghĩ. Thực chất "đồ nghề" để độ cân của người đàn ông này chỉ cần một chiếc kìm nhỏ để tháo lò xo của cân và một chiếc cân đồng hồ chuẩn để so sánh với cân điêu để khách tiện đường nhìn.

Cao thủ độ cân đi mua hàng cũng bị… cân điêu

Với thao tác rất nhanh gọn, "cao thủ" độ cân điêu mở nắp của chiếc cân đồng hồ loại 5kg chẳng mấy khó khăn và bắt đầu "phù phép" từ một chiếc cân bình thường thành "chiếc cân ma thuật" giúp dân buôn gian lận của khách. Tuy nhiên, người đàn ông này luôn tỏ vẻ cảnh giác với vị khách lạ hoắc đang ngồi trước mặt mình. Có lẽ sợ bị… ăn cắp nghề nên "cao thủ" độ cân này liên tục xoay trái, xoay phải chiếc cân để phóng viên không thể nhìn được các thao tác rất nhanh với chiếc lò xo bên trong ruột của chiếc cân.

Chưa đầy 15 phút, "cao thủ" độ cân này đã chế xong một chiếc cân điêu cho khách. Để khẳng định chiếc cân điêu hoạt động tốt, H dùng một vật nặng và một chiếc cân chuẩn.

"Cao thủ" chuyên làm cân điêu nhưng cũng có lúc đi mua hàng bị... cân điêu

Theo lời giải thích của "cao thủ" độ cân, thì số cân của vật nặng trên chiếc cân đồng hồ chuẩn là 1kg nhưng sau khi đặt lên chiếc cân đã được chế lại thành cân điêu là 1,2kg. Như vậy, với mỗi kg, dân buôn có thể ăn gian được của khách hàng là 0,2kg. Khách hàng càng mua nhiều thì cánh dân buôn càng dễ ăn gian.

"Ở cả cái Hà Nội này cậu có mua hàng ở đâu, ngoài đường, ngoài chợ, chỗ nào không cân thiếu tôi… bỏ nghề luôn. Không cân điêu lấy đâu ra lãi mà nhiều người đi buôn như vậy. Có người ban đầu buôn mãi không thấy lãi đâu sau phải mang cân qua cho tôi "độ" lại mới ăn thua đấy", "cao thủ" độ cân khẳng định.

Cũng theo người đàn ông này, cân điện tử cũng làm được nhưng nhanh hỏng nên dân buôn ít người dùng, họ chuộng dùng cân đĩa là dễ ăn gian nhất mà cũng dễ tránh được khách hàng để ý, đặc biệt, muốn ăn gian bao nhiêu cũng được.

Thấy tôi còn phân vân về việc ăn gian được… ít quá, "cao thủ" này chia sẻ "kinh nghiệm": "Cậu ăn dày vừa thôi. Ăn quá khách nó phát hiện ra phiền đấy. Cứ nghe tôi chỉnh khoảng 0,2kg là ổn nhất. "Luật" chung là như vậy rồi. Cậu có đi vào khu vực phố cổ mấy cửa hàng chuyên độ cân cũng làm như tôi thôi. Còn ở khu này, dọc đường 32 đa phần là cân do tôi độ lại hết".

"Cao thủ" chuyên độ cân điêu này còn dạy thêm "vài chiêu" và mánh lới của cánh dân buôn: "Dân buôn khôn lắm. Nhìn mặt khách hàng biết ngay là dân buôn bán hay khách vãng lai mà "chặt chém". Với cánh nhà hàng chuyên mua về bán thì họ sẽ dùng một loại cân khác vì kiểu gì cũng bị phát hiện. Còn bình thường như ngay cả bản thân tôi nhiều khi mua hàng còn bị… cân điêu. Nhưng đành phải chịu chứ biết sao. Do cuộc sống cả mà. Vấn đề ăn ít hay ăn nhiều thôi".

Để có được một chiếc cân điêu chỉ cần mất 25.000 đồng nhưng lợi nhuận nó mang lại là không hề nhỏ. Vì vậy, một bộ phận không nhỏ cánh tiểu thương tự sắm cho mình một chiếc "cân ma thuật" kiểu này để thu lợi bất chính, móc túi khách hàng càng nhiều càng tốt.
 

Theo Xuân Ngọc (Dân Trí)



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.