Cùng với giá trị bổ dưỡng là lời đồn thổi "rồng đất" (trùn biển) khi chế biến làm thức ăn có công dụng như Viagra dẫn đến tình trạng khai thác liên tục và ồ ạt khiến số lượng loài này ngày một ít và hiếm dần.
"Rồng đất" là tên mà nhiều người ví gọi đối với loài trùn biển sống ở vùng gần cảng, cửa biển. Là đồng loại nên hình dáng của trùn biển cũng giống như loại trùn (giun) đất trên cạn, tuy nhiên kích thước lớn hơn gấp nhiều lần.
Qua quan sát thì trùn biển to bằng ngón tay người lớn, dài từ 15-30cm, nặng khoảng 20-40gram/con. Tuy nhiên không ít con to bằng ngón tay cái người lớn, dài lên đến 50cm, nặng trên 60-80gram/con.
Trùn biển, con vật được ví là "rồng đất" |
Cùng với giá trị bổ dưỡng là lời đồn thổi "rồng đất" khi chế biến làm thức ăn có công dụng như Viagra khiến "chồng tối ăn, sáng vợ vừa quét sân vừa huýt sáo"... dẫn đến tình trạng săn bắt "rồng đất" ngày càng ồ ạt.
Tại khu vực neo đậu tàu thuyền của cảng Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi), cứ mỗi khi thủy triều rút là hàng chục người dân từ các vùng lân cận mang thùng, xô nhựa, cuốc nhỏ cầm tay đến đào bắt "rồng đất".
Sau giây phút dè dặt, anh Nguyễn Khiêm (39 tuổi), ở huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định cho biết: "Hôm nào ít thì đào được 2-3 kg/buổi/người, nhiều thì 4-6 kg/buổi/người".
Do bị đào bắt nhiều và liên tục nên hiện số lượng trùn biển bị giảm rất nhanh. |
Ông Trần Đình Quang (52 tuổi, người dân sống ở gần khu vực này) bức xúc: "Số đi đào bắt tại đây đại đa số là từ tỉnh lân cận là Bình Định ra. Lúc trước thì 5-7 ngày họ mới ra đào một lần, nhưng gần đây ngày nào cũng đào thì con vật nào sinh sản, lớn cho kịp".
Để bảo vệ "rồng đất" tránh bị khai thác tận diệt, không ít lần người dân Sa Huỳnh đã ra rượt đuổi không cho người đến đào bắt. Riêng tại khu vực phía nam cảng neo đậu, biển cảnh báo viết vội bằng sơn được cắm rải rác, với nội dung "Khu vực CCB (Cựu chiến binh) Tân Diêm nuôi trùn biển".
Không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao khi chế biến làm thức ăn, với giá bán hiện từ 40.000-60.000 đồng/kg, loài trùn biển còn là con vật có ích rất lớn trong xử lý chất thải do con người xả, bỏ xuống và đọng lại ở vùng đáy.
"Với kiểu khai thác nhiều và liên tục như vừa qua nếu không bảo vệ, thì dẫn đến nguy cơ môi trường khu vực nơi đây ô nhiễm nặng hơn", bác Trần Văn Bình (60 tuổi, người dân Phổ Thạnh) bày tỏ nỗi lo ngại.
Theo Dân Việt