Mua điều hòa: Những dấu hiệu giúp tiết kiệm điện tối đa

Không chỉ có chữ “inverter” mới là dòng tiết kiệm điện, trên điều hòa còn có nhiều ký hiệu khác bạn cần tìm hiểu ngay để lựa chọn

Không chỉ có chữ “inverter” mới là dòng tiết kiệm điện, trên điều hòa còn có nhiều ký hiệu khác bạn cần tìm hiểu ngay để lựa chọn được chiếc điều hòa thực sự tiết kiệm điện cho mua hè sắp tới.

Nhìn vào chữ “inverter” trên điều hòa

Vào siêu thị mua điều hòa, hầu như các nhân viên bán hàng đều tư vấn cho khách về các dòng máy điều hòa inverter, bởi chúng là dòng điều hòa tiết kiệm điện. Trên dàn lạnh, bạn dễ dàng nhìn thấy có chữ “inverter”.

Thực ra, điều hòa inverter đơn giản là dòng máy lạnh sử dụng công nghệ hiện đại kĩ thuật số. Toàn bộ việc điều tiết độ lạnh trong phòng của máy được kiểm soát thông qua bộ mạch điện tử vi xử lí thông minh thay cho công nghệ sử dụng rờ le cảm biến nhiệt của các dòng máy lạnh thông thường.

mua điều hòa, điều hòa tiết kiệm điện, cách chọn điều hòa, điều hòa, tiết kiệm điện
Điều hòa có chữ "inverter" ghi trên máy tiết kiệm điện

Ưu điểm của dòng máy điều hòa nhiệt độ sử dụng công nghệ Inverter có khả năng kiểm soát nhiệt độ phòng rất chính xác. Thông thường, độ chênh lệch nhiệt độ trên máy điều hòa Inverter chỉ vào khoảng từ 0,1-1 độ C. Nhờ đó, nhiệt độ trong phòng thường rất ổn định.

Ngoài ra, một ưu điểm lớn nữa của dòng điều hòa này là tiết kiệm điện. Nếu sử dụng trung bình hơn 8 tiếng mỗi ngày, mức điện năng tiêu thụ của máy điều hòa nhiệt độ inverter chỉ bằng 1/2 so với máy điều hòa nhiệt độ thường, tức tiết kiệm được một nửa tiền điện.

Tuy nhiên, các dòng điều hòa có chữ inverter cũng có giá thành cao hơn dòng điều hòa thường từ 2-4 triệu đồng so với dòng thường.

Nhãn năng lượng xếp hạng tiết kiệm điện

Ngoài ra, các bạn cũng cần chú ý đến “nhãn năng lượng xếp hạng”.

Nhiều người sẽ thấy lạ, nhưng hiểu đơn giản “nhãn năng lượng xếp hạng tiết kiệm điện” là nhãn dán xác nhận việc sản phẩm thiết bị có hiệu suất sử dụng, tiêu thụ điện đạt hoặc vượt chuẩn hiệu suất năng lượng (HEPS) do Bộ Công Thương đề ra tại thời điểm sản phẩm được kiểm nghiệm. Mức tiêu thụ và sử dụng điện đã được chứng minh qua các kết quả thử nghiệm, đo lường đánh giá của Bộ Công Thương.

mua điều hòa, điều hòa tiết kiệm điện, cách chọn điều hòa, điều hòa, tiết kiệm điện

Ở trên các dòng máy điều hòa sẽ dán các nhãn năng lượng so sánh. Để ý sẽ thấy trên nhãn màu xanh lá cây hình chữ nhật có từ 1-5 ngôi sao cùng các thông số chi tiết liên quan tới xuất xứ, tiêu chuẩn đánh giá, hiệu suất tiêu thụ điện năng của sản phẩm.

Theo đó, điều hòa có dán nhãn càng ít sao thì cấp độ tiêu thụ và sử dụng điện năng càng nhiều. Nhãn 5 sao được coi có cấp độ tiêu thụ và sử dụng điện năng tiết kiệm nhất. Dĩ nhiên, các sản phẩm được gắn nhãn 5 sao cũng thường có giá thành cao hơn so với các sản phẩm khác. 

mua điều hòa, điều hòa tiết kiệm điện, cách chọn điều hòa, điều hòa, tiết kiệm điện
Nhãn năng lượng xếp hạng tiết kiệm điện được dán trên điều hòa, khi đi mua cần chú ý đến chi tiết này

Chỉ số hiệu suất năng lượng (EER)

Chỉ số hiệu suất năng lượng EER (viết tắt của Energy Efficiency Ratio), là một trong những yếu tố quan trọng của các máy điều hòa nhiệt độ. Với hầu hết các điều hòa hiện nay trên thị trường, chỉ số EER thường được ghi trên nhãn năng lượng hoặc trên bảng thông số kỹ thuật trên máy.

Mỗi máy điều hòa nhiệt độ đều có một chỉ số đánh giá hiệu suất năng lượng EER. Chỉ số này ghi thông số mỗi watt điện được sử dụng sẽ cho bao nhiêu đơn vị nhiệt Anh BTU/h (thường gọi là BTU). Theo đó, chỉ số hiệu suất năng lượng EER có cách tính: EER=BTU/W.

Chỉ số EER của máy điều hòa nhiệt độ được đo bằng tỷ số công suất lạnh BTU/h (hay còn được viết là BTU) với công suất tiêu thụ điện tính bằng watt (BTU/h/W). Chỉ số EER càng cao thì các sản phẩm điều hòa không khí càng hiệu quả hơn. Ví dụ, nếu máy điều hòa nhiệt độ có chỉ số là 10.000 BTU tiêu thụ 1.200W điện, thì chỉ số EER là 8,3 (tức là 10.000BTU/1.200W).

EER thường chỉ được dùng để đánh giá hiệu suất năng lượng của máy lạnh thường. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là những sản phẩm với chỉ số EER càng cao luôn đi kèm với mức giá cao hơn, song giúp người dùng tiết kiệm được khá nhiều tiền điện. Với những nơi như văn phòng, doanh nghiệp, những nơi đòi hỏi các thiết bị chạy liên tục, chỉ số EER càng được phát huy khả năng tiết kiệm lớn chỉ trong thời gian ngắn.

Chỉ số hiệu suất năng lượng CSPF

Nhiều dòng máy điều hòa có ghi hiệu suất năng lượng là EER, nhưng nhiều dòng lại ghi hiệu suất năng lượng là CSPF. Vậy, CSPF được hiểu như thế nào?

CSPF (viết tắt của từ Cooling Seasonal Performance Factor) có nghĩa là chỉ số hiệu suất lạnh toàn mùa. Chỉ số CSPF cho ta biết tương ứng với 1kWh điện máy điều hòa tiêu thụ, sẽ nhận được bao nhiêu hơi lạnh từ không gian được điều hòa, tính cả yếu tố nhiệt độ thay đổi theo mùa trong một năm.

Giống như EER, CSPF cũng là một dạng thước đo để đánh giá hiệu suất sử dụng điện năng của các máy lạnh và điều hòa không khí. Giá trị CSPF càng cao thì hiệu suất làm lạnh càng lớn.

Đối với người sử dụng, chỉ số CSPF có ý nghĩa khá quan trọng trong việc chọn mua máy điều hòa. Với cùng loại sản phẩm, nếu người tiêu dùng chọn loại sản phẩm có hệ số CSPF lớn hơn đồng nghĩa với việc máy điều hòa có khả năng tiết kiệm tiền điện nhiều hơn. So với chỉ số EER, chỉ số CSPF đánh giá chính xác hơn và sát với thực tế hơn.

Tính diện tích chọn công suất điều hòa phù hợp

Ngoài những thông số trên, người mua cần tính toán diện tích phòng lắp đặt để chọn loại điều hòa có công suất phù hợp.

Cụ thể, công thức được áp dụng là 1m2x600BTU (BTU là đơn vị nhiệt của Anh, được dùng để đo công suất của các thiết bị sưởi hoặc làm lạnh). Ví dụ, phòng có diện tích 15m2 bạn sẽ tính được: 15m2 x 600 BTU = 9.000 BTU tương đương chiếc máy lạnh công suất 1 HP (1HP = 1 ngựa tương đương 9.000 BTU).

Theo đó, phòng 15m2 trở xuống chọn máy công suất 1 ngựa; phòng 15-20m2 chọn máy có công suất 1,5 ngựa; phòng từ 20-30m2 chọn máy có công suất 2 ngựa; phòng trên 30-40m2 chọn máy có công suất 2,5 ngựa

Theo VietNamNet

điều hòa

Điều hòa tiết kiệm điện


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.