"Mục sở thị" công nghệ chế giấm ăn "siêu tốc" từ a-xít và nước lã

Trong vai một người đi mua hàng, PV đã phát hiện nhiều sự thật kinh hoàng về loại giấm được làm từ a- xít không rõ nguồn gốc pha với nước lã, có mặt khắp các chợ tại TP.HCM.

Trong vai một người đi mua hàng, PV đã phát hiện nhiều sự thật kinh hoàng về loại giấm được làm từ a- xít không rõ nguồn gốc pha với nước lã, có mặt khắp các chợ tại TP.HCM.

Hiểu tâm lý người tiêu dùng thích ngon, bổ, rẻ, không ít cơ sở dùng thủ thuật, tạo ra chai giấm ăn “siêu tốc” chỉ trong vài giây, rồi nhanh chóng tung ra thị trường kiếm lời.

A-xít + nước lã = giấm ăn

Trong vai một người muốn tìm mua giấm ăn, PV có mặt tại căn nhà ba tầng khá khang trang nằm ở phía cuối hẻm số 357 đường Tân Hòa Đông, phường Bình Trị Đông (quận Bình Tân, TP.HCM). Đây cũng chính là địa chỉ chuyên sản xuất giấm ăn mang tên K.H.. Theo một số hộ dân sống tại hẻm 357, căn nhà trên từng bị chính quyền địa phương tới kiểm tra nhiều lần, do sản xuất, chế biến thực phẩm không đạt vệ sinh an toàn.

Theo ghi nhận của PV, căn nhà trên lúc nào cửa cũng đóng kín mít, từ trong ra ngoài. Ngay cả biển quảng cáo cũng không có, nên người lạ không thể biết được đây là nơi sản xuất giấm ăn.

Trao đổi với PV, bà P.T.B. (60 tuổi, ngụ hẻm 357, đường Tân Hòa Đông) bày tỏ: “Chỉ có người dân sống trong con hẻm này mới biết căn nhà đó là cơ sở làm giấm thôi, chứ người ngoài tới đây không ai biết hết, vì không có biển quảng cáo. Cậu cứ đi tới đó gọi cửa rồi nói cần mua giấm với số lượng lớn thì sẽ có nhân viên trong nhà ra đón cậu vào nói chuyện ngay. Tôi nói cái này nhưng cậu phải giữ bí mật, không được cho ai biết nhé, giấm ở đây được làm toàn bằng a-xít rồi pha với nước lã đấy”.
 

Giấm từ axit và nước lã có mặt khắp chợ.

 
Thấy PV có vẻ nửa tin, nửa ngờ, bà B. cho biết thêm: “Cậu không tin thì lên phường mà hỏi, vì cách đây không lâu, Thanh tra sở Y tế TP. HCM cùng một số cơ quan ban ngành bất ngờ ập tới kiểm tra và phát hiện rồi thu giữ rất nhiều giấm ăn bẩn. Cơ sở này làm giấm cũng được 5 -6 năm rồi, trước đó cũng bị nhắc nhở rất nhiều.

Thế nhưng, kiểm tra và xử phạt xong, thì đâu lại vào đấy cả thôi. Chúng tôi sống trong hẻm biết chuyện nên không dám mua giấm về dùng, phần lớn sau khi chế biến xong là họ lại đem ra các khu chợ để tiêu thụ cho các cửa hàng”.

Theo sự chỉ dẫn của bà B., PV quay lại cơ sở K.H. thêm một lần nữa, gọi cửa nhiều lần, nhưng vẫn không thấy ai ra. Sau một hồi đứng chờ đợi khá lâu thì có một phụ nữ tầm 40 tuổi đi bộ từ đầu hẻm tới, lén lút tuồn một vật dụng gì đó vào bên trong cơ sở cho nhân viên đang làm việc ở đây.

Thấy vậy, PV lại gần hỏi, cần mua giấm với lượng lớn vì gia đình sắp có tiệc. Nói chưa dứt lời, người phụ nữ này đáp: “Ở đây đâu có làm giấm hả em, nếu muốn mua thì ra chợ mà tìm đủ các loại tha hồ mà chọn”. Vừa nói xong, người phụ nữ này bỏ đi rất nhanh.

Nguy cơ mắc các bệnh ung thư, lao, phổi, tim mạch

Bà P.T.M. (65 tuổi, chủ một quán nước trong hẻm 357) phản ánh: “Thường ngày cứ từ tầm 11h trưa trở đi là lại có từ hai đến ba chiếc xe gắn máy tới đây lấy hàng mang ra chợ bán. Chắc cậu mua ít hoặc thấy người lạ đến hỏi, nên họ mới từ chối đó thôi. Lý do, họ không treo biển quảng cáo là vì sợ chính quyền, do họ hoạt động không đúng với các quy định của pháp luật.

Có lần, tôi qua đưa nước uống cho nhân viên của cơ sở K.H., bất ngờ thấy có cậu thanh niên cầm luôn cả can a-xít đổ vào xô nước lã. Chưa đầy một phút sau, cậu thanh niên này chế vào từng chai nhỏ thành giấm ăn. Từ khi thấy điều đó, tôi nói cho mấy người xung quanh biết, nên nhiều người không dùng giấm ăn của họ nữa, vì sợ bị bệnh”.

Giấm làm xong được nam thanh niên (áo xanh) mang vào chợ tiêu thụ.

 
Đúng như lời bà M. nói, PV đợi đến 11h trưa thì thấy có một thanh niên chạy chiếc xe gắn máy tới ngôi nhà này rồi chở một số lượng can lớn ra ngoài. Theo sau người thanh niên này đến chợ Bình Trị Đông, PV thấy anh ta dựng xe bên ngoài, rồi mang từng thùng giấm ăn bỏ cho những cửa hàng tạp hóa trong chợ. Theo ghi nhận của PV, mức giá bán lẻ của từng chai giấm ăn này, có giá trung bình là 5.000 - 6.000 đồng/chai.

Thấy PV ghé vào tiệm hỏi mua giấm, chị chủ quán tạp hóa tên Tý tại chợ Bình Trị Đông (quận Bình Tân) đon đả: “Nói chung, giấm ăn ở đây có giá giống nhau, trung bình 5.000 đồng/chai nửa lít. Hàng “xịn”, ngon lắm, mới nhập về đó, em cứ xem từng loại rồi lấy một chai về dùng thử cũng được. Nếu mua với số lượng nhiều thì chị bớt cho, thậm chí có người giao hàng tận nơi cho em luôn”. Nhưng khi tôi hỏi về nguồn gốc mặt hàng, chị chủ quán tạp hóa lẳng lặng không nói gì.

Được biết, chủ cơ sở sản xuất giấm ăn K.H. tại hẻm 357 đường Tân Hoà Đông tên là Dung Nguyệt Châu. Trước đó, K.H. từng nhiều lần bị chính quyền địa phương xuống kiểm tra về việc chế biến mất vệ sinh. Dù bị nhắc nhở nhiều lần, nhưng cơ sở này vẫn tiếp tục lén lút hoạt động, dưới nhiều hình thức trá hình khác nhau. Càng ngày, họ càng cảnh giác, cơ sở lúc nào cũng trong tình trạng “cửa đóng then cài” khiến người lạ không tài nào bén mảng tới được.

Trao đổi với PV về tác hại của loại giấm kém chất lượng, nhất là thành phần a-xít và nước lã kinh hoàng nói trên, bác sỹ Trương Thế Dũng, Trưởng đoàn y bác sỹ tình nguyện Niềm Tin (quận Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ: “Thời kinh tế thị trường như hiện nay, nhu cầu đời sống người dân cũng ngày càng được nâng cao hơn. Điều này làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp và khó lường. Việc một số cơ sở sản xuất giấm ăn từ a-xít và nước lã sẽ gây ra một số chứng bệnh như tim mạch, ung thư, lao, phổi... Chính vì thế, theo quan điểm của tôi, người dân cần cẩn trọng, lựa chọn kỹ trước khi mua thực phẩm về sử dụng cho gia đình”.

Từng kiểm tra, nhắc nhở nhiều lần

Trả lời về vấn đề này, đại diện UBND phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM cho biết: “Trước đó, chúng tôi từng nhiều lần xuống kiểm tra cơ sở K.H., qua đó phát hiện việc sản xuất đồ ăn gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiện nay, UBND phường cũng nhận được một vài ý kiến phản hồi về cơ sở trên sản xuất giấm ăn từ a-xít không rõ nguồn gốc và nước lã, gây nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng. Đây là hình thức sản xuất hàng giả mới tinh vi, chúng tôi ghi nhận thông tin, rồi báo cáo cấp trên để thu thập thêm nhiều chứng cứ nhằm xử lý triệt để đối với cơ sở này”. 


Theo Người đưa tin


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.