Mỹ phẩm dởm: Công nghệ chậu, xô dán tem hàng hiệu

Sau khi mua bột mì cùng hóa chất và hương liệu từ chợ Kim Biên, các cơ sở chế mỹ phẩm dỏm bắt đầu dùng “công nghệ nhào nặn” cho ra lò hàng loạt mỹ phẩm hàng hiệu.

Sau khi mua bột mì cùng hóa chất và hương liệu từ chợ Kim Biên, các cơ sở chế mỹ phẩm dỏm bắt đầu dùng “công nghệ nhào nặn” cho ra lò hàng loạt mỹ phẩm hàng hiệu.

 “Hàng hiệu” làm từ xô chậu

Lọt thỏm trong con hẻm ở phường 7, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang là cơ sở sản xuất mỹ phẩm nhái không tên của ông Ng. V. Đã hai năm nay, ông V. mua máy móc về để làm mỹ phẩm nhái các thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước. Sự thật được phơi lộ khi cơ quan chức năng gồm Bộ Công an phối hợp với Bộ KH-CN bất ngờ ập vào kiểm tra cơ sở sản xuất mỹ phẩm nhái này.

Bên trong cơ sở của ông V. cũng là nơi ở của cả nhà, có hàng nghìn bao bì, vỏ hộp các loại mỹ phẩm chất ngổn ngang. Ở khu vực chế biến trên nền nhà gần khu vệ sinh, nhiều thùng nhựa đựng hóa chất mà ông chủ cơ sở cho biết mua từ chợ Kim Biên, TP HCM về để pha chế. Ngoài ra, tại đây có nhiều loại bột được cho là nguyên liệu nhập về từ Trung Quốc để pha trộn với hóa chất, hương liệu làm mỹ phẩm nhái.

Nhân viên đang đưa hỗn hợp bột mì + hóa chất+ hương liệu vào lọ để biến thành mỹ phẩm “hàng hiệu”.

Nhân viên đang đưa hỗn hợp bột mì + hóa chất+ hương liệu vào lọ để biến thành mỹ phẩm “hàng hiệu”.

Ông V. thừa nhận tất cả bao bì, vỏ hộp đều được cơ sở đặt làm từ TP HCM theo mẫu mã nhái các thương hiệu, bởi việc làm bao bì, vỏ hộp tại TP HCM rất sắc sảo nên khó bị phát hiện là hàng nhái. Còn công nghệ cho ra lò các loại mỹ phẩm kem trị nám, tàn nhang hay kem tẩy trắng da siêu tốc, ông V. cho biết sau khi mua hóa chất như chất làm mềm softlets, chất màu colorlets được pha trộn từ Trung Quốc về, cơ sở này trộn thêm với hương liệu các loại mua ở chợ Kim Biên, sau đó bỏ vào máy quay li tâm.

Từ máy quay, hỗn hợp sền sệt này được đưa ra các thùng nhựa nhỏ, nhân viên ngồi chiết vào các lọ sau đó đưa vào máy dập hộp rồi xuất ra thị trường. “Mỗi tháng cơ sở chúng tôi làm hàng trăm nghìn lọ, nhái các thương thiệu nổi tiếng trong nước, bán ra cho các tỉnh. Giá thường rẻ hơn các mỹ phẩm thật từ 15-20%”, ông V. thú nhận.

Đột nhập vào cơ sở làm kem trộn, kem dỏm có tên VT ở ấp 4, xã Vĩnh Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, cơ quan chức năng cũng bắt quả tang hai đối tượng sản xuất mỹ phẩm nhái. Tại đây, họ dùng máy xay bột gạo trộn các nguyên liệu gồm bột mì, hóa chất với màu hương liệu lại với nhau để cho ra lò sản phẩm mỹ phẩm làm trắng da, trị nám, phấn trang điểm có tên “VT”.

Ông Hoàng Sáu, chủ lò mỹ phẩm này cho biết họ đã mua hóa chất làm mỹ phẩm từ chợ Kim Biên, sau đó đặt các cơ sở làm bao bì, vỏ hộp nhái thương hiệu rồi bán ra với giá “cắt cổ” như hàng hiệu.

Bộ nhãn hiệu nhái Essance có đủ kem lót, phấn, má hồng, màu mắt, son môi… được bán ra với giá hơn 1,3 triệu đồng. Trong khi các loại kem chống nắng được nhào nặn từ công nghệ xô chậu ở cơ sở này bán ra giá còn cao hơn cả siêu thị. Ông Hoàng Sáu, chủ cơ sở nói sau khi trộn kem xong, chúng tôi đều đặt hàng ghi “made in Korea” hoặc “Thái Lan, Singapore” nên khách hàng rất yên tâm lấy hàng.

Tệ hại hơn là mỹ phẩm Jeny làm trắng da siêu tốc được cơ sở ở quận 7, TP HCM quảng cáo “lột xác” trong vòng 2 tuần bôi kem. “Nó được nhập về từ Hàn Quốc và được rất nhiều ngôi sao của xứ sở Kim Chi tin dùng” - trên trang web của công ty này “nổ”. Tuy nhiên, sự thật được phơi bày khi cơ quan chức năng ập vào kiểm tra cơ sở này trung tuần tháng 10 vừa qua và phát hiện gần 1 tấn vỏ chai, bao bì và tem nhãn, hầu hết đều in bằng tiếng Hàn Quốc và tiếng Anh bên cạnh hơn 500 kg dung dịch dạng lỏng; 95 kg dung dịch dạng bột; gần 500 chai sữa, kem tắm trắng; và hơn 1 tấn nguyên liệu đã pha trộn chuẩn bị đóng vào chai, lọ tung ra thị trường. Tất cả nguyên liệu, hóa chất, tem nhãn trên đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Để đánh lừa người tiêu dùng, trên hộp mỹ phẩm ghi “sản xuất ở Hàn Quốc” nhưng không có tên tuổi và địa chỉ nơi sản xuất. Thực tế, hàng triệu lọ mỹ phẩm làm đẹp này được sản xuất ở một cơ sở trên đường Nguyễn Phúc Chu, quận Tân Bình bằng công nghệ “xô chậu” để bán ra cho người tiêu dùng với giá 100-300.000 đồng/lọ.

Hàng loạt hóa chất chất kích trắng, những nguyên phụ liệu cần thiết để “chế biến” kem được bày bán tại chợ Kim Biên.

Hàng loạt hóa chất chất kích trắng, những nguyên phụ liệu cần thiết để “chế biến” kem được bày bán tại chợ Kim Biên.


“Trét” tử thần lên mặt

Giá từ vài nghìn đến 100.000 đồng hộp khiến cho kem trộn với các công dụng như làm trắng da, kem tẩy trắng da hoặc làm sạch mụn cấp tốc bán rất chạy tại các cửa hàng và chợ trời. Phong trào làm mỹ phẩm sôi nổi đến nỗi ở trên các trang mạng người ta còn dạy cách làm loại mỹ phẩm độc hại này. Khi gọi điện tới nơi dạy làm mỹ phẩm Nhật Linh trên đường Tân Hóa, quận Bình Tân, nhân viên cơ sở cho biết sẽ dạy cách làm kem với học phí 1 triệu đồng. Sau khi đồng ý chúng tôi được cô nhân viên dạy cách mua nguyên liệu.

“Muốn làm kem tẩy trắng thì ra chợ Kim Biên mua chất kích trắng giá 50.000 đồng/lít, chất dưỡng da có bán sẵn và mua thêm các loại tinh dầu, chất tạo màu, các loại hương. Sau đó đổ vào máy xay sinh tố trộn đều các chất này lại”, nhân viên này căn dặn, đồng thời dạy pha dung lượng từng loại phù hợp.

Khi chúng tôi hỏi làm sao để người tiêu dùng không biết đây là kem trộn, nhân viên cơ sở này nói trước khi “chế” mỹ phẩm nên đặt trước hũ, lọ sau đó đặt bao bì in nhãn hàng và xuất xứ để che mắt người tiêu dùng. Sau khi đưa tiền để lấy công thức các loại kem, nhân viên này cho biết để tăng hiệu quả làm đẹp, da mịn lán bóng và nhanh trắng sau 1 tuần bôi kem nên thêm hóa chất BL. Tôi băn khoăn thì người này nói thẳng “là chất corticoid ấy”. “Nó là thần dược. Có chất này thì mới đẹp nhanh được”, nhân viên, nói.

Theo người này, rất nhiều cơ sở làm kem nhái, cũng đặt hàng cửa hàng để làm các loại kem tẩy tế bào chết với giá 100.000 đồng/kg, hoặc kem dưỡng trắng giá chỉ 70.000 đồng/kg để về đóng vào hộp bán. “Tụi em thường được yêu cầu trộn chất này để hiệu quả", nhân viên này thú thật.

Các loại nguyên liệu trôi nổi và hóa chất tạo màu được trộn để chế biến mỹ phẩm nhái.

Các loại nguyên liệu trôi nổi và hóa chất tạo màu được trộn để chế biến mỹ phẩm nhái.

Không chỉ những sản phẩm trôi nổi, nhập lậu, hàng giả đe dọa sức khỏe người tiêu dùng khi kết quả kiểm nghiệm đều chứa độc chất corticoid mà ngay cả những sản phẩm có thương hiệu cũng chứa corticoid. Kết quả kiểm nghiệm được Phân viện Pháp y Quốc gia tại TP HCM cung cấp sau khi phóng viên gửi mẫu, cho thấy hàng loạt mẫu mỹ phẩm làm đẹp chứa loại chất nguy hại.

Theo đó, mẫu thứ nhất được phát hiện có chứa Clobetasol propionate một dẫn xuất nhóm corticoid là sản phẩm Sắc Ngọc Khang loại bỏ tàn nhang làm tan vết nám do công ty mỹ phẩm Tân Đại Dương tại quận Bình Tân, TP HCM sản xuất.

Tiếp đó là sản phẩm Sắc hoa Thiên giữ mãi tuổi xuân - collagen - tổ yến - siêu trắng có chứa Dexamethasone là dẫn xuất nhóm corticoid do công ty Gia Việt tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ sản xuất. Có 3 sản phẩm khác được phát hiện chứa Clobetasol propionate gồm: Whitening cream - Sắc Ngọc Hương - Sheap placenta - kem nhau thai cừu do công ty Sắc Ngọc Hương tại quận 8, TP HCM sản xuất; Cream Q - 10 Sắc Ngọc Trai Khang thành phần thảo dược thiên nhiên do công ty Lê Hoàng Hà My tại huyện Củ Chi, TP HCM sản xuất; Sắc Thể Ngọc Hoàn Khang thành phần đến từ thiên nhiên do công ty mỹ phẩm Thái Ngọc Nguyên tại quận Tân Phú, TP HCM sản xuất.

Theo Zing



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.