Mỹ phẩm tự chế: Thỏi son 50.000 đồng, rẻ hay đắt?

Được quảng cáo là sản phẩm làm đẹp tự nhiên an toàn, mỹ phẩm handmade ngày càng khuynh đảo thị trường với rất nhiều mức giá khác nhau.

Được quảng cáo là sản phẩm làm đẹp tự nhiên an toàn, mỹ phẩm handmade ngày càng khuynh đảo thị trường với rất nhiều mức giá khác nhau.

Vài chục nghìn một thỏi son, có khi vẫn đắt

“Thay vì những mỹ phẩm hàng hiệu sản xuất hàng loạt như cừu Dolly giá cao ngất, bạn nghĩ sao về một thỏi son, hộp kem dưỡng mang tên mình, hay những mùi nước hoa nói thay lời nhật ký: nước hoa kỷ niệm ngày đầu hai bạn quen nhau, nước hoa ghi dấu ngày bạn sang tuổi mới, nước hoa tốt nghiệp… Và còn gì tuyệt vời hơn khi những cây son ấy, lọ nước hoa khô ấy do chính tay bạn làm từ nguồn nguyên liệu tự nhiên lành tính, giá mềm...”. Đó là nội dung dòng quảng cáo nhận được hàng trăm lượt like, share từ một địa chỉ Facebook dạy làm và bán mỹ phẩm handmade tại Hà Nội.

Tuy nhiên, do đưa ra mức giá cao gấp đôi, gấp 3 mặt bằng giá mỹ phẩm handmade đang rao bán từ hàng trăm địa chỉ trên thị trường Hà Nội và TP.HCM, chủ shop này nhận không ít ý kiến thắc mắc của khách hàng. “Cũng hàng handmade, cùng sử dụng bao bì, mẫu mã tương tự như các shop khác, cùng là hàng bán không chuyên, giá son các nơi khác có vài chục nghìn/thỏi mà ở đây lên tới 150.000 - 200.000 đồng/thỏi?”, một khách hàng đặt câu hỏi.

Tuy vừa nhận đào tạo làm mỹ phẩm handmade, vừa làm bán ra thị trường, nhưng theo chủ shop trên, nguồn thu chủ yếu nằm ở mảng thứ 2. Hoạt động hướng dẫn, đào tạo tập trung vào mục đích làm thương hiệu, thúc đẩy doanh số bán hàng. Nhờ tạo được uy tín trong cộng đồng khách hàng, lượng like của fanpage đạt tới hơn 5.000 lượt, số lượng sản phẩm tiêu thụ khá mạnh.

Mỹ phẩm tự chế: Thỏi son 50.000 đồng, rẻ hay đắt?
Giá cho một thỏi son không phụ thuộc chủ yếu vào vốn nguyên liệu.  Ảnh minh họa

Hiện tại, trào lưu tự làm và sử dụng mỹ phẩm handmade đang là xu hướng được ưa chuộng, thu hút hàng ngàn tín đồ làm đẹp tham gia. Tuy nhiên, theo khảo sát, có rất hiếm thương hiệu mỹ phẩm handmade được cấp giấy phép hoạt động và sản xuất tại Việt Nam. Làm khuynh đảo thị trường sản phẩm làm đẹp hiện nay vẫn là các sản phẩm handmade thủ công, chưa qua kiểm định, được rao bán tràn lan với vô vàn khung giá khác nhau, từ vài chục tới vài trăm ngàn đồng.

Tự so sánh giá son mình bán ra với một số địa chỉ tại Hà Nội, Trang Anh (SV ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội) bức xúc: “Son em dùng 100% nguyên liệu tự nhiên, hoàn toàn lành tính, sử dụng hiệu quả nhưng vì vốn bỏ ra thấp nên giá em bán ra cũng chỉ 40.000 - 50.000 đồng/thỏi. Vậy mà nhiều shop khác bán tới hơn 100.000 đồng/ thỏi khiến khách hàng của em nghi ngờ em dùng đồ rởm, kém chất lượng”.

Để chứng minh mình làm hàng chuẩn bán rẻ vẫn có lãi, Trang Anh chia sẻ, để làm ra được 1 thỏi son cần có các thành phần: sáp ong, khoảng 4 - 5 loại tinh dầu khác nhau như dầu dừa, dầu vừng, dầu gấc, dầu oliu, màu… Sáp ong tốt hiện có giá bán thị trường khoảng 300.000 đồng/kg nhưng làm vào mỗi thỏi son chỉ tính theo gram, tinh dầu mua vài ba trăm ngàn/lọ to cũng chỉ dùng định lượng theo giọt. Do vậy, vốn nguyên liệu bỏ ra nhiều nhất cho mỗi thanh son cũng chỉ mất khoảng 20.000 đồng.

Thừa nhận thông tin trên, chủ shop “hét” giá son handmade hơn trăm ngàn chia sẻ: “Nếu không tinh, có khi khách mua thỏi son tự chế với giá vài chục ngàn đồng vẫn là đắt”. Giải thích rõ hơn, chị thừa nhận, ngay cả khi sử dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên tốt, tiền vốn bỏ ra cho mỗi sản phẩm handmade vẫn rất rẻ.

Tuy nhiên, trên thực tế, làm mỹ phẩm handmade cũng như bất cứ mặt hàng handmade nào, giá bán sản phẩm không phụ thuộc ở giá trị nguyên liệu mà được quyết định chủ yếu dựa trên tính độc quyền sản phẩm, phương pháp và kỹ năng của người thực hiện.- “Son lên môi độ che phủ có tốt không, có khiến môi bạn mịn màng, ra màu đồng nhất và đúng ý bạn không? Thỏi son quá cứng hay quá mềm? Hạn sử dụng được bao lâu? Có gây kích ứng da không… Đó cũng là lý do vì sao cùng là son phấn handmade nhưng mỗi nơi bán mỗi giá, vài chục ngàn có thể vẫn đắt mà 100.000 - 200.000 đồng có khi vẫn rẻ”.

Chị nói thêm, bên cạnh việc sử dụng nguồn nguyên liệu tốt, quy trình làm mỹ phẩm handmade đòi hỏi người thực hiện cần tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc vô trùng vật liệu, sử dụng chuẩn xác định lượng chất bảo quản trong ngưỡng cho phép để phòng chống nấm mốc cho sản phẩm và kỹ năng điêu luyện, có hiểu biết và kinh nghiệm dày dạn trong việc kết hợp các thành phần phù hợp, pha phối màu hiệu quả… 

Mỹ phẩm 100% tự nhiên có tồn tại không?

Hiện nhiều shop mỹ phẩm handmade đưa ra lời cam kết bán sản phẩm mỹ phẩm hoàn toàn lành tính, sử dụng 100% nguyên liệu thiên nhiên, an toàn tuyệt đối cho sức khỏe nhằm hút khách hàng. Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều chuyên gia nghiên cứu về mỹ phẩm handmade, hầu như không thể có mỹ phẩm 100% thiên nhiên.

Mỹ phẩm tự chế: Thỏi son 50.000 đồng, rẻ hay đắt?
Khó tồn tại mỹ phẩm 100% nguyên liệu thiên nhiên. 

Chị Phương Thùy, chuyên viên thẩm mỹ và làm đẹp theo phương pháp tự nhiên (Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, ngay cả khi có mỹ phẩm 100% tự nhiên thì sử dụng cũng chưa chắc an toàn bởi chúng được làm hoàn toàn từ nguyên liệu thiên nhiên cũng như thức ăn, rất dễ bị nhiễm khuẩn, nấm mốc, ẩn chứa nhiều nguy hại cho sức khỏe. Do vậy, để đảm bảo sản phẩm có thể sử dụng tốt trong thời gian nhất định, ngoài các thành phần tự nhiên, người sản xuất nhất thiết phải thêm hóa chất bảo quản trong ngưỡng cho phép. Lúc này, hóa chất là cần thiết và có lợi. 

Tìm hiểu thêm về lý thuyết, hầu hết các loại mỹ phẩm có thành phần nước và dầu đều phải sử dụng tới các chất dung môi mới kết hợp được các nguyên liệu với nhau tạo nên hỗn hợp thống nhất. Khái niệm mỹ phẩm 100% tự nhiên vì thế, cần được hiểu đúng, tránh gây tâm lý nhầm lẫn, nghi ngại cho khách hàng.

Theo Zing



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.