Người gửi tiền khóc dở, mếu dở vì đổi chứng minh thư

“Cán bộ ngân hàng nói, chứng minh thư (CMND) của tôi không khớp nên không được rút tiền".

“Cán bộ ngân hàng nói, chứng minh thư (CMND) của tôi không khớp nên không được rút tiền. Vì sợ kẻ gian nhặt được ví tiền cùng thẻ ATM, CMND cùng 1 số giấy tờ mà tôi đánh rơi, đánh cắp tiền gửi nên tôi phải cạy cục nhờ làm lại CMND cũ mới có thể rút được tiền”.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Việt Hùng (Cầu Giấy - Hà Nội) khi đi rút tiền, liên quan đến sự thống nhất của mã số trong chứng minh cũ và chứng minh mới trong quy định của ngân hàng hiện nay.


(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).


Theo quy định mới, từ ngày 1/1/2016, Bộ Công An sẽ cho phép có ba loại giấy tờ tùy thân được cùng tồn tại là CMND 9 số (CMND cũ); CMND 12 số (CMND mới) và Thẻ Căn cước. Những người đang có chứng minh thư 9 số (chứng minh thư cũ) có thời hạn không vượt quá 15 năm, vẫn được sử dụng bình thường. Tuy nhiên, những người 14 tuổi trở lên khi đăng ký làm chứng minh thư tại cơ quan quản lý hộ tịch sẽ được làm CMND mới 12 số hoặc thẻ căn cước.

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số độc giả, trường hợp người bị mất chứng minh thư cũ, làm lại chứng minh thư mới đang gặp khó khăn trong giao dịch ngân hàng.

Tại phòng giao dịch của một ngân hàng thương mại cổ phần lớn trên phố Hoàng Quốc Việt, ông Việt Hùng cho hay: “Tôi đem chứng minh thư mới đến ngân hàng nhưng họ cho biết cần chứng minh thư cũ để khớp với số chứng minh mà tôi đã mở tài khoản trước đây. Khi nói với họ tôi mất chứng minh cũ rồi, có giấy xác nhận cấp mới của cơ quan công an có được không, họ trả lời không và yêu cầu làm lại chứng minh thư cũ để hợp nhất giao dịch. Bất đắc dĩ tôi phải đi làm lại chứng minh thư cũ để rút tiền”.

Tuy nhiên, trường hợp của ông Hùng không phải là cá biệt, tại chi nhánh của một ngân hàng lớn trên phố Cầu Giấy, người gửi tiền cũng gặp phải tình cảnh tương tự.

Bà Minh, trú tại Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội đồng sở hữu cùng người chồng quá cố số tài khoản hơn 2 tỷ đồng tại ngân hàng. Sáu tháng sau khi chồng qua đời, bà Minh đến ngân hàng làm thủ tục rút tiền lãi và tiền mặt về. Tuy nhiên, nhân viên báo lại: số chứng minh thư không khớp với số cũ, bà cần đưa chứng minh thư cũ 9 số để đảm bảo quyền lợi.

“Tôi mất CMND, phải làm lại mới. Nào ai biết 9 số khác 12 số lại gây phiền toái đến vậy, trong khi tên tuổi, các dấu hiệu nhận biết vẫn là của mình. Tôi đến xin rút tiền lãi và 1 ít tiền gốc để trang trải, chi tiêu cho gia đình, nhưng nhân viên cho hay: chứng minh thư không trùng khớp, không trả gốc và lãi. Họ đề nghị tôi phải có chứng minh 9 số như cũ mới thực hiện quyền của người đồng sở hữu tài sản”, bà Minh nói.

Trao đổi về những rắc rối này, nhân viên ngân hàng tại phố Hoàng Quốc Việt cho hay: Theo quy định của ngân hàng, mã số CMND phải khớp mã số trong tài khoản thì người gửi tiền mới được thực hiện giao dịch. Mọi sai - lệch đều bị hủy giao dịch, để đảm bảo an toàn tài khoản.

Khi phóng viên đưa ra tình huống, người gửi tiền sẽ xin giấy xác nhận của cơ quan công an về đổi CMND, nhân viên ngân hàng cho hay: Đây là việc chưa có tiền lệ, ngân hàng tạm thời không thực hiện giao dịch với tài khoản như vậy.

Mặc dù quy định thống nhất về mã số CMND trong giao dịch tại ngân hàng là đúng, nhưng việc áp dụng quá cứng nhắc khiến nhiều người bị “hành” ở mọi nơi, mọi chỗ.

Ông Hùng bức xúc nói: “Xin được làm CMND cũ đâu có dễ, các địa phương đều áp dụng làm CMND mới 12 số, một mình làm lại chứng minh thư cũ ai nghe. Tôi phải đi từng cửa, từng ngách và tốn tiền, chi phí mới làm được. Trong khi đó, các giấy tờ xác minh như hộ khẩu, giấy khai sinh vẫn là tên mình và có thể xác nhận đối chứng chứ tôi có đi phẫu thuật thẩm mỹ hay chuyển giới đâu?”

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài người có tài khoản rút tiền gặp khó, không ít giao dịch cá nhân người gửi tiền cũng rơi vào cảnh khóc dở, mếu dở chỉ vì 1 dãy số chứng minh thư.

Trường hợp anh Hoàng Mạnh Chiến (Đội Cấn, Ba Đình) là một ví dụ. Gia đình anh đang phải đóng tiền ngân hàng mua nhà theo tiến độ. Nhưng khi đến ngân hàng đóng tiền, đưa chứng minh mới 12 số cho nhân viên thì bị yêu cầu đưa chứng minh cũ để khớp với số chứng minh đã giao dịch trước đó.

Khi trình bày hoàn cảnh bị mất chứng minh cũ, phải làm chứng minh mới 12 số, nhân viên ngân hàng khuyên để bớt rắc rối anh nên làm lại chứng minh thư 9 số như cũ. Nếu không, anh phải thông qua vợ để gửi tiền vào tài khoản cũ đã được mở. Trường hợp nếu vẫn giữ chứng minh mới 12 số, anh phải mở tài khoản mới và chịu chi phí. Vì công việc bận và không muốn đợi lâu nên anh Chiến đã phải mở tài khoản mới, chịu phí để đóng tiền cho kịp hạn trả tiền cho ngân hàng.

Theo Dân trí



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.