Thu tiền triệu mỗi ngày
Thu mua, săn bắt ồ ạt nhất là ở khu vực ngoại thành Hà Nội. Trong đó, một trong những điểm thu gom đầu mối cho cả một vùng đặt ở xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai. Khoảng 2 tháng nay, tại xã Cấn Hữu, bà con râm ran vì chưa bao giờ nghĩ rằng con ốc bươu vàng được người ta thu mua cả. Hầu như gia đình nào cũng cắt cử người ra đồng bắt ốc. Chỉ sau vài tuần, thu gom ở gần nhà không đủ, bà con rủ nhau đi khắp các tỉnh xa, xuống tận Hải Dương, Hưng Yên ở cách 50 - 60km tìm mua ốc bươu vàng.
Nhờ đem về bán cho các điểm thu mua đầu mối nằm ở địa bàn xã, nhiều gia đình đã thu được vài ba trăm ngàn mỗi ngày, có gia đình thu được hơn 1 triệu đồng nhờ ốc. Cũng vì lẽ đó, không chỉ riêng xã Cấn Hữu, bà con nhiều xã lân cận cũng thi nhau săn lùng ốc bươu vàng.
Ngay đầu làng Cấn Hữu, một điểm thu mua ốc bươu vàng có quy mô khá lớn với ngổn ngang đồ đựng như thùng, rổ giá, thùng xốp. Hai xe tải loại 1,5 tấn đã chờ hàng. Bà Nguyễn Thị Nụ ở thôn Cấn Thượng cho hay: “Chiều đến, hoạt động mua bán ốc bươu vàng mới diễn ra tấp nập. Sau đó, các chủ hàng đóng thùng xốp rồi đưa lên xe tải chở đi tiêu thụ”. Bà Nụ cho biết, trong gia đình bà cũng có vài con cháu tham gia bắt ốc, duy có bà do tuổi cao nên quanh quẩn ở nhà làm ruộng.
Còn nông dân Lê Văn Lượng chia sẻ: “Gia đình anh có 5 khẩu đều đi bắt ốc bươu vàng để bán”. Theo anh Lượng, có ngày “trúng quả”, riêng tiền bán ốc của gia đình cũng lên cả triệu đồng, có vụ kiếm được 60 - 70 triệu đồng. Vì thế, nhiều gia đình bỏ cả ruộng để đi bắt ốc. Anh Lượng còn tới tận Nam Định, Thái Bình hoặc lên Bắc Ninh săn tìm ốc. Ốc mua về được luộc chín, thân tách ra khỏi vỏ, vứt bỏ nhân, trứng… chỉ lấy lưỡi.
Giá thu mua ban đầu khoảng 23.000 đồng/kg, nhưng gần đây, các chủ thu mua giảm xuống còn 19.000 đồng/kg. Ruột ốc được mang đến lán thu mua, sau khi rửa qua nước, ốc được cân và cho vào thùng xốp, ướp muối, đá lạnh và dán kín để bảo quản. Mỗi thùng xốp được đóng 55kg ốc ruột đã sơ chế.
Trung bình mỗi ngày, chủ thu mua bán được hơn 30 thùng xốp như thế. Anh Lượng nhẩm tính, có những ngày gia đình anh bắt được 2 - 3 tạ ốc bươu vàng, ngày ít cũng thu từ 400.000 - 500.000 đồng.
Riêng ở thôn Cấn Thượng có hơn 300 hộ gia đình tham gia bắt ốc bươu vàng. Khi chúng tôi đề cập đến mục đích thu gom ốc bươu vàng với số lượng lớn để làm gì, từ bà Nụ đến anh Lượng hay những người tham gia bắt ốc bán đều chỉ biết lơ mơ rằng “họ bảo đóng thùng xốp chở ra Móng Cái - Quảng Ninh rồi xuất sang Trung Quốc”. Nhưng thực hư ra sao thì không ai nắm chắc.
Thiếu cảnh báo người dân
Câu chuyện con ốc bươu vàng là “kẻ thù” của nhà nông vì sau khi du nhập ở nước ngoài về đã sinh sôi, tàn phá mùa màng, làm nhiều nông dân trồng lúa từ Bắc vào Nam điêu đứng. Vậy mà nay lại có thương lái về đặt hàng, thu gom để xuất khẩu… cũng khiến nhiều người không khỏi nghi ngờ. Bởi cũng giống như bao chuyện thu mua đỉa, lá điều non, lá vải non, lông gà và nhiều mặt hàng nông sản khác… nhiều nông dân đã dở khóc dở cười vì chạy theo phong trào, ồ ạt mua vào để bán nhưng sau đó bị các thương lái nước ngoài bỏ rơi.
Chúng tôi đến UBND xã Cấn Hữu để tìm hiểu sự vào cuộc của chính quyền địa phương, nhưng ông Đỗ Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã, từ chối cung cấp thông tin với lý do: “Việc này của chủ tịch xã. Chủ tịch chưa giao nên tôi không biết”. Song theo tìm hiểu, đến nay chính quyền địa phương dường như vẫn đứng ngoài cuộc với sự việc “lạ” này tại địa phương, cũng như không có bất kỳ động thái nào để xử lý vỏ ốc, khuyến cáo người dân không vì lợi nhuận mà khoanh nuôi loài này để bán cho thương lái xuất khẩu.
Theo ông Lê Đình Ly, Trưởng thôn Cấn Thượng, ước tính trên địa bàn xã Cấn Hữu đang có khoảng 600 - 700 hộ gia đình đi bắt ốc bươu vàng. Không chỉ riêng người dân xã Cấn Hữu, nhiều hộ dân ở các xã thuộc huyện Chương Mỹ như Đông Sơn, Hòa Thạch, Thạch Thán cũng tham gia bắt ốc bươu vàng.
Tuy nhiên, mặc dù thấy người dân hồ hởi bởi có thêm thu nhập từ “lộc trời”, vừa góp phần diệt trừ được “kẻ thù” của nhà nông, song ông trưởng thôn Cấn Thượng cũng không khỏi băn khoăn: “Không hiểu thương lái Trung Quốc thu mua ốc bươu vàng để làm gì?”. Trong khi đó, để có 1kg ruột ốc bán cho thương lái, người dân phải gom khoảng 3 - 4kg con ốc, luộc chín, lấy ruột, vì vậy, khắp từ đầu làng đến cuối làng đều tràn ngập vỏ ốc.
Người dân xã Cấn Hữu đang thu bộn tiền nhờ bắt ốc, nhưng các cấp chính quyền địa phương không thể buông lỏng quản lý như hiện nay, cần phải điều tra, định hướng cho nông dân.