Nhan nhản lụa Trung Quốc, Vạn Phúc loay hoay tìm cách “triệt”

Làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) từ lâu đã trở thành địa chỉ quen thuộc với nhiều người muốn mua và sử dụng lụa.

Làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) từ lâu đã trở thành địa chỉ quen thuộc với nhiều người muốn mua và sử dụng lụa. Sản phẩm của làng rất đa dạng với nhiều chủng loại từ lụa, là, gấm, vóc đến vân, the, lĩnh, đũi...
 
Không chỉ phong phú về sản phẩm, lụa Vạn Phúc nổi tiếng đẹp và bền. Tuy nhiên, nếu không có kinh nghiệm, khách hàng dễ dàng mua phải những tấm lụa xuất xứ từ Trung Quốc được gắn mác hàng Vạn Phúc “xịn”.
 
Chủ một cửa hàng kinh doanh lụa trong làng Vạn Phúc cho hay, đa số cửa hàng nào ở đây cũng có hàng Trung Quốc, đặc biệt trong khu chợ thì nhiều nhan nhản. Tuy nhiên có hàng ít, có hàng nhiều và nhiều người vẫn chỉ rõ cho khách hàng nguồn gốc thật của sản phẩm.
 
Vị tiểu thương này vừa nói, vừa chỉ vào chùm khăn treo trong cửa hàng và cho biết những tấm lụa có độ bóng cao như thế này, 100% là hàng Tàu. Do nhu cầu của khách hàng nhiều khi thích màu sắc, giá rẻ nên cửa hàng vẫn nhập về bán thêm.

Những chiếc khăn lụa Trung Quốc có độ bóng rất cao.

 
Tuy nhiên, không phải chủ cửa hàng nào cũng sẵn sàng chỉ cho khách hàng nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Không ít tiểu thương ở đây mượn danh Vạn Phúc để bán đồ rẻ, chất lượng kém, lừa khách hàng nhằm kiếm lời nhiều hơn.

Trong khi một mét vải lụa Vạn Phúc có giá dao động từ 150 - 400.000 đồng tùy thuộc cách pha dệt thì nhiều tấm lụa Trung Quốc, với chất lượng kém hơn, vẫn được “hét” với giá từ 100.000 - 300.000 đồng/m.

Nhiều khách hàng băn khoăn không biết làm thế nào để mua được sản phẩm lụa “xịn”

Bác H., một nghệ nhân của làng cho hay, lụa rởm dễ mục nát, nhàu nhĩ còn những tấm lụa chính gốc Vạn Phúc có thể giặt bằng xà phòng và giặt máy không sợ bị hỏng, vải không nhăn và không có hiện tượng bị phai màu.

“Một cách phân biệt khác, lụa Trung Quốc thường rộng khổ khoảng trên 1m, còn lụa chính gốc làng Vạn Phúc khổ nhỏ hơn vì vẫn dệt thủ công, chỉ vào khoảng 90 - 97cm”, bác H. nói.
 
Trước tình trạng đồ rởm cứ ngang nghiên bày bán sẽ ảnh hưởng đến uy tín của làng nghề, bác H. cho rằng, việc kinh doanh mặt hàng nào đều do chủ cơ sở quyết định. Nhưng nếu cứ làm ăn theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó” sớm muộn cũng khó tồn tại.
 
Trong khi đó, theo đại diện Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc, nhằm khôi phục lại thương hiệu đang dần bị mai một bởi những mảnh lụa xuất xứ Trung Quốc, lụa tạp nham không rõ nguồn gốc,0 Làng đã xây dựng trung tâm kinh doanh lụa Vạn Phúc.
 
Các chủ hộ kinh doanh ở đây buộc phải cam kết chỉ được phép bán lụa thật của làng làm ra, nếu nhập lụa Trung Quốc hoặc bán những loại lụa gốc tích không rõ ràng sẽ bị xử phạt, bị “đuổi” ra khỏi trung tâm.

Với trung tâm kinh doanh mới mở này, người dân sẽ không phải lo lắng mua phải lụa rởm. 
 
Trung tâm kinh doanh lụa Vạn Phúc đang trong giai đoạn chuẩn bị khánh thành nên còn khá vắng vẻ.
 

Những tấm vải lụa được bày bán trong Trung tâm kinh doanh lụa Vạn Phúc.

 

Những chiếc khăn lụa có xuất xứ từ làng Vạn Phúc

Theo Bizlive.vn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.