Nho rừng 50.000 đồng/kg, bà nội trợ tò mò đặt mua

Có vị chua ngọt, quả nhỏ, nho rừng hay còn gọi là quả giác, đang được nhiều khách hàng tò mò đặt mua, với giá 50.000 đồng/kg.

Có vị chua ngọt, quả nhỏ, nho rừng hay còn gọi là quả giác, đang được nhiều khách hàng tò mò đặt mua, với giá 50.000 đồng/kg.

Loại quả này đang có phổ biến tại Lào Cai, được bán 40.000 đồng/kg tại các chợ. Trên mạng Internet, nho rừng cũng được nhiều người chào bán, với giá 50.000 đồng/kg.

Anh Trường, một người đang bán loại quả này trên chợ mạng, cho biết, tại Lào Cai, cây nho mọc tự nhiên ở bìa rừng, đến mùa, người dân sẽ thu hái về bán lại cho các điểm thu mua. Quả nho tròn, tím sẫm và hơi dẹp, bé chỉ bằng đầu ngón tay út. Theo anh Trường, quả này có thể dùng tráng miệng, ngâm rượu, làm rượu vang hoặc kho cá, nấu canh chua bằng quả xanh rất ngon. Cũng vì vậy mà vừa mới chào bán chưa đầy một ngày, anh đã nhận được 9 đơn hàng, lên tới gần 20 kg.

Do đặc thù quả chín mọng, khó bảo quản (thường để được 2-3 ngày) nên anh chỉ nhận đơn hàng gần. "Có một số khách ở Vinh (Nghệ An), Đà Lạt (Lâm Đồng), Đà Nẵng đặt mua, nhưng tôi từ chối, vì nho vận chuyển xa rất dễ bị hỏng và lên men", anh Trường cho hay.

Nho rừng 50.000 đồng/kg, bà nội trợ tò mò đặt mua
Nho rừng bán trên mạng Internet với giá 50.000 đồng/kg được nhiều khách hàng đặt mua. Ảnh: Ngọc Lan.

Chị Phương Thanh (Bắc Ninh) vừa đặt mua 5 kg, cho biết: "Tôi từng được thưởng thức quả này trong một chuyến công tác dài ngày ở Lào Cai. Nho rừng chín ăn có vị gần giống nho thường nhưng thơm hơn, còn loại quả xanh kho cá cũng rất ngon". 

Chị Thanh Mai, quê ở Cà Mau (hiện đang sống ở Hà Nội), cũng đặt mua 3 kg về chế biến món ăn cho gia đình. Chị cho biết, nho rừng, còn gọi quả giác, ăn chín hay chế biến món ăn từ quả non đều được. Loại này còn có tác dụng giảm cân nên rất được lòng chị em phụ nữ.

Nho rừng 50.000 đồng/kg, bà nội trợ tò mò đặt mua
Nho rừng hay còn gọi là quả giác, có vị chua ngọt, được dùng để làm rượu hoặc chế biến món ăn. Ảnh: Ngọc Lan.

Cũng theo chị Mai, thực chất nho rừng rất quen thuộc với người dân miền Tây. Loại cây dây leo này mọc hoang rất nhiều ở các khu rừng của vùng Tây Nam Bộ. Cây mọc rất khỏe, sinh trưởng phát triển tốt. Dù chỉ 1 khúc rễ ngắn nó vẫn có thể sinh tồn.

"Cứ vào tháng 7 đến tháng 11 âm lịch là mùa giác chín. Bà con ở khu vực gần rừng U Minh (Càu Mau) thường đi hái về bán cho các cơ sở thu mua. Mấy năm trước, có một một công ty ở Phú Quốc (Kiên Giang) còn thu mua trái giác chín, để sản xuất rượu vang", chị Mai cho hay.

Theo Zing


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.