Những mánh khóe kiếm lời tiền triệu của dân buôn xe máy cũ

Mỗi khi có khách mang xe tới chợ để bán, từng nhóm “cò” bổ xô vào “bắt lỗi” xe bằng cách “bới lông tìm vết”, thậm chí là... phá xe để làm giảm giá trị xe xuống càng thấp càng tốt.

Mỗi khi có khách mang xe tới chợ để bán, từng nhóm “cò” bổ xô vào “bắt lỗi” xe bằng cách “bới lông tìm vết”, thậm chí là... phá xe để làm giảm giá trị xe xuống càng thấp càng tốt.

Dân buôn, “cò” xe máy ngồi la liệt ở khu vực quanh chợ xe máy cũ Dịch Vọng để săn hàng.
 
Chiêu trò dìm giá bài bản

Không chỉ có khả năng “hô biến” xe máy cũ thành mới, dân buôn xe tại khu vực Cầu Giấy, chợ xe máy cũ Dịch Vọng (phố Chùa Hà) còn có kĩ năng dìm giá, ép khách mua hoặc bán xe máy cũ đã được nâng lên thành... “nghệ thuật”. Một quy định bất thành văn mà bất cứ dân buôn xe nào cũng biết, đó là giá xe mới chỉ có khi bán cho khách, còn xe mua vào, dù mới cũng đều được “hô biến” thành cũ. Dù biết vậy, không ít người vẫn trở thành nạn nhân của chiêu trò này.

Giờ, dân buôn xe không còn ngồi một chỗ để chờ khách hàng tới; hoạt động mua, bán xe cũng “năng động” hơn với các lời chào mời hấp dẫn “Mua xe cũ, giá cao”, “Xe mới, bán giá cũ”… Dạo một vòng quanh khu vực công viên Nghĩa Đô (Cầu Giấy) và dọc đường Cầu Giấy, không khó để bắt gặp những tốp dân buôn xe cũ tụ tập và săn hàng. Không chèo kéo, gây phiền toái tránh bị lực lượng an ninh “sờ gáy”, hoạt động kinh doanh tại đây vì thế đã tồn tại từ hơn chục năm nay.

Theo quan sát, đặc biệt là qua lời kể của một số “nạn nhân”, thủ đoạn dìm giá xe được thực hiện khá bài bản. Mỗi khi có khách, từng nhóm “cò”, hoặc dân buôn bổ xô vào “bắt lỗi” xe bằng cách “bới lông tìm vết”, mục đích cuối cùng là làm giảm giá trị xe xuống càng thấp càng tốt. Sau khi đã “ngấm” đòn chê bai của thợ, lúc này khách bán xe thường không có lựa chọn khác, vì mức giá đã được loan tin, thống nhất với nhau để không cao hơn giá đầu.

Cho tới giờ, anh Nguyễn Văn Huy (quận Hà Đông, Hà Nội) vẫn không thể quên được “trái đắng” nhận từ dân buôn xe. Anh nhớ lại, cách đây ít hôm, anh tới chợ xe máy cũ Dịch Vọng (Hà Nội) để bán chiếc Future cũ, hàng Thái Lan. Sau một hồi mặc cả, dân buôn xe chấp nhận mua với mức giá 5 triệu đồng và đòi xem giấy tờ xe, chứng minh thư... để ghi giấy bán xe. Trong khi tay ghi giấy bán xe vừa ghi vừa ngã giá, với mục đích câu giờ, thì một thanh niên khác đòi chạy thử xe. Chừng 5 phút sau, người thanh niên này trở lại, kể đủ thứ bệnh của xe và tiếp tục dìm giá xuống còn… 3 triệu đồng. Không đồng ý, anh nhận lại xe với đủ thứ hỏng hóc mà cách đó ít phút chiếc xe còn hoạt động bình thường. “Nghĩ mà bực mình nhưng trót dính rồi thì chỉ còn nước cạch mặt lần sau thôi”, anh Huy kể.

Còn anh Nguyễn Đức Hậu (huyện Gia Lâm) không khỏi bức xúc khi nhắc lại vố lừa của đám “cò” xe tại khu vực phố Chùa Hà. Vừa đến đầu phố, lập tức chiếc xe máy Sirius của anh bị dân buôn xe dìm giá không thương tiếc. Giá rao 5 triệu đồng mau chóng được “cò” dìm còn 2,5 triệu. Đồng ý bán xe, nhưng sau khi thỏa thuận viết giấy giao xe và trao giấy tờ xe, anh còn bị “cò” bớt xén để... lấy may. Chưa hết, do không mang hồ sơ gốc theo nên “cò” này giữ lại 500.000 đồng để “làm tin”, đợi sau khi có hồ sơ gốc sẽ trả đủ. Tuy nhiên, khi anh mang hồ sơ tới, “cò” viện đủ lí do và không trả hết số tiền đang giữ. “Bị thiệt đơn, thiệt kép mà không làm được gì. Đã chót dính vào nên lúc đó tôi chỉ mong giải quyết cho xong thôi”, anh Hậu cho biết.

Đối với dân trong nghề, việc bán xe cũng cần có những kĩ năng nhất định. Chẳng hạn, để tạo lòng tin cho khách, việc bán xe trên mạng thường được giao cho phụ nữ đứng tên với những lí do rất thuyết phục: Khách hàng tưởng rằng tìm được đúng người có xe muốn bán gấp, có thể mặc cả, ép giá. Chỉ đến khi giao tiền, nhận hàng về một thời gian, khách mới biết là mình đã… sập bẫy.

Phía sau vỏ bọc kinh doanh xe cũ, nhiều dân buôn đang mở rộng hoạt động phân phối phụ tùng nhập lậu cho thị trường.

 
Quy tắc ngầm của dân buôn xe cũ

Khi việc mua xe cũ để độ lại và bán giá cao đã không còn béo bở như trước, dân buôn xe vẫn “sống khỏe” là nhờ đâu? “Buôn lậu phụ tùng ôtô, xe máy, tiêu thụ hàng trộm cắp và “luộc đồ” xe của khách... Đó là những mánh khóe của nhiều dân buôn, phía sau mác buôn bán xe máy cũ”, Nguyễn Văn H - một dân buôn xe cũ đã giải nghệ - tiết lộ.

Cũng theo vị này, một điều luật bất thành văn của dân buôn xe cũ là không can thiệp vào công việc của người khác, không chèo kéo khách của nhau. Thậm chí, khách hàng của người này mua xe của người khác thì người bán được xe phải chia lợi nhuận. thứ luật trên cứ âm thầm tồn tại và trở thành quy tắc của giới buôn xe máy cũ nhiều năm qua. “Có những quy tắc ngầm trong giới mà không phải ai cũng biết. Nhìn bên ngoài thì ai làm việc người đó, nhưng bên trong có sự liên kết rất chặt chẽ. Người vi phạm sẽ phải đón nhận những đòn thù đích đáng”, anh H tiết lộ. Ngay cả việc người này buôn gì, người kia biết cũng không được tiết lộ. Thông thường, một chiếc xe máy cũ được thợ buôn xe mua lại đều được qua “phẫu thuật chỉnh hình”, sau đó mới rao bán trên thị trường. Xe mua về trước tiên được đưa vào xưởng (những xưởng này thường nằm quanh khu vực gần chợ xe máy cũ). Thợ kiểm tra các bộ phận, sau đó “mông má” lại để tạo sự bắt mắt. Một số phụ tùng có giá trị của xe sẽ bị thay thế bằng thiết bị rẻ tiền như IC, củ điện, ty giảm xóc… nhưng vẫn đảm bảo để chiếc xe hoạt động bình thường và chỉ bị trục trặc sau khi đã được khách hàng mang về sử dụng thời gian ngắn. Tuy nhiên, không phải khách hàng nào mua xe máy cũ cũng biết đến những mánh khóe này. Nếu như trước đây, thợ xe chỉ dám “tút tát” một số chi tiết đơn giản trên xe số thì nay, những xe tay ga đắt tiền có giá hàng trăm triệu đồng như SH, Spacy… cũng đều bị “luộc” với thủ đoạn đánh tráo khá tinh vi. “Làm cái nghề này, không dân buôn nào mà thành thật đến mức mua sao bán vậy. Phải có thủ thuật để mua 1, bán lãi 3 - 4”, một dân buôn tiết lộ.

Trong bối cảnh thị trường xe cũ đang bão hòa, nhiều dân buôn còn tự đứng ra làm đầu mối cung cấp phụ tùng ôtô, xe máy. Đây chủ yếu là những mặt hàng trong nước hạn chế sản xuất, hàng bị đánh thuế cao nên nhiều người đã không ngần ngại vận chuyển lậu về Việt Nam tiêu thụ. “Những mặt hàng như cầu, hộp số, lốc máy… có thị trường rất lớn, cung không đủ cầu”, một dân buôn cho biết.

Theo đó, các chủ hàng thường gom và vận chuyển hàng từ Nam ra Bắc. Để tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng, dân buôn thường gửi hàng qua xe du lịch, hoặc xe khách đường dài với số lượng vừa phải. Cũng theo tiết lộ, hoạt động của dân buôn được thực hiện rất tinh vi; người trong giới bọc lót rất tốt cho nhau nên ít khi bị phát giác. “Nói là buôn xe máy cũ, chứ giờ cái gì cũng buôn hết, mà phụ tùng ôtô lậu thì nhiều hơn”, anh H tiết lộ.

Cũng theo anh H, ai mua bán hàng lậu, người trong giới đều biết cả, nhưng không ai dám hé nửa lời. “Hoạt động buôn xe cũ vốn ồn ã, rất dễ gây sự chú ý. Rất nhiều người đã phất lên nhờ các hoạt động khác ngoài buôn xe, nhưng tại sao bao nhiêu năm cơ quan chức năng chưa lên tiếng? Đó là bởi người trong giới luôn tuân thủ quy tắc để cùng tồn tại”, vị này lí giải.

Theo Lao Động


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.