Nở rộ chơi hụi online, một kênh đầu tư siêu lợi nhuận?

Thời gian gần đây, dân văn phòng đang rỉ tai nhau về một kênh đầu tư siêu lợi nhuận trên mạng: Chơi hụi online.

Thời gian gần đây, dân văn phòng đang rỉ tai nhau về một kênh đầu tư siêu lợi nhuận trên mạng: Chơi hụi online.

Không cần quen biết, chẳng phải họ hàng thân thích, những bát hụi giá trị giá hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng vẫn “chạy”  và kèm theo đó là “thập diện” rủi ro. Nhiều vụ, chủ hụi bỗng nhiên mất tích sau khi ôm số tiền khổng lồ nhưng vẫn chưa đủ “sức nặng” để răn đe những kẻ muốn kiếm tiền bằng cách “ngồi mát ăn bát vàng”.
 


Muốn lãi cao thì phải mạo hiểm

Vào các diễn đàn mạng như Camnangcha, linkchoihui… mới thấy chị em máu chơi hụi như thế nào. Những người tham gia trò chơi “nhân ảo, tiền thực” này thuộc đủ ngành nghề. Tuy nhiên, số đông là dân văn phòng. Bởi, từ lâu, họ luôn coi chơi hụi là hình thức tiết kiệm “siêu lời”.

Theo tìm hiểu của PV, đa phần các thành viên tham gia chơi hụi đều là thành viên cùng hoạt động trên một diễn đàn, hoặc trao đổi thông tin qua mạng Internet. Gần gũi lắm thì offline (gặp mặt – PV) nhau một vài buổi. Hoàn cảnh và địa chỉ gia đình hầu như không được kiểm chứng. Mọi thanh toán đều được thực hiện qua chuyển khoản ngân hàng.

Trao đổi với PV, chị Nguyễn Việt Hà ( 35 tuổi, làng La Tinh, Hà Đông, Hà Nội), nhân viên công ty sách tại Hà Nội cho biết: “Do có nhu cầu tiết kiệm nên mình đăng ký tham gia bát hụi trên diễn đàn lamchame… và nhận sau cùng nên lãi cao hẳn ngân hàng.

Hàng tháng, đều đặn bỏ 3 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng, cuối năm, tôi chỉ thu về được gần triệu đồng tiền lãi. Nhưng cùng số tiền đầu tư ấy, chơi hụi thì số lãi thu được lên đến mấy triệu đồng, gấp 4, 5 lần lãi ngân hàng”.

PV đặt câu hỏi về độ rủi ro khi chơi qua mạng, chị Hà bảo: “Chúng tôi có phải là “gà” đâu. Khi một ai đó tham gia bất cứ bát hụi nào cũng phải đăng kí tên, tuổi, địa chỉ nhà, chụp ảnh hai mặt chứng minh nhân dân, hộ chiếu rồi đăng lên mạng thì mới được “xét duyệt” vào chơi. Địa chỉ nhà, chứng minh thư nhân dân là yên tâm quá rồi còn gì”.

PV tiếp tục đặt câu hỏi, nếu kẻ lừa đảo cố tình lấy số nhà, chứng minh thư nhân dân giả để lừa thì sao, chị Hà cười trừ: “Muốn lãi cao thì phải mạo hiểm chứ!”.
 

Bát hui online

 
Cũng theo chị Hà, do nhu cầu lớn, lãi cao nên trên các diễn đàn, một thời điểm có đến cả trăm “bát” cùng  “chạy”. Chủ hụi có thể cùng lúc mở nhiều bát. Có thành viên cùng lúc tham gia 3 “bát” khác nhau để gia tăng dân số lãi hoặc gia tăng số tiền cần vay. Lãi suất do chủ hụi và các thành viên thoả thuận. Cứ đến hạn, chủ hụi sẽ nhắn tin vào số điện thoại của các thành viên, báo nộp tiền cho mình. Đến khi 100% các thành viên đã chuyển khoản thì chủ hụi sẽ chuyển tiếp cho người đăng ký lấy trong tháng đó”, chị Hà nói.
 
Người thực còn bị lừa, huống chi “người ảo”

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Văn Tuý ( đoàn luật sư Hà Nội) kể câu chuyện liên quan đến lừa đảo thông qua hình thức chơi hụi trên mạng. Cách đây mấy tháng, một khách hàng tìm đến văn phòng nhờ tư vấn, làm cách nào để lấy lại được số tiền đã đóng hụi online. Khách hàng đó tên N.M.T (24 tuổi, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội).

Theo như lời kể của người phụ nữ này, chị ta chơi bát hụi 3 triệu đồng/ tháng cùng với gần 15 người khác trên một diễn đàn trao đổi thông tin dành cho các ông bố bà mẹ. Nữ chủ hụi là một thành viên nổi tiếng năng nổ, được xem là có uy tín và đang làm việc tại một doanh nghiệp Nhà nước.

“Khi mới lên làm chủ hụi, kẻ lừa đảo trưng ảnh chụp chứng minh nhân dân, tên tuổi, số điện thoại, số nhà lên để làm tin. Do là chủ hụi nên các thành viên khác phải chuyển khoản để chủ gom tiền lại chuyển cho người đăng ký lấy. Ngay tháng thứ hai, sau khi các thành viên chuyển tiền vào tài khoản thì điện thoại, nickname của chủ hụi đều trong tình trạng khoá. Tá hỏa, mọi người lần theo địa chỉ nhà thì mới biết đó là địa chỉ “ma”. Chứng minh ả đưa lên mạng là của một người khác. Khi được hỏi, người đó rằng, đã bị mất chứng minh thư nhân dân cách đây 2 năm và đã làm chứng minh thư nhân dân mới.

Diễn đàn mạng này càng náo loạn hơn khi người đàn bà này còn tham gia hai bát hụi  nữa và đã lấy tiền”, luật sư Nguyễn Văn Tuý kể lại.

Sau khi nhận thông tin từ chị T., luật sư Tuý tìm đến làm việc với ban quản lý trang đó. Tuy nhiên, khi làm việc với luật sư, họ đều nói chung chung rằng, đã có nhiều hướng dẫn, cảnh báo các thành viên về độ rủi ro khi tham gia chơi hụi qua mạng.  “Ban quản lý các trang diễn đàn để xảy ra tình trạng trên đều có ý phủi tay.  Đúng là họ cảnh báo rủi ro và khuyến cáo các thành viên phải thường xuyên gặp mặt, kiểm tra địa chỉ nhà của nhau. Tuy nhiên, những người chơi vì tin tưởng mù quáng nên không thực hiện cẩn thận. Và bây giờ, họ phải trả giá”, luật sư Tuý khẳng định.

Theo ông Bùi Kiến Huy, quản trị diễn đàn lamchame.com, một diễn đàn có số lượng bát họ lớn, nhằm phát huy mặt tích cực, hạn chế rủi ro, ban quản trị đã đăng khá nhiều tin, bài để cảnh báo đến các thành viên đang sinh hoạt trong diễn đàn. Tuy nhiên, vẫn có một sộ trường hợp rủi ro xảy ra do chủ hụi mất khả năng thanh toán.

Trong những trường hợp này, ban quản trị phối hợp tích cực với những nạn nhân để yêu cầu chủ hụi thực hiện nghĩa vụ đầy đủ. Ngoài ra, ở một vài bát hụi, một số thành viên còn cho nhau vay với số tiền lớn và không có khả năng trả lại. Trong trường hợp này, ban quản trị sẽ tiến hành đối chất công khai, nếu các bên muốn đối chất.

 Về vấn đề này, trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, hiện nay, hụi, họ, là một hình thức huy động tiền rất phổ biến. Chính vì thế, tình trạng vỡ hụi, họ, lừa đảo luôn được xem là chuyện hàng ngày. Thực tế cho thấy, không ít vụ lừa đảo, người thực, tiền thực, thậm chí kẻ lừa đảo còn “bán đứng” cả anh em, lừa bạn bè rồi ôm tiền bỏ trốn nói gì đến việc chơi hụi qua mạng.

Việc chơi hụi online chẳng khác nào “nối giáo” cho tội phạm. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng xuất phát từ lòng tham, ham lãi cao, nhiều người đã tạo cơ hội cho kẻ lừa đảo thực hiện hành vi của mình.

Theo Đời sống & Pháp luật


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.