Nông dân trắng tay vì giống cà quái dị

Nông dân xã Văn Khê (Mê Linh) trắng tay khi trồng phải giống dưa leo “vô sinh”...

Nông dân xã Văn Khê (Mê Linh) trắng tay khi trồng phải giống dưa leo “vô sinh”, đến lượt nông dân xã Nguyên Khê (Đông Anh) phải “ăn quả đắng” khi trồng phải giống cà tím quái dị.

Giống cà quái dị

Khoảng tháng 2/2015, gia đình ông Tô Văn Thiện (thôn Sơn Du, xã Nguyên Khê) mua 20 gói giống cà tím lai F1 ORMA do Công ty EAST- West Seed (Hai Mũi Tên Đỏ) sản xuất. Những năm trước, gia đình ông Thiện không trồng giống cà này, nhưng nghe giới thiệu đây là giống cà sinh trưởng mạnh, kháng bệnh tốt, trồng được quanh năm; trái suôn đẹp màu tím bóng; thu hoạch kéo dài, năng suất cao nên ông mua về trồng. 

Ông Thiện trồng cà tím trên diện tích hơn 3 sào. Quá trình gieo trồng, chăm sóc giống cà mới được thực hiện đúng kỹ thuật, cây phát triển bình thường. Thế nhưng vào khoảng tháng 5, khi cà ra quả, xuất hiện điều bất thường. Ban đầu cà màu tím, giống hình quảng cáo trên bao bì gói giống.

Ông Thiện bên vườn cà tím quái dị.

Ông Thiện bên vườn cà tím quái dị.

Quá trình phát triển, màu sắc quả cà biến đổi liên tục, từ tím chuyển sang nửa xanh, nửa tím; có quả thì màu xanh, quả màu trắng, quả màu vàng... “Màu sắc quả biến đổi không theo quy luật. Trên một cây cà có đến 5-6 màu sắc quả khác nhau”, ông Thiện nói. 

Trồng phải giống cà không đúng màu sắc như quảng cáo trên bao bì, cũng không giống màu sắc như các loại cà tím thông thường, vợ chồng ông Thiện lo lắng. Cà có màu lạ nên khi vợ chồng ông mang ra chợ bán, không ai mua. Một số người sau khi xem qua màu sắc cà thì bỏ đi. 

“Thông thường 1 kg cà bán 7.000 đồng. Chúng tôi hạ giá xuống còn 1.000-2.000 cũng không ai mua. Sau khi tan chợ, vợ chồng tôi lủi thủi mang cà về. Mấy ngày sau tiếp tục đem cà ra chợ bán thêm vài lần nhưng vẫn ế hàng như lần trước”, vợ ông Thiện nói. 

Nhìn vườn cà hơn 3 sào sai trĩu quả nhưng không ai mua, xót của, ông Thiện liên hệ với một số hộ dân nuôi lợn. Cà được bán cho lợn ăn với giá rẻ bèo. Số tiền ít ỏi thu về chẳng đáng tiền công đi hái, vợ chồng ông Thiện đành bỏ mặc vườn cà. Mới đây, vợ chồng chủ vườn hủy một phần vườn cà tím đề trồng rau cải. 

Nông dân lãnh đủ vì giống rởm?

Chung “số phận” ông Thiện, vợ chồng bà Vương Thị Thuyết (thôn Sơn Du, xã Nguyên Khê) trồng cà tím của Công ty Hai Mũi Tên Đỏ cũng rơi vào tình cảnh “dở khóc, dở mếu”. Nhà bà Thuyết trồng hơn 1 sào giống cà tím, nhưng mang ra chợ bán cũng không ai mua. 

“Thấy màu sắc không giống cà tím bình thường, họ nói đây là giống cà giả, không dám mua. Tôi thanh minh đây là giống cà mới, nhưng họ không tin, nói sao cả chợ có mỗi giống cà thế này”, bà Thuyết nhớ lại.


Vỏ bao bì giống cà tím.

Vỏ bao bì giống cà tím.

Chợ gần nhà không bán được, chồng bà Thuyết nhờ người quen có ôtô tải chở sang chợ khác bán. Sau một ngày, chủ xe mang quả về trả lại cho gia đình bà Thuyết vì không ai mua. “Bực quá, tôi bảo với chủ xe là anh vứt luôn đi chứ mang đống của nợ ấy về làm gì”, chồng bà Thuyết nghẹn ngào. 

Ông cho biết thêm, khi mới hái quả lên bờ, một số người đi đường hỏi mua, nhưng họ lại tưởng đây là dưa chuột vì vỏ quả cà có màu xanh, màu trắng khiến họ nhầm lẫn. Khi ông nói đây là cà tím thì họ bất ngờ, không mua nữa.

Ngoài hai trường hợp trên, thôn Sơn Du, xã Nguyên Khê còn có một số cũng trồng phải giống cà tím quái dị của Công ty Hai Mũi Tên Đỏ. Theo người dân, cà tím thông thường cho thu hoạch khoảng 8 tháng liên tục. Trung bình mỗi lứa thu khoảng 1,2 đến 1,4 tạ/sào. Với giá bán thị trường, mỗi tháng người dân thu hơn 4 triệu đồng/sào. Trừ chi phí tiền giống, phân, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích sinh trưởng, một vụ cà tím người dân thu về cũng được 30-40 triệu đồng/sào. Thế nhưng năm nay, một số hộ dân thôn Sơn Du do trồng phải giống cà tím quái dị Công ty Hai Mũi Tên Đỏ cung cấp nên bị thất thu lên tới hàng trăm triệu đồng. 

Người dân phản ánh, sau khi phát hiện giống cà tím phát triển không bình thường như bao bì sản phẩm giới thiệu, họ đã nhiều lần liên hệ với công ty cung cấp. Sau nhiều lần trì hoãn, nhân viên công ty này mới chịu đến vườn kiểm tra. Tại vườn, đại diện Công ty Hai Mũi Tên Đỏ thừa nhận lỗi là do giống, không phải do thời tiết hay kỹ thuật chăm sóc. Vì thế người dân đồng loạt yêu cầu phía công ty bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả. 

Ngày 24/7/2015, đại diện Công ty EAST- West Seed (Hai Mũi Tên Đỏ) bồi thường cho người dân mỗi sào trồng cà tím 1 triệu đồng. Tuy nhiên, người dân bức xúc với phương án bồi thường này vì với số tiền đó không đủ để bù lại tiền các hộ dân đã bỏ ra mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu. 

Trao đổi với PLVN, ông Tô Văn Hán, Chủ nhiệm Hợp tác xã Sơn Du xác nhận: Công ty Hai Mũi Tên Đỏ đến địa phương tiếp thị giống cà tím lai F1 ORMA nhưng không thông qua chính quyền địa phương, tự đến chào mời người dân trồng giống mới, trái với quy định. 

“Sau khi người dân phát hiện lỗi màu sắc dị biệt trên quả cà, anh tiếp thị của công ty này mới tìm đến tôi, “xin” làm thủ tục tiếp thị giống cà tím. Tôi không đồng ý. Người dân phản ánh, ngoài 4 trường hợp ở thôn Sơn Du, nhiều nông dân thuộc các thôn khác của xã Nguyên Khê cũng trồng phải giống cà tím của Công ty Hai Mũi Tên Đỏ nên đang gặp tình cảnh tương tự”, ông chủ nhiệm hợp tác xã cho biết.

Theo Pháp luật Việt Nam



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.