Bánh trung thu là sản phẩm truyền thống, nhưng do tâm lý sính thương hiệu nên trong nhiều năm qua giá cả mặt hàng này dần bị đẩy lên cao. Tuy nhiên, cho dù giá cả năm sau luôn cao hơn năm trước nhưng chất lượng bánh trung thu lại thường là vấn đề khiến người tiêu dùng bất an.
Người tiêu dùng bị đuối sức với sức tăng giá của bánh trung thu. |
Choáng vì giá
Mặc cho thị trường giảm hay tăng thì các đơn vị sản xuất bánh trung thu đều không hề giảm giá thành sản phẩm. Ngược lại, chuyện các hãng bánh trung thu tăng giá năm sau cao hơn năm trước 10-15% đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng trong những năm trở lại đây. Điều đáng chú ý là cho dù sản lượng bánh trung thu năm nào cũng được cho là tồn nhiều nhưng các đơn vị sản xuất và kinh doanh mặt hàng này lại không có xu hướng giảm số lượng sản phẩm mà ngày càng tăng lên. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến điều này?
Trên thực tế, theo kết quả vừa công bố của cơ quan quản lý thị trường Hà Nội thì giá cả của bánh trung thu được bán ra hiện nay có mức đội giá lên đến 300%. Mức đội giá này khiến bất kỳ nhà sản xuất nào cũng thấy được rằng, đây là một thị trường “béo bở” và đầy tiềm năng để thu lợi nhuận. Chỉ cần cơ sở sản xuất bánh trung thu bán được một phần số lượng sản phẩm làm ra thì được cho là đã có lợi nhuận. Nếu như bán hết tất cả số lượng thì khoản lợi nhuận thu được càng không nhỏ. Chính vì kinh doanh bánh trung thu được cho là mặt hàng “một vốn bốn lời” như vậy nên số lượng đơn vị tham gia vào thị trường này liên tục gia tăng.
Nếu trước đây thị trường này chỉ có sự góp mặt của các hãng bánh kẹo nổi tiếng như Kinh Đô, Bibica, Đồng Khánh, Hữu Nghị… và những cơ sở làm bánh truyền thống có tiếng thì hiện nay ai cũng có thể tham gia vào hoạt động kinh doanh đầy hấp dẫn này. Từ doanh nghiệp bánh kẹo, khách sạn, nhà hàng… ai cũng có thể sản xuất và kinh doanh bánh trung thu với thương hiệu riêng của mình.
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là lẽ ra sự góp mặt của càng nhiều đơn vị tham gia sản xuất thì giá cả của sản phẩm này sẽ có cơ hội cạnh tranh và rẻ hơn. Tuy nhiên, điều này thì ngược lại, sự bùng nổ của thị trường bánh trung thu càng đẩy người tiêu dùng đuối sức khi phải chạy theo chiều tăng giá không ngừng nghỉ của mặt hàng này. Nếu như cách đây khoảng hai năm, một chiếc bánh trung thu loại 250gr (2 trứng) chỉ dao động trung bình từ 40.000-55.000 đồng/chiếc, thì hiện nay, mức giá này đã lên tới 65.000-110.000 đồng/chiếc. Đó là chưa đề cập đến các loại bánh cao cấp giá khủng chỉ dành riêng cho khách đặt hàng đặc biệt.
Bình quân, một hộp bánh trung thu loại trung bình hiện nay giá trung bình 450.000-800.000 đồng. Riêng các dòng bánh thượng hạng cao cấp giá còn dao động mức 1,2-2,5 triệu đồng/hộp. So với năm ngoái mức tăng này nhảy lên thêm 15%. Sự tăng giá này được các hãng bánh trung thu có thương hiệu lý giải là do giá cả đầu vào và chi phí sản xuất tăng. Tuy nhiên, trên thực tế, nguyên nhân chính vẫn là do các hãng bánh lớn nắm được tâm lý và thị hiếu của khách hàng khi xác định đây là mặt hàng quà biếu. Vì vậy, họ chăm chút bao bì, gói quà bắt mắt, sang trọng nhằm thể hiện thương hiệu và đẳng cấp của mình. Chính vì tâm lý sính thương hiệu nên không ít người tiêu dùng đã quay lưng lại với các sản phẩm bánh truyền thống. Điều này đã tạo điều kiện cho các thương hiệu bánh trung thu có thể thao túng giá cả, làm cho thị trường này liên tục có mặt bằng giá mới theo hướng tăng lên cao.
Mù mờ chất lượng
Mặc dù giá cả liên tục tăng theo đà năm sau cao hơn năm trước như vậy, thế nhưng chất lượng bánh trung thu vẫn luôn là vấn đề khiến người tiêu dùng không an tâm. Đặc biệt là cứ vào dịp trung thu, lực lượng chức năng ở các địa phương lại phát hiện hàng loạt vụ việc bánh trung thu không đảm bảo an toàn chất lượng được đưa ra thị trường để tiêu thụ. Đáng chú ý, để kiếm được lợi nhuận cao, nhiều cơ sở sẵn sàng lấy nguyên liệu không rõ nguồn gốc với giá rẻ để đưa vào sản xuất. Cá biệt, nhiều cơ sở sản xuất còn dùng nguyên liệu hết “đát” hay phụ gia, hóa chất để làm giảm giá thành đầu vào nhằm tăng lợi nhuận cao.
Tại thị trường TP HCM, mới đây nhất cơ quan chức năng thành phố cũng phát hiện vụ việc hai đơn vị sản suất bánh trung thu không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, qua kiểm tra cơ quan chức năng đã phát hiện Công ty TNHH MTV sản xuất và thương mại Chấn Khang (quận 3) vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm khi đã sử dụng một số chất phụ gia thực phẩm (sodium dehydro acetate; citric acid mono hydrate) không có nhãn mác rõ ràng. Còn tại Công ty TNHH Thực phẩm Tốt Lành (quận Bình Thạnh), đơn vị chuyên nhập khẩu bánh trung thu từ Malaysia thì không thực hiện việc cập nhật kiến thức an toàn thực phẩm cho người lao động trong quá trình kinh doanh.
Theo TS Trần Bích Lam, giảng viên bộ môn Công nghệ thực phẩm, Khoa Kỹ thuật hóa học, Đại học Bách khoa TP HCM: “Hiện nay, vì ham lợi nhuận nên nhiều cơ sở sản xuất bánh trung thu không ngần ngại sử dụng nhiều phụ gia thực phẩm độc hại đã bị cấm trong thực phẩm. Với những loại chất này, người ăn bánh trung thu đặc biệt là trẻ em sẽ có nguy cơ bị hóa chất làm ảnh hưởng đến các cơ quan tiêu hóa, gan, thận”.
Bên cạnh những nguy cơ đến từ nguồn nguyên liệu thì một mối lo lớn khiến người tiêu dùng ái ngại nữa đó là khâu vệ sinh an toàn thực phẩm tại nơi sản xuất của các đơn vị kinh doanh bánh trung thu không đảm bảo. Trên thực tế, những vi phạm về chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm xảy ra với cơ sở sản xuất bánh trung thu là rất hiện hữu. Do đây là mặt hàng có thời gian sử dụng ngắn, tối đa là 60 ngày nên trong quá trình sản xuất đòi hỏi nhà sản xuất phải đảm bảo nghiêm ngặt các quy trình khép kín, sạch sẽ. Nếu chỉ sơ hở một bước thì coi như lô sản phẩm sẽ khó đảm bảo được chất lượng khi đưa ra thị trường. Nếu như ở các thương hiệu lớn, thiết bị máy móc hiện đại là yếu tố đảm bảo cho chất lượng sản phẩm khi ra thị trường thì ở những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, yếu tố này hoàn toàn không có.
Nói như vậy để biết được rằng, trên thị trường nhiều cơ sở sản xuất bánh trung thu dù không có dây chuyền, công nghệ hiện đại nhưng vẫn có thời hạn sử dụng dài, chưa kể việc hạ giá thành sản về còn một nửa như vậy thì làm sao đảm bảo được chất lượng thực của sản phẩm. Có thể thấy rằng, chất lượng và giá cả của mặt hàng bánh trung hiện nay không đi liền với nhau. Người tiêu dùng vẫn sẽ là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất nếu không có lựa chọn thông minh và chính xác.
(Theo Petrotimes)