Rau càng đắt, độc càng tăng?
Do giá rau đắt, người trồng rau trục lợi bằng cách cho rau củ “ngậm” thuốc kích thích tăng trưởng để có nhiều rau bán.
Gần nửa tháng nay thời tiết đã yên bình trở lại nhưng giá rau, củ, quả xanh vẫn ở mức cao ngất ngưởng.
Làm mọi cách cho rau nhanh tốt
Chị Nguyễn Thị Yến (xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội) sau khi cắt hết lứa rau muống đến kỳ thu hoạch, lập tức bón đạm cho phần gốc rau muống còn lại. Chị Yến cho biết: “Năng tưới thì 4-5 ngày nữa tôi có lứa rau mới. Tôi hái thế là còn muộn đấy, có người bón thúc, bón ép những loại thuốc kích thích tăng trưởng chỉ 2-3 ngày là có lứa mới rồi”.
Cạnh ruộng nhà chị Yến, chị Trần Thị Vân (xã Vĩnh Quỳnh), tay đeo găng cao su cũng đang nhanh tay trộn một gói nhỏ vào chậu đựng phân đạm để bón cho mấy luống rau cải ngọt. Chúng tôi hỏi chị trộn gì vào phân đạm vậy, chị ngước mắt lên với điệu bộ cảnh giác xen lẫn sự khó chịu: “Việc các cô, các cô cứ làm đi, cơn cớ gì đến việc của tôi mà hỏi”. Vừa nói, chị Vân vừa nhanh chân đứng dậy, đi về phía bên kia ruộng như để né trả lời các câu hỏi của chúng tôi.
Chúng tôi đem câu hỏi này nhờ một bà ngoài 60 tuổi đang trông cháu ở đầu xã Vĩnh Quỳnh thì được bà cho hay, do bây giờ nhiều loại sâu độc hại phá hoa màu nên một số người trồng rau trộn thuốc chống sâu vào phân đạm để vãi hoặc trộn thêm thuốc kích thích cho rau nhanh tốt.
Khi chúng tôi đến thăm cánh đồng rau thuộc xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm cũng được chứng kiến cảnh một nông dân đang phun thuốc trừ sâu cho rau. Mùi thuốc sâu nồng nặc toả rộng khắp cả cánh đồng. Luống rau cải được phun thuốc đã phát triển cao gần một gang tay, chẳng mấy ngày nữa sẽ đến kỳ thu hoạch. Chưa hết, vòi phun thuốc khá mạnh, thuốc sâu bị bắn sang cả những luống rau đã đến kỳ thu hoạch.
Trò chuyện với một chị làm ruộng gần bên đường, chị này tấm tắc: “Nhà đấy chịu “đầu tư”, đợt này rau đắt trúng đậm đấy, ngày nào cũng có rau mang bán, mỗi ngày thu đến cả triệu đồng tiền rau. Chồng thì ở nhà chăm sóc rau, vợ thì mang ra tận chợ bán”. Tôi thắc mắc, phun thuốc sâu gây độc hại cho rau, chị cười lớn: “Cả tỉ loại sâu nó phá, muốn rau lành, nhanh tốt ai mà chẳng phải phun”.
Cách nào tránh “rau độc”?
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), nếu lựa chọn và chế biến đúng cách, các loại rau củ quả có thể giảm mối nguy hại tới 90%. Thứ nhất là lựa chọn rau, củ, quả ở địa chỉ uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Thứ hai, trước khi sử dụng rửa sạch rau, sử dụng nước muối hoặc ozone để khử trùng, gọt vỏ, loại bỏ những chỗ trầy, xước, kẽ nứt, nẻ, dập, thối… là chỗ vi khuẩn, chất bảo quản dễ xâm nhập. Thứ ba, không nên ăn rau sống vì hiện tại thời tiết vẫn nắng nóng người dân thích ăn sống các loại giá đỗ, rau mầm. Kết quả kiểm nghiệm của Cục Bảo vệ thực vật đã cho thấy, có tới 40% số mẫu giá đỗ, rau mầm chứa vi sinh vật liên quan đến đường ruột như E-coli, Salmonella, Listeria vượt cao hơn mức cho phép.
Theo các bà nội trợ thì nên chọn rau cằn cỗi, quả có sâu để ăn. Nếu cứ chọn những bó rau xanh mướt, quả bóng mượt nhờ chất kích thích tăng trưởng, thuốc trừ sâu độc hại thì độc lắm. Các bà nội trợ còn có rất nhiều chiêu tránh độc từ rau, củ như: Nấu rau bằng hai nồi nước, một nồi sau khi nước sôi thì cho rau vào chần qua rồi vớt ra bỏ sang nồi bên cạnh để nấu luôn. Rau vẫn xanh non và mang lại cảm giác an toàn cho người sử dụng. Cũng theo kinh nghiệm của các bà nội trợ thì sau khi luộc, nấu mà nước rau xanh lè chứng tỏ rau đó tưới rất nhiều đạm, không nên ăn.