Rau rừng về phố: có an toàn?

Nhiều loại rau rừng vốn hoang dại nhưng đang dần trở nên phổ biến trong bếp của nhiều bà nội trợ, nên khi về tới TP. Hồ Chí Minh, có giá đến 50.000 - 60.000đ/kg.

Nhiều loại rau rừng vốn hoang dại nhưng đang dần trở nên phổ biến trong bếp của nhiều bà nội trợ, nên khi về tới TP. Hồ Chí Minh, có giá đến 50.000 - 60.000đ/kg.

Rau rừng vào bếp

Theo chị Hương, một bà nội trợ ở Q.3, chị có người đồng nghiệp quê ở Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) lấy được nguồn rau rừng từ người dân địa phương nên chị hay đặt mua từ 3-5kg/tuần để ăn dần. Các loại chủ yếu là khổ qua (bao gồm trái và đọt), rau chùm ngây, măng… dùng chế biến thành nhiều món (luộc, xào, nhúng lẩu…) như rau thường. Chị Hương cho biết, rau rừng ban đầu khó ăn nhưng ăn quen rồi sẽ thấy đậm đà hơn hẳn các loại rau trồng phổ biến.

Khảo sát tại các chợ, cửa hàng rau tại TP.HCM, các loại rau rừng có nguồn gốc từ Tây Ninh được bán khá phổ biến. Có nhiều cửa hàng chuyên bán đồ đặc sản Tây Ninh ở ngã ba Nguyễn Văn Lạc, Ngô Tất Tố (Q.Bình Thạnh), chợ Bến Thành (Q.1), chợ Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình)… Tuy nhiên, những điểm bán này chỉ bán các loại như: lá săng mào, lá bứa, lá tràm ổi, cần nước, lá mặt trăng, lá săng dẻ, quế vị… dùng ăn kèm trong các món gỏi, món cuốn. Những loại rau rừng thực sự lấy từ các tỉnh Tây Nguyên chỉ thấy được bán ở rất ít các cửa hàng rau hay các mối chào bán trên mạng. Tại cửa hàng trên đường Ngô Tất Tố (Q.Bình Thạnh), rau rừng được bán hàng ngày nhưng thường sau 10g sáng mới có rau từ Tây Ninh đưa về, giá trung bình 35.000 - 45.000đ/kg. Chủ cửa hàng cho biết, dù có sáu, bảy loại mỗi ngày nhưng nhập về đến đâu bán hết đến đó. Cửa hàng này mỗi ngày bán tại chỗ 30kg, chưa kể phân phối cho các mối quen khác.

rau-rừng, thực-phẩm, chợ-rau, an-toàn-thực-phẩm, người-tiêu-dùng, mua-sắm, chợ
Một điểm bán rau rừng trên đường Ngô Tất Tố, Q.Bình Thạnh

Chị Phạm Phương Thảo, chủ cửa hàng Organica, chuyên về thực phẩm hữu cơ, số 130 Nguyễn Đình Chiểu, Q.1 cho biết, rau rừng tại cửa hàng chủ yếu là từ Đăk Nông, Lâm Đồng…, dù chỉ có hai ba loại, có loại đã được người dân trồng thuần như rau nhà nhưng cũng được người mua ưa dùng. Nguồn cung sản phẩm này chỉ dồi dào trong mùa mưa, những tháng cuối năm thì khan hiếm. Nhu cầu rau rừng tăng cao đến mức đại diện một công ty chuyên cung cấp rau rừng từng cho biết, lượng bán ra tăng 15-20 lần so với trước đây. Công ty có hẳn trang trại, mỗi ngày bán ra cả trăm ký. Một công ty khác còn gieo trồng được 10 loại rau chuyên mọc ở vùng núi cao, phân phối cho siêu thị và bán qua mạng.

Nhiều rủi ro tiềm ẩn

Theo Thạc sĩ Lương Văn Dũng, Phó trưởng khoa Sinh học, Trường ĐH Đà Lạt, tác giả của đề tài khoa học Nghiên cứu tuyển chọn và xây dựng các mô hình trồng một số loài rau rừng có giá trị ở Lâm Đồng, hiện có trên 120 loại rau rừng có thể dùng làm thực phẩm, trong đó có khoảng chục loại được người dân sử dụng làm món ăn từ nhiều đời nay như: bép, lỗ bình, lạc tiên, dớn, ráy thon, sâm đu đủ, cần dại, dưa núi, sơn địch… Có những loại như rau bép hàm lượng dinh dưỡng cao hơn cả những loại rau trồng thông thường.

Rau rừng hiện có hai loại. Rau trồng gồm quế vị, lá cóc, lá nhái nước… Rau hái lượm (gọi là rau xông) có lá lụa, đọt vừng, lá bứa, lá trâm rừng, lá cách... Theo một số đầu mối bán rau rừng tại TP. Hồ Chí Minh, việc phân biệt rau trồng hay rau thu hái trong tự nhiên là rất khó, nhiều người thừa nhận chỉ bán theo cách gọi của người cung cấp.

Dù thừa nhận đa phần các loại rau rừng thu hái tự nhiên sử dụng an toàn hơn hẳn rau trồng vì không có yếu tố hóa chất, bảo quản… nhưng Thạc sĩ Dũng cho rằng, rau rừng vẫn chưa đi vào kinh doanh thương mại thực sự nên chưa có những cơ chế quản lý chặt chẽ. Trên thị trường, nếu các loại rau này được đưa vào hệ thống phân phối uy tín, có giấy phép thì sẽ được kiểm tra, giám sát. Nhưng, nếu buôn bán qua tay cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Do là loài cây dại trong tự nhiên, nhiều loại rau rừng ăn được trông rất giống với những loại rau hoang dại có độc tố, lại mọc gần nhau. Chẳng hạn loại rau bép (hay còn gọi là rau nhíp) có hai dạng, một là dạng cây nhỏ ăn được và dạng cây không ăn được vì có thể gây ngộ độc. Hai loại này giống về hình dạng lá, màu sắc, lại mọc gần nhau nên rất dễ nhầm lẫn.

Thạc sĩ Dũng còn lo ngại, lá ngón - một loại lá có độc tính cao ở Tây Nguyên có thể xuất hiện trong vùng thu hái rau rừng, nếu sơ ý hái nhầm thì chỉ vài lá thôi cũng đủ gây nguy hiểm cho tính mạng người sử dụng.

Theo PNO



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.