Rượu vang từ hóa chất, nước ngọt 1.400 đồng/chai

Rượu vang làm từ hóa chất pha nước lã, nước giải khát giá chỉ hơn 1.000 đồng/chai được sản xuất và đóng chai tại một cơ sở ở thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc).

Rượu vang làm từ hóa chất pha nước lã, nước giải khát giá chỉ hơn 1.000 đồng/chai được sản xuất và đóng chai tại một cơ sở ở thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc).

Những vỏ chai thủy tinh được đổ hóa chất màu đỏ để làm rượu vang.

Nước ngọt 1.400 đồng/chai

Đồng điệu với khung cảnh người, xe qua lại như mắc cửi dưới lòng đường, hoạt động kinh doanh tại tổng đại lý bánh, kẹo, nước giải khát Tuấn Yến ở đầu Phố Mới, thị trấn Thổ Tang vào dịp sát Tết náo nhiệt không kém. Thấy người lạ hỏi mua về rượu, nước giải khát siêu rẻ, bà chủ lắc đầu bảo: “Ở đây là đại lý uy tín, hàng lởm không lọt vào được”.

Chỉ tới khi PV giới thiệu là dân “đánh hàng” lên miền núi tiêu thụ, người này mới chịu chào hàng. Sản phẩm được chủ đại lý giới thiệu là chai nước ngọt có ga màu đỏ tên “Soft Drink” hương vị dâu, dung tích 400 ml. Trên nhãn mác ghi sản phẩm “được sản xuất và đóng chai tại cơ sở rượu và nước giải khát Anh Đô, địa chỉ thị trấn Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) do Sở Y tế Vĩnh Phúc cấp số 01/2007/ATTP-CN”.

Để người tiêu dùng thêm tin tưởng, trên thùng bìa cacton còn in dòng chữ: “Nhãn hiệu đã đăng ký công nghệ Hà Nội”. Thế nhưng, báo giá chỉ 34.000 đồng/thùng 24 chai (tức trên 1.400 đồng/chai), rẻ chỉ bằng nửa ly trà đá bán ở vỉa hè. 

Rượu vang từ hóa chất, nước ngọt 1.400 đồng/chai
Chai nước giải khát này giá chỉ 1.400 đồng.

Bà chủ đại lý Tuấn Yến, đồng thời là chủ cơ sở sản xuất rượu, nước giải khát Anh Đô, cho chúng tôi tham quan trực tiếp khu xưởng của gia đình mình. Sau cánh cửa sắt luôn được đóng kín như bưng (trừ khi có khách đưa xe “ăn hàng”), hàng đống vỏ chai nhựa đủ kích cỡ, kiểu dáng đang chờ một người phụ nữ nhúng vào bể nước để khử mùi. Nền nhà ngổn ngang những hộp bìa và bao tải đường trắng, phẩm màu. Không gian chật chội, nhà vệ sinh cũng trở thành nơi pha chế. Thùng phuy màu xanh dung tích 200 lít chất đầy dung dịch màu cam, chỉ được che đậy bằng một tấm nilon.

Sau khi hòa tan những thành phần hóa chất vào nước hút lên từ giếng, công đoạn đóng chai, dán nhãn mác thủ công cũng được thực hiện tại chỗ. Một lao động nữ ở đây cho biết, xưởng rượu, nước giải khát Anh Đô đã hoạt động được khoảng 5 năm nên tiếng tăm đã vượt đồng bằng, băng rừng núi lên mãi tận Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai… Nhờ nắm trong tay bí quyết pha chế nước uống và rượu siêu rẻ, mẫu mã đẹp, bà chủ xưởng khẳng định: “Cả tỉnh Vĩnh Phúc chỉ có nước ngọt nhà này là rẻ nhất”.

Có lẽ, vì đã quá quen với những đơn đặt hàng số lượng lên tới hàng ngàn chai nước ngọt mỗi ngày, nên khi nghe PV nói chỉ nhập 20 thùng nước giải khát, bà chủ này chê ít. “Bình thường khách về đây toàn chở cả xe tải to thôi. Nhà Sơn Huyền ở Bắc Quang (Hà Giang) đấy. Lần sau phải mua thêm bánh kẹo nữa, nếu không tôi không bán đâu”.

Tưởng chúng tôi là “mối quen” với cơ sở sản xuất nước giải khát Tr.T. ở La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội) và thường xuyên đưa hàng lên huyện Bát Xát (Lào Cai) bán, bà chủ xưởng thẳng thừng: “Lạ gì Tr.T. nữa, nhưng mà hàng ở đấy lởm khởm lắm, còn lâu mới được như này. Nếu bán ở Bát Xát thì chỉ nên nhập 'hàng đỏ' (nước uống có ga màu đỏ hương vị dâu) và 'hàng cam' (nước cam giá 31.000 đồng/thùng). Còn hàng tăng lực rất khó bán".

Nước độc hại chẳng chừa một ai

“Chắc chỉ người vùng cao ít tiền mới uống chứ người thành thị ai uống loại này?”, tôi hỏi. Bà chủ trả lời: “Người ta mua tất, ra hội nghị uống hết, trẻ con uống tất chẳng việc gì”.

Ngoài sản phẩm nước ngọt hương vị cam và dâu, tại kho xưởng này còn hiện diện hàng ngàn chai nước tăng lực dung tích một lít, nước màu vàng, nhãn mác in hình hai con tê giác húc nhau. Nước trong chai có màu vàng chanh, giống hệt màu nước của chai nước tăng lực RedBull. Theo chủ hàng báo giá, loại nước tăng lực này chỉ 2.500 đồng/chai.

Nơi sản xuất rượu của cơ sở Anh Đô nằm ở một gian nhà biệt lập. Những vỏ chai thủy tinh dưới đáy đã được đúc sẵn một thứ bột hóa chất màu đỏ. Cạnh đó là những thùng rượu vang Anh Đào thành phẩm được dán tem, nhãn đầy đủ, xa hơn là những chồng rượu Nếp Mới, vang nổ.

Rượu vang từ hóa chất, nước ngọt 1.400 đồng/chai
Những vỏ chai thủy tinh được đổ hóa chất màu đỏ để làm rượu vang.

Thực tế, chuyện sản xuất nước uống có ga giá chỉ hơn 1.000 đồng/chai không phải là hi hữu. Công an Hà Nội cũng đã phát hiện công ty TNHH chế biến thực phẩm Thanh Mai (xóm Tiền Phong, xã La Phù, huyện Hoài Đức) chuyên chế biến, sản xuất nước ngọt, rượu các loại có biểu hiện vi phạm tương tự.

Chủ doanh nghiệp thừa nhận số nước ngọt có ga này sản xuất từ nước giếng khoan, hòa với đường Trung Quốc, hương liệu tạo mùi các loại (cam, chanh, cola). Trung bình, cứ 100ml nước cốt đã qua pha chế, hòa với nước giếng khoan, sục qua khí CO2 sẽ cho một chai nước ngọt loại 1,5 lít. Các sản phẩm này sau đó được dán tem nhãn, đóng gói na ná với kiểu dáng các sản phẩm mang thương hiệu, song bán ra thị trường với giá chỉ 1.100 đồng. Với “công nghệ” sản xuất thủ công, trung bình mỗi ngày doanh nghiệp này cho “ra lò” 150 lít nước ngọt, tương đương 100 chai loại 1,5 lít.

Rượu “đóng toàn tạp chất”

Rời cơ sở sản xuất rượu, nước ngọt Anh Đô, chúng tôi tấp vào đại lý bánh kẹo Liên Cẩn. Một chai Mirinda 1,5 lít chỉ 5.000 đồng. Loại chai nhỏ chỉ có mười mấy nghìn/thùng.Tại đây, một thùng “Rượu Nếp Hải Hà – Hà Nội” đóng trong các chai nhựa giá 165.000 đồng/thùng 15 chai (tương ứng giá 11.000 đồng/chai); vang nho 131.000 đồng/thùng 12 chai (tức 10.900 đồng/chai).

Ngay cả bánh kẹo cũng được sản xuất nhái tại khu vực này với giá chỉ bằng 5% so với hàng thật. Một hộp bánh Danisa trọng lượng 908g chính hãng trên thị trường có giá 247.500 đồng, tuy nhiên, hộp bánh nhái giống đến 90% có tên gần giống là “Daimisa” ở đại lý này chỉ có giá 15.000 đồng.

Theo Nông nghiệp Việt Nam



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.