Các loại mứt nhìn trông bắt mắt nhưng nguyên liệu lại siêu bẩn, ngâm hóa chất, làm bằng tay trần bên ngoài lề đường bụi bặm.
Đến hẹn lại lên, thời điểm này thị trường bánh kẹo, mứt phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán hoạt động mạnh, lượng hàng bán ra nhiều, sức mua lớn. Thế nhưng đằng sau mỗi "sản phẩm" bán cho người tiêu dùng là vấn đề đáng suy ngẫm.
Mứt dừa ngâm chất tẩy
Khi nhắc đến sản xuất mứt Tết, người dân TP.HCM thường nghĩ ngay đến một số địa điểm lâu đời chuyên về sản xuất mứt như đường Xóm Đất, Thái Phiên (Q.11), khu Cư xá Đường Sắt (Q.3), Tỉnh Lộ 10 (Q.Bình Tân), v.v.. những nơi này vẫn giữ cách sản xuất thủ công, những ai chứng kiến không khỏi rùng mình, sởn gai ốc.
Trên đường Xóm Đất và Thái Phiên (Q.11), có khoảng 5 cơ sở lớn hoạt động sản xuất công khai trước cửa mặt tiền nhà, nhiều người qua lại.
Nam thanh niên dùng vợt lấy dừa ngâm hóa chất tẩy trắng từ thùng ra ngoài chiếc rọ khác. |
Dừa trái sau khi được thu nạp "thập cẩm" tại các chợ đầu mối, các nơi nhỏ lẻ về bóc tách vỏ và lấy cơm dừa. tiếp đó, dừa bỏ vào bên trong những thùng phi xanh được chứa một loại nước “đặc biệt” có khả năng tẩy trắng.
Đây là giai đoạn “tẩy” nên cơm dừa được ngâm lâu có khi cả ngày liền. Để đánh tan vết bẩn và làm mềm dừa, một thanh niên dùng cây tre dài đảo qua lại dừa trong thùng phi nhiều lần. Nước sau khi ngâm xong được thải trực tiếp lênh láng ngay ống cống trước nhà với màu trắng bệch, đặc quánh, kèm mùi khó chịu, khi ngửi cảm giác buồn nôn.
Có khoảng 7 lao động, tay cầm miếng dừa múc đổ vào máy bào, máy cắt. Lúc ngứa thì dùng tay gãi đầu, mồ hôi nhễ nhại thì dùng tay quệt trán. Điều đáng nói, máy móc sản xuất thì gỉ sét, thô sơ, người làm thì không găng tay, không bảo hộ lao động.
Sau đó, các loạn dừa được chuyển đến khâu sấy khô, keo đường, nhuộm phẩm màu, chất bảo quản... để ra sản phẩm bắt mắt, giữ lâu.
Thùng phi lớn chứa một loại hóa chất nhằm tẩy trắng và làm mềm cơm dừa trong thời gian nhanh nhất. |
Người sản xuất không dám ăn đồ mình làm
Trong khi các cơ sở sản xuất mứt trên địa bàn Q.11 có phần lộ thiên thì những lò mứt tại Cư xá Đường Sắt (đường Lý Thái Tổ - Nguyễn Đình Chiểu thuộc Q.3) kín đáo hơn.
Việc tiếp cận các cơ sở sản xuất mứt tại Khu Cư xá Đường Sắt rất khó khăn, bởi nơi đây thường cửa đóng then cài, chỉ cho người quen biết vào mua hàng.
Video: "Sản xuất" mứt Tết tại quán cà phê đầu hẻm Lý Thái Tổ (Q.10 - Q.3)
Sau quá trình dò, chúng tôi tiếp cận một người phụ nữ tên N. khoảng 45 tuổi tay trần đang thoăn thoắt bốc từng nhúm chất gì sệt sệt quệt vào bao ni-long trắng đục rồi bao lại. Hỏi ra mới biết, đó là mứt mãng cầu dùng bán Tết Nguyên đán Ất Mùi sắp tới.
Nguyên liệu mứt được múc đựng vào một khay nhựa không đậy kín, phơi lồ lộ giữa đường. Chốc chốc chị N. lấy tay quệt mũi, gãi ngứa chân. Vừa quấn xong vài cái mứt, chị với tay cầm điếu thuốc lá rít vài hơi rồi làm tiếp.
Chị N. là chủ quán nước, trong lúc rảnh rỗi nhận làm thêm cho một lò mứt lớn trong hẻm. Hiện nay, mỗi ngày chị quấn hàng chục kg mứt, giúp chị thu nhập từ 130.000-150.000 đồng tiền công/ngày.
Dùng tay trần bốc mứt mãng cầu bỏ vào bao nhựa gói lại. |
Chị N. cho biết, từ lâu khu Cư xá Đường Sắt được xem là "thủ phủ" của các loại mứt, có rất nhiều hãng xưởng, cơ sở lớn nhỏ làm mứt có trên 40 năm. Tuy nhiên, theo thời gian, hiện tại chỉ còn 2 cơ sở lớn sản xuất mứt quanh năm, suốt tháng, còn lại một số hộ gia đình chỉ làm mứt thời vụ, nhất là dịp lễ, Tết.
Nơi đây, chủ yếu làm các loại mứt mãng cầu, me. Nguyên vật liệu nhập chính từ các tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ và một số nơi trong nước.
Khi chúng tôi mong muốn được vào lò mứt để xem hàng thế nào để mua với số lượng lớn, chị N. "úp mở" cho biết: "Việc sản xuất là nơi khác, còn nơi này chỉ làm nơi chứa hàng và giao hàng. Chỉ có người quen mới được vào, còn người lạ thì không được".
Mỗi ký mứt mãng cầu làm "thủ công" có giá lên đến hàng trăm ngàn đồng. |
Thấy tôi có vẻ muốn mua mứt Tết, chị N. bảo tôi đưa tiền chị mua dùm cho. Chị đi trước, tôi theo sau, đi chừng 50m chị gõ cửa một căn nhà cấp 4 rồi đóng cửa cài then chốt lại, tôi đứng ngoài chờ đợi. Lát sau chị mang ra cho tôi các bịch mứt mãng cầu và mứt me với giá 150.000 đồng/1kg.
Chị N. không quên "tiết lộ" nếu mua mứt sấy thì có chất lượng ngon, mặc dù nhìn miếng mứt có vẻ hơi đen, không bắt mắt. Ngược lại, các loại mứt có màu trắng là có sử dụng hóa chất tẩy trắng, và có giá rẻ hơn mức màu đen ít nhất từ 40.000 đồng/kg.
Theo tìm hiểu PV hầu như các sản phẩm mứt đều có sử dụng hóa chất bảo quản nhằm làm cho miếng mứt để lâu mà không bị hư, thối. Ngoài ra, mứt được tẩm các chất khác giúp người ăn vào cảm thấy thơm, ngon hơn.
Sau giai đoạn làm mứt bằng tay, các kiện hàng được đóng gói xuất đi bán tại các chợ đầu mối, nhiều tỉnh thành cả nước. |
Tôi đặt vấn đề: "Có bao giờ chị và người thân trong gia đình ăn mứt do chính tay mình làm không?". Chị N. nói thẳng: "Làm thì làm, bán cho người khác, chứ chúng tôi chẳng bao giờ dám ăn".
"Lý do vì sao?" - tôi hỏi. Chị N. nhoẻn miệng cười xòa cho qua chuyện.
Qua quan sát, có không ít cơ sở mứt thuê người chở hàng đóng thùng bỏ mối các chợ và bán đi các tỉnh thành trong cả nước. Với những hãng xưởng lớn, xuất bán hàng tấn mứt mỗi ngày. Việc gán nhãn mác, logo vào sản phẩm, quầy bán nào thích hiệu gì thì đưa hình cho chị N. dán "made in" vào, tùy thích.
Theo VTC News