Sau quyết định điều chỉnh tỉ giá thêm 1% của Ngân hàng Nhà nước vào cuối tháng 6, tỉ giá đã có biến động tương tự như những lần điều chỉnh trước. Đó là những dấu hiệu căng thẳng ngoại tệ dẫn tới tỉ giá liên ngân hàng tăng kịch trần và tỉ giá thị trường tự do tăng mạnh.
Theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, tỉ giá bình quân liên ngân hàng từ 20.828 đồng/USD tăng lên 21.036 đồng/USD. Với biên độ +/- 1%, các Ngân hàng thương mại có thể giao dịch kịch trần 21.246 đồng/USD.
Đã
có những dấu hiệu căng thẳng ngoại tệ dẫn tới tỉ giá liên ngân hàng
tăng kịch trần và tỉ giá thị trường tự do tăng mạnh sau khi NHNN điều
chỉnh tỉ giá thêm 1%. |
Trên thị trường tự do, tỉ giá tăng mạnh đặc biệt là 3 ngày cuối tuần. Tỉ giá trên thị trường tự do ngày 1 – 3/7 giao dịch quanh ngưỡng 21.380 – 21.450 đồng/USD. Sang chiều ngày 4.7, tỉ giá vọt lên, vượt qua mốc 21.600 đồng và chốt tuần mua vào – bán ra ở mức 21.640 – 21.720 đồng/USD.
Có nhiều lý do khiến cho tỉ giá trở nên nóng như vậy. Trước hết, căng thẳng tỉ giá đã xuất hiện từ tháng 5 và duy trì trong cả tháng 6. Nếu như để ổn định thị trường ngoại hối trong tháng 5, ước tính Ngân hàng Nhà nước đã phải bán ra 1 tỉ USD thì sang tháng 6 biện pháp can thiệp của cơ quan quản lý là quyết định điều chỉnh tỉ giá giao dịch liên ngân hàng.
Trong hoàn cảnh hiện tại, tâm lý lo ngại đã được củng cố bởi những yếu tố kinh tế vĩ mô khác. Thứ nhất, tỉ giá chịu tác động từ những biến động trên thị trường lãi suất.
Trước khi điều chỉnh tỉ giá, Ngân hàng Nhà nước ra quyết định hạ trần lãi suất huy động với kỳ hạn dưới 6 tháng còn 7%/năm và lãi suất huy động USD cá nhân xuống 1,25%/năm. Kết quả kéo lãi suất liên ngân hàng VND giảm theo, còn lãi suất liên ngân hàng USD không biến động do quy định hạn chế giao dịch USD. Chênh lệch lãi suất giữa VND và USD giảm, tạo sức hấp dẫn cho tổ chức tín dụng mua vào USD bù đắp trạng thái ngoại tệ và kinh doanh tăng cầu ngoại tệ.
Câu hỏi đặt ra, con sóng tỉ giá sẽ nổi đến bao lâu? Chắc hẳn Ngân hàng Nhà nước đã có dự đoán về biến động của thị trường ngoại hối và ngay trong thông cáo phát đi khi điều chỉnh tỉ giá cơ quan này đã cảnh báo “sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để ổn định tỉ giá”.
Thứ hai, tháng 6 tiếp tục là tháng nhập siêu mặc dù giá trị nhập siêu chỉ 200 triệu USD. Tính chung 6 tháng đầu năm nhập siêu 1,9 tỉ USD bằng 3% kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu. Thâm hụt thương mại gây sức ép tương đối lên tỉ giá. Mặc dù được hỗ trợ từ FDI, FII hay ODA nhưng thị trường vẫn phản ứng tiêu cực trước thông tin này.
Sự tăng giá của đồng USD còn đến từ thị trường quốc tế. Tuần qua theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Hoa Kỳ, tháng 6 đã có 195.000 việc làm mới được tạo ra, vượt dự báo 165.000 – 170.000 trước đó. Đây là nguyên nhân khiến đồng USD tăng giá trở lại so với hầu hết các đồng tiền khác, trực tiếp kéo giá vàng xuống còn 1.223USD/ounce chốt phiên cuối tuần.
Tỉ giá tăng còn phản ánh lòng tin của người dân. Dù theo đánh giá của cơ quan quản lý tình hình kinh tế đang chuyển biến tích cực nhưng cảm nhận của người dân với thay đổi đó chưa rõ ràng. Thông tin về gói hỗ trợ kinh tế như gói cho vay mua nhà 30 ngàn tỉ hay chương trình xử lý nợ xấu của VAMC đều chưa đạt kỳ vọng. Trước hiện trạng kinh tế chưa khả quan thì tâm lý găm giữ USD khá cao, tăng sức ép lên tỉ giá.
Không chỉ có vậy. Nếu nhu cầu găm giữ ngoại tệ là 1 thì nhu cầu vàng trong dân thậm chí còn lớn gấp 2-3 lần. Với khối lượng vàng bình ổn thị trường thông qua đấu thầu, hơn 40 tấn, Ngân hàng Nhà nước đã phải chi ra hơn 2 tỉ USD để nhập khẩu. Cầu về ngoại tệ không giảm, thậm chí còn tăng trong khi cung ngoại tệ từ các nguồn như FDI, FII, ODA duy trì bình thường khiến xu hướng tăng tỉ giá được củng cố.
Về dài hạn, Ngân hàng Nhà nước phải đảm bảo cân bằng cung cầu bao gồm tăng cung và giảm cầu ngoại tệ trên thị trường.
Để có thể điều tiết tỉ giá, có lẽ trước mắt Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung giải tỏa cơn khát trên thị trường vàng. Ổn định thị trường vàng là điều kiện quan trọng để ổn định tỉ giá. Với những diễn biến của các phiên đấu giá vừa qua, sức cầu vàng của người dân rất cao. Như nhiều chuyên gia đã dự báo, có thể sẽ mất 1-2 tháng để thị trường vàng vào quỹ đạo như Ngân hàng Nhà nước mong muốn.
Tuy nhiên, nếu tỉ giá biến động tiêu cực, hiện tượng giao dịch vượt trần tiếp tục phổ biến đe dọa tới ổn định chính sách vĩ mô thì Ngân hàng Nhà nước chắc chắn sẽ phải can thiệp, ví dụ bán USD như hồi tháng 5. Với dự trữ ngoại hối hiện nay, Ngân hàng Nhà nước có điều kiện để thực hiện việc này.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng có thể ép không cho các Ngân hàng thương mại găm giữ ngoại tệ bằng cách siết trạng thái ngoại hối như đã từng làm. Trạng thái ngoại hối của Ngân hàng thương mại đã điều chỉnh từ +/- 30% xuống còn +/- 20% như hiện nay.
Theo một số chuyên gia, nếu Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ thái độ quan sát thì chắc chắn tỉ giá sẽ còn căng thẳng kéo dài, ít nhất đến hết tháng 7/2013.
Theo Thanh Sơn/Lao Động