Sự thật về hoang tin thức ăn vỉa hè phố cổ có chất gây nghiện

Cách đây ít lâu, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đã đưa ra thống kê “chỉ mặt đặt tên” những món ăn hè phố

Cách đây ít lâu, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đã đưa ra thống kê “chỉ mặt đặt tên” những món ăn hè phố, giò chả, nem chua có tới 88% đều chứa vi khuẩn gây bệnh đường ruột do sử dụng nguyên liệu bẩn, chế biến và bảo quản không hợp vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).

Thế nhưng, khi những con số biết nói ấy vừa được công bố thì dư luận lại giật mình thảng thốt trước những thông tin gây sốc được lan truyền trên mạng - thức ăn đường phố có chất gây nghiện? Vậy, sự thật sau thông tin chấn động này là gì?

Thịt xiên nướng thơm phức nhờ... hoa anh túc?

Từ những thông tin nghi vấn thức ăn đường phố có chứa chất gây nghiện, PV đã liên tưởng đến những tiết lộ rùng rợn của một đầu nậu tên P. (TP.Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) về đường đi của gia vị, “hương liệu Tàu” từ vùng biên đến các nhà hàng, quán ăn của Hà Nội. Đầu nậu P. đã “bật mí”, hầu hết các quán giải khát cho đến các quán nướng vỉa hè ở phố thị đều nhập hương liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ về pha chế.

thức ăn, đường phố, gây nghiện, giò chả, nem chua, hàng quán, quán ăn, thức-ăn, đường-phố, gây-nghiện, giò-chả, nem-chua, hàng-quán, quán-ăn

Nem chua rán, xúc xích... được bán phổ biến trên các vỉa hè địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Đầu nậu P. thẳng thắn: "Tôi không trực tiếp được chứng kiến quy trình chế biến "hương liệu Tàu" nhưng chắc chắn nó có bột hoa anh túc, bột thân cây anh túc, bột cần sa trộn lẫn vào. Tất nhiên, loại bột này chiếm tỷ lệ rất thấp. Điều đó lý giải, vì sao loại "hương liệu Tàu" không nguồn gốc này lại bán chạy...".

Theo tiết lộ của P., gia vị dùng nướng thịt, tẩm nem chua có chất của cây anh túc. Chỉ cần cho một chút "hương liệu Tàu" này sẽ khiến thịt xiên nướng, nem chua rán dậy mùi thơm phức.

Để tìm hiểu rõ chân tướng, PV đã khảo sát các tụ điểm ăn uống của giới trẻ trên địa bàn Hà Nội như: Phố Nhà thờ, Ngã Tư Sở, Nguyễn Khang - Láng.

Tại các quán vỉa hè trên đường Láng - Nguyễn Khang nườm nượp khách. Dễ dàng nhận thấy một điều ở những quán nem chua rán vỉa hè là đa phần nem được tẩm bột rán sơ qua, lúc có khách, người bán sẽ rán lại cho nóng. Họ đã “khoác” cho miếng nem một lớp bột vàng bắt mắt để che đi màu sắc cũ của chúng.

Người ăn lúc này chỉ để ý đến vẻ bề ngoài vàng ươm hấp dẫn mà không thể đoán biết được màu sắc thực hay liệu những chiếc nem này có được để từ ngày này sang ngày khác hay không?

Không những thế, người bán “ngâm” nem chua, xúc xích... trong chảo dầu ngả màu đen vàng đã qua sử dụng không biết bao nhiêu lần. Bột dùng để tẩm qua nem trước khi rán cũng được người bán khẳng định chắc chắn: “Bột sạch” chứ không phải bột hương liệu?!

Cũng theo tìm hiểu của PV, chỉ có số ít nơi tự làm nem chua còn phần đông đều đặt mua từ những nơi chuyên cung cấp nem “nguyên thủy” số lượng lớn. Bởi thế mà giá cả từng nơi cũng khác nhau.

Trong vai một khách hàng muốn mua nem với số lượng lớn để mở hàng vỉa hè, PV đã “mục sở thị” một số hàng nem chua rán trên đường Láng, quận Cầu Giấy (Hà Nội). Tại đây, PV được một chị tên Hương cho biết: “Chị mua nem chua, xúc xích từ một người chuyên bỏ mối. Nếu em muốn mua thì có thể liên hệ với người này để lấy hàng bán, 90.000 đồng/kg nem”. Tuy nhiên, khi được hỏi nguồn gốc nem đảm bảo không, chị này có vẻ ngập ngừng...

Tìm hiểu tại một quán vỉa hè khác trên đường cầu Cót (quận Cầu Giấy, Hà Nội), chúng tôi được chủ quán ở đây tư vấn nhiệt tình về việc nhập nem để bán, vì là “của nhà làm được”, “đảm bảo chất lượng” và giá cả cũng tương ứng 200.000đồng/50 chiếc tức 4.000 đồng/chiếc chưa tẩm bột còn muốn tẩm bột sẵn để chiên thì phải thêm tiền, còn xúc xích mua 100.000 đồng/kg/22 cái loại to. Chị này cho hay, nếu mua nhiều sẽ tặng thêm “bí quyết” tẩm nem, thịt xiên, xúc xích thơm phức!

Ngoài những địa điểm nhỏ lẻ, nhiều nơi trên địa bàn TP.Hà Nội cũng chuyên cung cấp nem chua với số lượng từ ít cho đến rất lớn. Theo anh Nguyễn Văn B. (SN 1992) đã từng kinh qua các kiểu kinh doanh “mùa vụ” với trà chanh, mía đá, thịt xiên nướng, nem chua rán cho biết: “Đối với dân chuyên bán nem chua rán ở Hà Nội thì quán nem chua rán nằm trên đường Trần Xuân Soạn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là nơi bán sỉ uy tín và có nhiều khách hàng nhất. Có lẽ bởi nem ở đây vừa ngon lại vừa khá rẻ, chỉ 2.000-2.500 đồng/chiếc”.

Ăn nem siêu rẻ, nhập viện... bất ngờ!

Theo PGS.TS Phan Thị Sửu – hội Khoa học kỹ thuật ATTP, bì và thịt lợn là thành phần chính của món nem chua rán. Nói là nem chua rán nhưng hầu hết khi ăn nem, chúng ta đều không cảm nhận được chất men chứa trong món nem này. Không có một cơ sở nào để chúng ta có thể đảm bảo rằng, nem đã được lên men đạt tiêu chuẩn, các chất phụ gia giúp làm ngon miệng ra sao? Và để trá hình, tạo màu cho nem chua, người ta thường tẩm bột chiên giòn, chiên xù để che giấu màu sắc thật của chiếc nem.

Trên thực tế, đã có không ít trường hợp phải nhập viện vì “nghiện” thức ăn đường phố. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu thuộc bộ môn Công nghệ Thực phẩm, viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã đưa ra bằng chứng khẳng định, trong nem chua tồn tại các loại vi khuẩn gây thối rữa, vi khuẩn gây bệnh và các ký sinh trùng như giun sán.

Trước sự việc bày bán lan tràn các món ăn vỉa hè như nem chua rán, xúc xích, trà chanh, trà sữa, sữa chua mít với giá cực kỳ rẻ thì có một thông tin cho rằng để tránh lỗ vốn bởi giá nhập nguyên liệu rất cao nên đa phần các hàng quán bán các món này đều nhập hương liệu có xuất xứ từ Trung Quốc nghi là có chứa bột hoa anh túc. Loại bột này được trộn vào cùng hương liệu với liều lượng cực kỳ nhỏ nhưng đủ để gây nghiện món ăn có “hương liệu Tàu”.

Nhận định về thông tin trên, bà Lê Thị Hồng Hảo, Phó Viện trưởng viện Kiểm nghiệm ATTP Quốc gia (bộ Y tế) khẳng định: “Hiện tại tôi vẫn chưa nhận được những bằng chứng xác thực về việc các hàng quán vỉa hè sử dụng hương liệu Trung Quốc có chứa bột hoa anh túc”.

Chia sẻ với PV, một chuyên gia dinh dưỡng cho biết, ở nước ngoài, xúc xích được xếp vào 4 loại thực phẩm hại hơn cả... thuốc độc. Theo một nghiên cứu gần đây về thực phẩm và tình trạng “nghiện thức ăn” do tạp chí Time (của Anh) đưa tin, điều tồi tệ nhất chính là việc các thực phẩm chế biến sẵn có hàm lượng muối, đường cao thậm chí còn gây hại cho sức khoẻ hơn cả hút thuốc lá. Trẻ em “nghiện” những món ăn này nguy hại và đe doạ trực tiếp đến sức khoẻ.

Ở nước ngoài, những thực phẩm này được một số người gọi là "rác". Các loại thịt chế biến kiểu xúc xích, thịt xông khói có chứa một thành phần gây ung thư được gọi là tiền thân của natri-nitrit.

Trước thông tin thức ăn đường phố có chất gây nghiện, trao đổi với PV, TS.Nguyễn Thị Lâm - viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng: “Chưa có kiểm nghiệm cụ thể nên chưa thể khẳng định được thành phần độc hại, chất gây nghiện có trong nem chua, xúc xích như thế nào và có hay không. Tuy nhiên, thức ăn đường phố hiện nay rất độc hại”.

Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức, ĐH Y dược TP.HCM, thức ăn đường phố thường không đảm bảo vệ sinh nên dễ gây ra các bệnh nhiễm trùng dạ dày ruột cấp do ăn, uống phải các loại thực phẩm bị nhiễm mầm bệnh Campylobacter, Samonella, E.Coli, Calcivirus, phẩy khuẩn tả hoặc bị nhiễm độc tố của vi khuẩn tụ cầu vàng, Clostridium botulinum.

Ngoài ra, nguy cơ nhiễm độc thức ăn cũng cao, nhất là nhiễm các độc tố có sẵn trong thực phẩm hoặc nhiễm các hóa chất độc hại từ bên ngoài thâm nhập vào thực phẩm qua quá trình nuôi trồng, chế biến như: Ngộ độc khoai mỳ, ngộ độc cá nóc, ngộ độc cá trắm, ngộ độc nấm, ngộ độc thuốc trừ sâu trong rau quả,...

Thức ăn đường phố thường sử dụng công thức hương - mùi - màu để tạo ra sản phẩm. Trong khi phần lớn người sản xuất dùng phẩm màu, hóa chất công nghiệp - là nguy cơ gây bệnh mạn tính lên gan, thận, thần kinh và gây ung thư.


Theo Đời sống và Pháp luật


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.