Táo Mỹ gây ung thư vẫn đắt khách

Một ngày sau khi nhà chức trách Việt Nam cảnh báo một số loại táo Mỹ nhập khẩu bán tại Việt Nam có nhiễm độc gây ung thư và đã được thu hồi tại Mỹ, PV khảo sát hai thị trường lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh thì thấy các loại táo này vẫn được bày bán vô tư và vẫn đắt khách.

Hỏi các cơ quan chức năng thì được biết, hiện họ mới chỉ đang... rà soát, chứ chưa thu hồi. Như vậy chất gây ung thư từ táo hiện vẫn đang được phát tán khắp nơi thông qua người tiêu thụ táo Mỹ nói trên, tại thị trường Việt Nam.

Táo nhiễm độc tràn lan

Như đã thông tin ngày 20.1, nhà chức trách Mỹ đã quyết định thu hồi sản phẩm táo Mỹ mang nhãn hiệu Granny Smith và Gala sau khi phát hiện các sản phẩm này đã bị nhiễm vi khuẩn Listeria monocytogenes tại bang California, Mỹ. Ngày 21.1, PV Lao Động khảo sát tại một số siêu thị tại Hà Nội, mặt hàng táo Gala của Mỹ vẫn được bày bán phổ biến, với mức giá khoảng 60.000 đồng/kg. Các nhân viên siêu thị đều khẳng định táo Gala đang bày bán có xuất xứ từ Mỹ, đi qua 3 vòng kiểm định nên “rất an toàn”.

Trên địa bàn Hà Nội, tại các cửa hàng bán trái cây xuất khẩu trên đường Thái Hà, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Giảng Võ, Lý Thường Kiệt..., có thể thấy: Trong các loại táo bị thu hồi ở nước Mỹ hiện đã và đang được bày bán với giá 129.000đ/kg tại hầu hết các hệ thống cửa hàng bán trái cây nhập khẩu, về thông tin loại táo này bị thu hồi, những người bán hàng cho biết họ không hay biết gì. Thậm chí, nhiều cửa hàng vừa nhập một lô trái cây này với số lượng lớn. 

 Người tiêu dùng không phân biệt nổi hoa quả (trong đó có táo) nhập chính ngạch và nhập lậu, an toàn hay không an toàn. Ảnh: Hải Nguyễn

Tại siêu thị FiviMart (170 La Thành), gian hàng táo nhập khẩu nằm vị trí đắc địa sau lối dẫn vào. Tại đây, trên biển gian hàng ghi rõ “Táo xanh Mỹ” và “Táo bổ dưỡng”, còn phía dưới đủ loại táo đủ màu sắc từ táo xanh tới táo đỏ. Bắt mắt nhất là hai sản phẩm táo Gramy Smith và táo Gala, kết quả kiểm tra môi trường tại Mỹ kết luận thiết bị đóng gói táo bị nhiễm vi khuẩn Listeria monocytogenes. Tuy nhiên, nhân viên siêu thị này vẫn nói rằng hai loại táo trên đang bán rất chạy, và cho biết “táo có nguồn gốc rõ ràng”.

Cùng ngày 21.1, tại TPHCM, hai loại táo có tên Gala và Ganny Smith vẫn được bày bán bình thường ở các siêu thị. Khảo sát tại hệ thống siêu thị lớn trên địa bàn TPHCM, táo Ganny Smith (táo xanh Mỹ) vẫn được bày bán ở quầy trái cây với giá 77.000 đồng/kg, táo Gala được bày bán với giá 85.000 đồng/kg. Trên mỗi quả táo đều có dán tem “Ga La, mã 4133, USA”, “Grany, mã 4139, USA”. 

Tại các khu thực phẩm của chợ Gò Vấp, chợ Bà Chiểu, chợ Phạm Văn Hai và chợ Bến Thành thì hai loại táo Gala và Ganny Smith cũng được bày bán bình thường. Cả người tiêu dùng lẫn người bán hàng đều nói không biết thông tin gì về việc Mỹ phát hiện nhiễm khuẩn từ táo này. Nhiều người tiêu dùng dường như vẫn chưa biết nhiều thông tin liên quan và vẫn quyết định mua loại táo này. Tại chợ Bến Thành, bà chủ cửa hàng trái cây Út Thuận cho biết, bà không nắm được thông tin về loại táo Ganny Smith mình đang bán và “chưa thấy ai xuống kiểm tra cho hay điều gì về táo tôi đang bán cả”.

Ngày 21.1, hệ thống các siêu thị ở TPHCM đã có động thái rà soát lại nguồn hàng táo ngoại nhập tại hệ thống siêu thị sau khi có thông tin cảnh báo. Đại diện hệ thống siêu thị Co.opmart cho biết, siêu thị không có bán các loại táo ngoại nhập thuộc diện bị thu hồi. Nguồn táo ngoại nhập từ Mỹ đang bán hiện nay tại siêu thị được nhập từ Washington. 

Song song đó, ông Hồ Quốc Nguyên - Giám đốc truyền thông Big C Việt Nam - cho biết: “Các loại táo Mỹ đang bán tại siêu thị của chúng tôi được cung cấp bởi các nhà nhập khẩu lớn và có uy tín trong cả nước. Theo xác nhận của họ, các loại táo Mỹ đang được kinh doanh tại siêu thị chúng tôi được nhập từ các công ty không có trong cảnh báo liên quan của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)”.

Cơ quan chức năng đang… rà soát!

Ngày 21.1, TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) - cho biết, liên quan đến táo caramel chế biến và đóng gói sẵn nhập khẩu từ Hoa Kỳ, Cục An toàn thực phẩm đã nhanh chóng rà soát tình hình nhập khẩu sản phẩm này tại VN. Tuy nhiên, từ tháng 1.2012 đến nay, chưa có sản phẩm nói trên công bố tại cục. Theo TS Phong, Bộ Y tế sẽ theo dõi các ca ngộ độc thực phẩm có triệu chứng liên quan đến nhiễm khuẩn Listeria monocytogenes để kịp thời ngăn chặn và có biện pháp xử lý phù hợp.

 Táo nhiễm độc vẫn bày bán “vô tư” trong các siêu thị tại Hà Nội. Ảnh: Thông Chí

Chiều 21.1, ông Nguyễn Anh Tiến - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TPHCM - cho biết, chi cục sẽ cho rà soát các doanh nghiệp nhập khẩu, kiểm tra xem có nhập các sản phẩm táo này hay không. Nếu có thì ngừng ngay việc nhập khẩu, tránh để người dân tiêu thụ.

Trong khi đó, Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản (NAFIQAD) - trực thuộc Bộ NNPTNT - đã nhận được công văn từ Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế). Để đảm bảo ngăn chặn tình trạng nhiễm khuẩn Listeria monocytogenes có thể xảy ra, NAFIQAD đã có công văn đề nghị Cục Bảo vệ thực vật tiến hành rà soát các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu táo và các sản phẩm caramel từ Mỹ bị cảnh báo nhiễm khuẩn Listeria monocytogenes. Ngoài ra, Cục Bảo vệ thực vật kiểm soát các cửa khẩu nhập mặt hàng này từ Mỹ. Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ thực vật sau khi nhận được công văn từ NAFIQAD đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành rà soát.

Đại diện của NAFIQAD cho rằng, hiện nay chưa có kết quả rà soát đối với táo tươi và sản phẩm caramel vì vậy chưa thể khẳng định táo tươi và sản phẩm caramel mà các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ có xuất phát từ các công ty bị Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ cảnh báo nhiễm khuẩn không. Riêng đối với mặt hàng caramel được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ cảnh báo nhiễm khuẩn mô tả dưới dạng sản phẩm tổng hợp giữa kẹo và trái cây, vì vậy sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để rà soát, để đảm bảo sức khoẻ của người dân.

Thời gian ủ bệnh lâu nên khó xác định nguồn thực phẩm

TS Nguyễn Thanh Phong nói rõ hơn về chất Listeria monocytogenes. Chất này có thể gây ra viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng đệm và màng ối, gây sinh non, sẩy thai và tử vong ở trẻ sơ sinh. Phụ nữ mang thai gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn có lẽ do sự thay đổi về miễn dịch tại chỗ và toàn thân trong thai kỳ. Thời gian ủ bệnh từ sau khi dùng thức ăn nhiễm khuẩn 2 - 6 tuần. Những thực phẩm bị nhiễm khuẩn làm lây bệnh thường là: Xàlách trộn, sữa tiệt trùng, pho mát mềm, patê, thịt lợn đóng gói và xúc xích kẹp bánh mì. Do thời gian ủ bệnh lâu dài nên đã gây khó khăn trong việc xác định nguồn thực phẩm gây dịch bệnh.

Chưa có doanh nghiệp Bidard Bors được cảnh báo xuất khẩu táo vào Việt Nam

Báo cáo nhanh từ Cục Bảo vệ thực vật cho biết: Các đơn vị trực thuộc tiếp tục khẩn trương rà soát các cửa khẩu có nhập táo từ Mỹ. Kết quả bước đầu cho thấy các đơn vị thuộc Cục BVTV không cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho lô hàng nào là táo, caramel từ Mỹ vào Việt Nam đặc biệt là DN của Mỹ có tên là Bidard Bros mà Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cảnh báo trong năm 2014 qua cửa khẩu do Cục BVTV quản lý. Sản phẩm táo tươi của Mỹ nhập vào Việt Nam qua 3 cửa khẩu chính: Sân bay quốc tế Nội Bài, cảng Sài Gòn, cảng Hải Phòng. Để làm rõ thông tin, Cục BVTV tiếp tục rà soát các DN xuất khẩu từ nước khác có lấy nguồn từ DN Bidard Bros để xuất sang Việt Nam thời gian qua không. Cục BVTV cũng tính tới phương án phối hợp với cơ quan chuyên môn kiểm tra kho của một số DN nhập khẩu táo Mỹ.

Theo Lao Động


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.