Taxi Hà Nội: "Nhanh nhất cũng phải 7 – 10 ngày nữa mới có giá cước mới"

Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho hay: Nhanh nhất cũng phải sau 7 – 10 ngày nữa mới có mức cước taxi mới bởi phải chờ làm thủ tục, hồ sơ xin giảm giá cước, hiệu chỉnh đồng hồ, đăng kiểm...

Trao đổi với PV chiều (22/2), ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho hay: Nhanh nhất cũng phải sau 7 – 10 ngày nữa mới có mức cước taxi mới bởi phải chờ làm thủ tục, hồ sơ xin giảm giá cước, hiệu chỉnh đồng hồ, đăng kiểm...

Sau khi giá xăng dầu giảm xuống còn hơn 13.700 đồng/lít, thấp hơn thời điểm giá xăng trong năm 2009 mà giá cước của nhiều hãng taxi ở Hà Nội vẫn đứng yên, nhiều chuyên gia và người dân cho đây là sự bất hợp lý và tố các hãng taxi liên kết nhau, chây ì nhằm hưởng lợi.

Trao đổi với PV chiều (22/2) ngay sau cuộc họp về giá cước vận tải tại Bộ Giao thông Vận tải, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội phân trần: Doanh nghiệp taxi không thể giảm giá cước ngay được bởi phải làm các thủ tục tuần tự lên các cơ quan sở, ngành, khi được chấp thuận cũng cần thời gian hiệu chỉnh đồng hồ, làm thủ tục đăng kiểm...


Giá cước taxi sẽ được điều chỉnh nhưng chỉ nhỏ giọt

Giá cước taxi sẽ được điều chỉnh nhưng chỉ nhỏ giọt

Hiện phương án giảm giá cũng tính toán giảm khoảng 300 đồng/km, theo ông Bình, đây là mức cước hợp lý và tối ưu bởi: “Chúng tôi tính là đi 100 km mất 7 lít xăng (xe nhỏ), xe lớn 10 lít, nhờ xăng giảm giá xuống 14.000 đồng, thông thường đi được 100 km thì chỉ 50 km có khách vì tỷ lệ chạy “rỗng” là 50km sau. Vì vậy, giá cước giảm 300 đồng, khi nhân lên 50 km thì sẽ giảm được 15.000 đồng".

Về thời gian giảm giá cước, ông Bình cho hay: "Nhanh nhất cũng sau 7 – 10 ngày mức cước taxi mới mới được thiết lập. Thời gian này chủ yếu là chờ làm thủ tục, hồ sơ xin giảm giá cước nộp về sở Tài chính Hà Nội, rồi Sở chấp thuận sau 5 ngày mới được quyền giảm giá. Nếu Sở chưa có ý kiến thì chúng tôi chưa được giảm giá".

Theo ông Bình cho hay, giảm cước người tiêu dùng được hưởng lợi ít nhưng các doanh nghiệp taxi thì sống dở, chết dở vì phí chuyển đổi. "Taxi sử dụng phần mềm tính cước nên phải đưa xe đến đơn vị quản lí phần mềm điều chỉnh giá cước, sau đó đi tới cơ quan kiểm định, đóng dấu niêm phong. Mỗi lần như thế chi phí cho một xe taxi là 500.000 đồng", ông Bình cho biết thêm.

Đối với doanh nghiệp (DN) bình thường có từ trăm xe đến nghìn xe, sau mỗi đợt điều chỉnh giá, sẽ mất chừng 1 tỷ đồng đến 2 tỷ đồng là chuyện bình thường, còn doanh nghiệp nhỏ cỡ vài chục xe cũng mất chi phí từ 100 đến 200 triệu đồng. Vì vậy, "chúng tôi rất sợ mỗi lần tăng hoặc giảm giá cước như này, thà giảm nhiều cho lợi đôi bên", ông Bình nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho hay: Tôi không thể chấp nhận phương án chỉ giảm cước 300 đồng/km. Khi giá xăng giảm rất mạnh, các doanh nghiệp taxi vẫn cố thủ dựa vào lý do này, nguyên nhân kia là điều không công bằng cho thị trường và người dân.

"Người dân không quan tâm cách các DN tính toán giảm bao nhiêu mà quan tâm đến kết quả cuối cùng là giá xăng giảm sâu như vậy, các DN có chịu giảm cước thật hay chỉ giảm nhỏ giọt để chống đối. Giá xăng dầu, giá đầu vào cho vận tải giảm mạnh, trong khi các hãng taxi liên kết với nhau để giữ giá, làm giá là không được", ông Liên nói.

Theo ông Liên, các DN taxi đưa ra lý do về phí hay đại loại gì đó cũng là cách nói của họ, nếu như các hãng vận tải khác cũng đưa ra lý do: phí bảo trì sắp tăng, chi phí môi trường, phí bảo hiểm tăng mà không giảm cước thì đâu còn là cơ chế thị trường nữa.

Theo tính toán của ông Liên, giá cước taxi ở Hà Nội hiện đang phổ biến ở mức 11.000 đồng/km, giá xăng giảm hơn 2.200 đồng, do đó giá cước taxi cũng cần đưa về mức cước tối thiểu là 9.500 đồng đến 10.000 đồng/km.

Theo Dân Trí



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.