Taxi Uber sẽ “chết yểu” hay tồn tại?

Liên quan đến hoạt động vận tải sử dụng ứng dụng Uber đang gây xôn xao dư luận, ngày 1/12, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT đã chính thức khẳng định đây là hình thức kinh doanh vận tải trái luật.

Liên quan đến hoạt động vận tải sử dụng ứng dụng Uber đang gây xôn xao dư luận, ngày 1/12, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT đã chính thức khẳng định đây là hình thức kinh doanh vận tải trái luật.

Thanh tra giao thông TP HCM ra quân xử phạt taxi Uber. 	ảnh: TL
Thanh tra giao thông TP HCM ra quân xử phạt taxi Uber. ảnh: TL

Công an, tài chính, giao thông cùng…vào cuộc

Chiều 1/12, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, trên thế giới, hình thức kinh doanh vận tải bằng Uber xuất hiện từ năm 2009. Một số quốc gia thấy có hại nên đã cấm. Ở Việt Nam đang xuất hiện loại hình kinh doanh này tại Hà Nội và TP HCM. Thời gian đầu một số người dân thấy hài lòng vì dịch vụ nhanh, giá thành hạ so với taxi truyền thống. Sau đó, từ ý kiến của Hiệp hội Vận tải taxi TP HCM khẳng định đây là loại hình kinh doanh không lành mạnh và cơ quan quản lý cần có chế tài. Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo UBND TP HCM kiểm tra, làm rõ hình thức kinh doanh vận tải này để tránh cạnh tranh không lành mạnh.

Bộ GTVT cũng đã có văn bản gửi Bộ Công an, Bộ TT&TT, Bộ Tài chính phối hợp kiểm tra xem những xe đó có đăng ký kinh doanh không; Bộ Tài chính xem xét vấn đề về thuế; Bộ TT&TT xem xét phần mềm Uber có phải phần mềm hợp pháp để sử dụng không. Theo Bộ GTVT, loại hình vận tải này không đăng ký kinh doanh, không đóng thuế gây thiệt hại cho nhà nước, không có bộ máy nên không đảm bảo an toàn giao thông, trách nhiệm cho người tham gia giao thông. Lái xe cũng tiềm ẩn bởi rủi ro khi người đi xe lợi dụng chở hàng cấm, hoặc có dụng ý xấu. Các doanh nghiệp kinh doanh taxi thì cho rằng đây là loại hình cạnh tranh không lành mạnh.

Từ thực tế hoạt động của dịch vụ này, Bộ GTVT khẳng định nó có đầy đủ yếu tố của hoạt động vận tải taxi. Hoạt động này phải kinh doanh theo điều kiện trong Nghị định 86. Điều kiện đó được đặt ra để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi của hành khách đi xe, đảm bảo các doanh nghiệp đóng thuế với nhà nước. Lãnh đạo Vụ Vận tải cho rằng, Bộ GTVT luôn khuyến khích sử dụng các phần mềm ứng dụng cho hoạt động vận tải trong đó có taxi, vì phần mềm giúp kết nối thông tin rất nhanh, tuy nhiên hoạt động phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định.

Lo ngại về quyền lợi người đi xe

Chiều 1/12,  PV Báo GĐ&XH đặt vấn đề  về việc trong tất cả các văn bản pháp quy hiện nay chưa từng xuất hiện khái niệm và quy định điều chỉnh về Uber, kinh doanh Uber không nằm trong những ngành nghề bị cấm, vậy lúc nào sẽ có quy định về loại hình kinh doanh này? Liệu Uber có chính thức bị cấm kinh doanh ở Việt Nam hay không?

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường trả lời rằng: “Ngày 17/11, Bộ trưởng Bộ GTVT có công văn gửi Bộ TT&TT với 3 nội dung quan trọng. Theo đó, hoạt động vận tải có thu tiền trực tiếp của người đi xe không thông qua đơn vị vận tải như trên là trái với Luật Giao thông đường bộ và nghị định của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải ô tô.

Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị Bộ TT&TT chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan tuyên truyền để người dân được biết về thực tế hình thức chở người, thu tiền thông qua ứng dụng Uber là không đảm bảo quyền lợi cho người đi xe, vì đây không phải là hình thức vận tải kinh doanh phù hợp với quy định, người lái xe không được quản lý theo quy định do đó tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về an toàn giao thông và an toàn tài sản cho người đi xe. Kiểm soát hoạt động Uber tại Việt Nam chưa có, và nếu có thì phải nằm trong quy định, chưa có quy định thì đó là vi phạm”.

“Thế giới đã ứng dụng, sao ta không làm?”

Ngày 2/12, Báo GTVT đã dẫn lời Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng phát ngôn trong cuộc họp Ban cán sự Đảng của Bộ này cho rằng: “Rõ ràng là loại hình kinh doanh này có giá thấp hơn so với taxi thông thường. Chi phí thấp, người dân thấy lợi khi sử dụng. Trên thế giới người ta đã ứng dụng rồi, vậy tại sao ta không làm? Nếu loại hình kinh doanh bằng phần mềm Uber chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, các Nghị định, Thông tư, hướng dẫn, mình có trách nhiệm bổ sung để hợp pháp hoá. Phải làm sao để thuận cho quản lý nhưng tiện lợi cho người dân.

Vì vậy, văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GTVT phải làm sao để đẩy GTVT phát triển theo hướng năng suất cao hơn, chất lượng cao hơn, đem lại sự hài lòng hơn cho người dân và doanh nghiệp, giảm chi phí quốc gia. Thể chế chính sách phải thật đơn giản, bỏ ngay tư tưởng không quản được thì cấm”.

Từ các thông điệp nêu trên, nhiều người dân đặt câu hỏi rằng, mặc dù Uber kinh doanh hoạt động vận tải là trái luật nhưng phải chăng theo lời Bộ trưởng Đinh La Thăng thì sẽ có văn bản “quản” và tạo hành lang cho Uber tồn tại? Dư luận đang chờ động thái cuối cùng của Bộ GTVT về loại hình vận tải này.

Trước đây, Báo GĐ&XH đã có bài phản ánh về hoạt động của loại hình taxi “lạ” này. Theo đó, đây là loại hình taxi này không có logo, phù hiệu và đồng hồ tính cước… hoạt động thông qua việc cài đặt phần mềm ứng dụng Uber trên Smartphone để kết nối giữa người cần di chuyển và chủ xe có nhu cầu cho thuê xe.

Những xe tham gia sử dụng Uber không có phù hiệu taxi, không logo, đồng hồ tính tiền cước như những xe taxi khác. Người cần di chuyển chỉ cần dùng ứng dụng Uber để đăng ký hành trình. Hệ thống của Uber sẽ tự động kết nối với một chủ xe (có đăng ký tham gia vào ứng dụng Uber). Sau đó, hệ thống sẽ hiển thị thông báo các thông tin về chi phí chuyến đi, thông tin cơ bản về chiếc xe sắp đến đón. Nếu khách hàng đồng ý thực hiện chuyến đi, chi phí sẽ trả qua thẻ thanh toán quốc tế Visa, Mastercard. Giá cả thường thấp hơn so với taxi thông thường (trong đó Uber hưởng 20% phí dịch vụ, chủ xe hưởng 80%). Hoạt động của dịch vụ này dẫn đến nhiều bức xúc từ phía các đơn vị kinh doanh vận tải và tài xế taxi, ảnh hưởng đến trật tự vận tải trên địa bàn TP HCM.

Theo GĐXH



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.