Thực phẩm bẩn: Đề nghị phạt thật nặng, bỏ tù thật lâu!

Đa phần các ý kiến từ giới chuyên gia và nhà quản lý đều cho rằng, chế tài xử lý các vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm hiện nay còn quá nhẹ

Đa phần các ý kiến từ giới chuyên gia và nhà quản lý đều cho rằng, chế tài xử lý các vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm hiện nay còn quá nhẹ, hầu hết mới chỉ dừng lại ở mức xử lý vi phạm hành chính là phạt tiền, chưa đủ sức răn đe.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm tràn lan và đang trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay được giới chuyên gia và nhà quản lý cho rằng là do chế tài xử phạt còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Hầu hết chế tài xử lý mới chỉ dừng lại ở mức phạt tiền hoặc đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh từ 1-6 tháng v.v.. Vì thế, tình trạng vi phạm không những không giảm mà còn gia tăng với mức độ ngày càng nghiêm trọng.

“Không thể chỉ mãi răn đe”

Trong hàng trăm những ý kiến bức xúc gửi về  nhiều độc giả cho rằng: “Chỉ mới dừng ở hình thức răn đe phạt hành chính thì sao có thể dẹp được loạn thực phẩm. Khi phát hiện cá nhân, doanh nghiệp nào sản xuất, nhập khẩu, lưu hành thực phẩm bẩn phải phạt thật nặng, nếu cần xử lý hình sự, công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng”.

Đồng quan điểm, độc giả Lê Hùng Anh cho rằng: “Bên cạnh việc tuyên truyền tác hại của việc sản xuất, bảo quản, buôn bán thực phẩm chứa chất độc hại thì cần có chế tài phạt thật nặng với những trường hợp phát hiện vi phạm. Cơ quan chức năng cần vào cuộc và làm việc minh bạch rõ ràng. Xử phạt như hiện nay không ăn thua gì với lãi mà họ kiếm được, không thể chỉ mãi răn đe như vậy mà cần làm mạnh tay hơn nữa”.

Nhiều ý kiến đồng tình cho rằng cần hình sự hoá những cơ sở sản xuất, cá nhân cố tình vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Thậm chí, áp dụng hình thức phạt cao nhất là tử hình vì đầu độc đồng bào bằng những thứ thực phẩm độc hại.

"Bắt được người nào dùng chất cấm để nuôi gà vịt heo bò và những người dùng chất độc, chất cấm để ép chín hay bảo quản trái cây thì khi bắt lập hồ sơ chờ ngày xử lý hình sự. Với các tội danh trên cho dù không gây chết ngay cũng phải chịu mức án chung thân đến tử hình. Đảm bảo 100% người dân đồng tình với mức án trên. Như vậy thì phải ra luật và tuyên truyền cho dân biết, tôi đố ai còn dám phạm tội nữa”, một độc giả kiến nghị.

"Cán bộ kiểm dịch vật nuôi, cán bộ kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm nhận tiền để để đóng dấu đã kiểm dịch, thực phẩm an toàn phải nghiêm trị”, bạn đọc Phương Uyên bình luận.

Ở một góc nhìn khác, độc giả Nguyễn Đức Anh nhìn nhận: "Không có pháp luật nào mạnh bằng pháp luật tại tâm. Hãy giáo dục mỗi người tự ý thức được đó là những việc làm sai trái lương tâm, giúp người khác cũng là giúp chính mình. Đồng lòng đoàn kết cùng giúp nhau phát triển. Tiền bạc chỉ là công cụ để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Có nên đưa vào xử lý hình sự?

Về hoạt động phối hợp trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, hiện nay các quy định trong vấn đề này đã tương đối đầy đủ, vấn đề là ở khâu tổ chức thực hiện.

"Luật pháp về quản lý an toàn thực phẩm đến tầm Nghị định, giờ phút này cơ bản đầy đủ và nếu thực hiện tốt thì vấn đề có thể được giải quyết cơ bản. Vậy câu chuyện là ở chỗ tổ chức thực hiện”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Tuy nhiên, khi nói về các chế tài xử lý vi phạm an toàn thực phẩm, trước Quốc hội, người đứng đầu ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát vẫn kiến nghị xem xét sửa đổi một số quy định trong Luật Hình sự để có cơ sở pháp lý và chế tài xử lý mạnh tay với những vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm.

Cụ thể, Điều 155 về quy định đối với sử dụng chất cấm nhưng không có chất cấm dùng trong chăn nuôi. Ví dụ chất cấm như chất Salbutamol bị cấm trong chăn nuôi nhưng dùng để chữa bệnh; chất vàng ô cấm trong chăn nuôi, khiến thịt gà trở nên vàng và được người tiêu dùng ưa thích, gây ung thư nhưng trong công nghiệp lại dùng làm chất nhuộm.

"Điều 244 quy định “nếu buôn bán thực phẩm độc hại mà gây thiệt hại tính mạng hoặc sức khỏe nghiêm trọng thì mới xử lý. Thế tức là phải lăn ra chết thì mới xử lý! Ăn thực phẩm ít khi nào xảy ra trường hợp như thế nên cũng không xử lý được!”, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng: “Xử lý hành chính hiện nay quá nhẹ. Người ta làm lợi hàng trăm triệu thì phạt có vài triệu đồng đâu có đáng gì. Do đó, cần phải phạt gấp vài lần chỗ lợi ích thu về đó. Như vậy thì người ta mới sợ, không dám vi phạm nữa".

Theo ông Đức: "Việc có xử lý hình sự hay hành chính chưa hẳn đã quan trọng bởi vấn đề chung là phải phạt nặng chứ không phải phạt cái gì. Có xử lý hình sự hết tất cả thì nhà tù không chứa nổi mất. Cơ bản xử lý phạt hành chính thật mạnh, từ phạt tiền gấp nhiều lần cho tới tước giấy phép kinh doanh, cảnh cáo, cấm hành nghề, tịch thu phương tiện... Tuy nhiên, theo tôi, quan trọng nhất vẫn là đội ngũ thực thi pháp luật có làm nghiêm hay không, có để xảy ra tình trạng “ăn chia” giữa cán bộ với người vi phạm hay không”, ông Đức nói thêm.

Theo Dân Trí



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.