Thực phẩm “cháy hàng” sau Tết

Dù đã hết Tết nhưng nhiều mặt hàng thực phẩm tại TPHCM như rau xanh, trái cây, thịt cá… “cháy hàng”, tiểu thương tranh thủ hét giá…

Dù đã hết Tết nhưng nhiều mặt hàng thực phẩm tại TPHCM như rau xanh, trái cây, thịt cá… “cháy hàng”, tiểu thương tranh thủ hét giá…

Giá rau tăng vọt

Sáng 15/2 (mồng 8 tháng giêng), nhiều gian hàng thực phẩm tại các chợ truyền thống, chợ lẻ đã mở hàng. Tuy khách đi chợ không đông nhưng nhiều loại thực phẩm bị đẩy giá lên cao.

Trong đó, mặt hàng rau xanh tăng giá cao nhất. Tại chợ Lê Văn Quới (Q. Bình Tân), khi thấy có khách lựa rau xà lách búp, hành, giá… chị Huyền (tiểu thương) đã mau miệng: “Xà lách búp Đà Lạt 55.000đ/kg, giá đỗ 25.000đ/kg, hành hẹ 30.000đ/kg, cà chua 25.000đ/kg. Mua đi chị ơi, chứ chút trưa là không còn đâu”. Hỏi sao giá cao gấp đôi, gấp ba ngày thường, chị giải thích do nhiều nhà vườn vẫn đang nghỉ Tết, số lượng rau xanh về chợ rất ít nên giá tăng. Nhiều người mặc cả giá không thành bỏ đi, tiểu thương cũng không giảm giá để kéo khách lại như mọi khi.
 
Ảnh minh họa

Hoa cúng như cúc, vạn thọ, lay ơn… sau Tết cũng tăng giá gấp đôi. Đơn cử như vạn thọ là 35.000đ/cây, trong khi trước đó chỉ có 10.000đ/chậu. Anh Thành bán hoa ở chợ Bàn Cờ, Q.3 cho biết: “Trước đó nhà vườn cắt hết hoa để phục vụ Tết nên giờ không còn hoa tươi để bán nữa. Dự kiến giá này sẽ còn tăng cao hơn nữa trong dịp rằm tháng giêng tới”. Bên cạnh đó, trái cây như quýt, thanh long, sa-bô-chê cũng có giá từ 35.000đ - 45.000đ/kg tùy loại. Các mặt hàng tươi sống như thịt gà, thịt heo, cá cũng tăng giá từ 5.000đ  đến hơn 20.000đ/kg.

Thừa nhận giá thực phẩm tăng cao so với ngày thường, bà Lý Thị Xuân Thu - cán bộ phòng kinh doanh chợ Hòa Hưng (Q.10) cho rằng: “Do vừa mới Tết xong, nhiều đơn vị sản xuất mới bắt đầu trở lại công việc nên hàng hóa chưa cung cấp đủ. Bên cạnh đó, tiểu thương mở hàng mới khoảng 60%, do đó không ít người kinh doanh tranh thủ tăng giá.

Siêu thị cũng “cháy hàng”

Chiều 14/2, chị Mai Phượng (ngụ P. Phú Thọ Hòa, Q. Tân Phú) đến siêu thị Co.op Mart trên đường Lũy Bán Bích (Q. Tân Phú) mua thức ăn. Đến thẳng quầy rau xanh, chị ngỡ ngàng, tất cả các ô rau đều trống không; quầy trái cây cũng chẳng khá hơn, lèo tèo vài trái quýt, vú sữa khô quắt queo, nhân viên cũng không buồn dọn. Chị Phượng tiếp tục tạt vào siêu thị Big C Nguyễn Sơn (Q. Tân Phú), tình hình cũng không khá hơn. Kệ bán trứng chỉ còn vài vỉ, hàng thịt, cá cũng tương tự. Thức ăn chế biến sẵn hầu như không còn gì. “Nhân viên bảo muốn mua rau phải đến từ sớm, lúc siêu thị mới mở cửa, để đến trưa là chẳng còn”.

Dù nhiều siêu thị đã bắt đầu hoạt động trở lại từ mùng 2 Tết nhưng theo nhiều khách hàng, tình trạng thiếu rau, trứng, thịt… đã có từ hôm đó. Và đến mùng 8 Tết, tình trạng khan hiếm vẫn tiếp diễn.

Đại diện Sở Công Thương TPHCM cho biết tổng lượng hàng nhập về ba chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức ở mức 3.500 tấn, chợ Thủ Đức giảm 17% lượng nhập so với bình thường ở mức hơn 1.000 tấn rau củ, trái cây.

Theo Tiền Phong


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.