Thương lái 'lộng hành' ở Việt Nam, Trung Quốc nói gì?

Trước những cáo buộc thương lái Trung Quốc lộng hành ở Việt Nam, đại diện Tổng lãnh sự quán nước này tại TP HCM cho biết, sẽ thẩm định vụ việc.

Trước những cáo buộc thương lái Trung Quốc lộng hành ở Việt Nam, đại diện Tổng lãnh sự quán nước này tại TP HCM cho biết, sẽ thẩm định vụ việc.

Chiêu trò của thương lái Trung Quốc

Tham gia đối chất với ông Lý Chấn Dân, Lãnh sự thương mại, Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP HCM trong một hội thảo diễn ra cuối tuần qua, ông Bùi Thanh Vân, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vân Tùng (An Giang) kể, rất nhiều thương lái Trung Quốc về các tỉnh miền Tây khuyến khích nông dân địa phương trồng khoai, trồng lúa, thu hoạch bao nhiêu mua hết bấy nhiêu.

Ban đầu họ mua bán sòng phẳng, nhiều nông dân hứng khởi cầm cố nhà đất để vay vốn trồng trọt, nhưng đến khi thu hoạch thì chẳng thấy người mua đâu cả, khoai lúa đổ bỏ. Cách mua hàng kỳ quặc này khiến nhiều nông dân ôm nợ. “Giờ nhiều nông dân đến cái ăn cũng không còn…”, ông Vân bức xúc.

Tương tự, ông Ngô Viết Hoài, Phó tổng giám đốc Công ty CP chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu, cho hay, các thương nhân Trung Quốc thường xuyên đến các cảng cá của Việt Nam mua gom hải sản nguyên liệu để xuất tiểu ngạch về Trung Quốc. Bằng cách trả giá cao hơn, những người này dễ dàng “nẫng tay trên” các doanh nghiệp (DN) chế biến thủy hải sản Việt Nam, khiến nhiều nhà máy gặp khó khăn trong vấn đề nguyên liệu.

Theo một số DN thủy sản, cách mua bán của thương nhân Trung Quốc gây thiệt hại và bất ổn cho họ. Nhiều đội tàu của ngư dân nhận hỗ trợ của DN và nhà nước. Lẽ ra khi đánh bắt về sẽ phải ưu tiên cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy, nhưng bằng hình thức mua với giá cao hơn, các thương nhân Trung Quốc đã gây xáo trộn thị trường.

Khoai lang tại Vĩnh Long phải đổ đống do thương lái Trung Quốc đặt hàng nhưng không mua.

Khoai lang tại Vĩnh Long phải đổ đống do thương lái Trung Quốc đặt hàng nhưng không mua.


Không chỉ lũng đoạn trong mua bán qua đường tiểu ngạch, đường chính ngạch với Trung Quốc cũng khiến không ít DN Việt Nam khó khăn, khi mọi thông tin về chính sách nhập khẩu nước này không được phổ biến minh bạch.

Đơn cử, theo đại diện Công ty lương thực An Giang, trước đây Trung Quốc thường công bố quota nhập khẩu gạo cho năm sau vào tháng 11 hàng năm, nhưng gần đây chẳng biết họ công bố lúc nào, trong khi DN lớn nhỏ của họ đồng loạt hỏi mua.

Đợi... thẩm định

Trước hàng loạt cáo buộc về những tổn hại mà thương nhân Trung Quốc gây ra cho thị trường nông sản Việt Nam, đại diện đến từ Trung Quốc không đưa ra bất cứ bình luận nào về những hình thức mua bán đó. Ban đầu, vị Lãnh sự thương mại này còn trả lời bằng tiếng Hoa, thông qua người phiên dịch, nhưng sau khi nghe hàng loạt DN Việt Nam “kể tội” thương nhân Trung Quốc, ông này chuyển qua nói tiếng Việt một cách khá lưu loát.

Dù vậy, ông Lý Chấn Dân chỉ đưa ra ý kiến, trong số những DN đến Việt Nam làm ăn, có nhiều DN đàng hoàng, và cũng có những công ty nhỏ, thương nhân không chuyên nghiệp. Riêng đối tượng không chuyên nghiệp này, phía Trung Quốc chưa thể thẩm định và cung cấp danh tính ngay cho các DN Việt Nam, để có thể cẩn trọng hơn trong giao dịch.

Theo ông Lý, ở lĩnh vực nhập khẩu gạo, Trung Quốc chỉ có khoảng 100 DN được chính quyền nước này cấp phép nhập khẩu từ Việt Nam, danh sách được chuyển cho Bộ Công thương của Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, đội ngũ nhập khẩu gạo Trung Quốc theo đường tiểu ngạch sang Việt Nam mua bán gạo rất nhiều, khiến các DN Việt Nam kêu ca.

Ông Lý giải thích, 100 DN được cấp phép nhập gạo chính ngạch từ Việt Nam được hưởng mức thuế thấp (1%), trong khi nhập tiểu ngạch sẽ phải chịu mức cao (60%). Có thể với mức thuế này, cộng với hình thức nhập không chính thức là nguyên nhân dẫn đến việc mua bán thiếu ổn định.

Một nguyên nhân khác được ông Mậu Nhơn Lại, Chủ tịch Phân hội TP HCM (thuộc Hiệp hội DN Trung Quốc tại Việt Nam) cho biết, việc thường xuyên bị “lật kèo” trong mua bán, hay hàng nông sản chở đến biên giới bị ngưng mua đột ngột, là do nông dân và DN Việt Nam thường chỉ tập trung vào một số thương lái nhỏ lẻ. Những thương lái này tự đi tìm nguồn hàng, lợi thì họ mua, thấy bất lợi họ ngưng. Đại diện Hiệp hội DN Trung Quốc tại Việt Nam cho biết, sẽ thẩm định những thương nhân, DN nhỏ không chuyên, và sẽ giới thiệu cho phía Việt Nam những DN uy tín để hợp tác làm ăn.

Ông Mậu Nhơn Lại cho biết, Hiệp hội DN Trung Quốc tại Việt Nam đã đưa ra ý tưởng lập một trung tâm giao dịch nông sản tại Cần Thơ, sau khi làm việc với lãnh đạo thành phố này. Tại trung tâm, nông dân có thể giao dịch trực tiếp với những nhà nhập khẩu uy tín của Trung Quốc.

Ông Lý Chấn Dân đề nghị thiết lập một sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia. Việc mua bán có thể giao dịch qua Internet, nhưng có sự giám sát của cơ quan thuế, hải quan, biên phòng… Với hình thức giao dịch qua sàn thương mại điện tử, ông Lý cho rằng sẽ hạn chế được những rủi ro cho cả hai.

Theo Phụ Nữ TP HCM



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.