Tôm “say”, cua “ngất”: độc vẫn đắt hàng!
Với giá rẻ chỉ bằng một nửa so với thông thường, tôm "say", cua "ngất"… đang trở thành mặt hàng hút khách ở hầu hết các chợ lớn nhỏ. Tuy nhiên, ít người biết rằng, đây là loại thực phẩm mang lại nguy cơ ngộ độc cao, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Hải sản siêu rẻ
Dọc Quốc lộ 1A (đoạn chạy qua Khu công nghiệp Tân Tạo, Q.Bình Tân; H.Bình Chánh TP.HCM hướng về miền Tây); đường Thành Thái nối dài (Q.10); đại lộ Nguyễn Văn Linh (Q.7, Q.8)... tôm, cua bày bán la liệt. Đối tượng mua nhiều nhất là khách đi đường và công nhân làm việc tại các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN).
Chiều 22/10, trận mưa đột ngột trên địa bàn Q.7 không ngăn được người mua xúm xít quanh các vựa bán cua bên lề đại lộ Nguyễn Văn Linh. Giá cua dao động từ 15.000-30.000đ/con. Mức giá này chỉ bằng 50% so với giá bán tại chợ hoặc các vựa hải sản. Người bán nhanh nhẩu chào mời: “Loại năm con/kg có giá 15.000đ/con, loại ba-bốn con/kg giá 30.000đ/con. Lấy 3-4kg trở lên, bớt từ 2.000-3.000đ/con”. Chỉ trong khoảng nửa giờ, hàng chục ký cua biển của chị Lan (bán dạo trên đại lộ Nguyễn Văn Linh) đã hết sạch. Người mua tiếp tục tìm tới các điểm bán khác nằm rải rác dọc đại lộ Nguyễn Văn Linh, đường Phạm Hùng (H.Bình Chánh, Q.8)…
Riêng các loại tôm hùm bán trên đường Cộng Hòa, KCN Tân Bình (Q.Tân Bình) chỉ khoảng 125.000-400.000đ/kg. Cụ thể, tôm hùm loại nhỏ giá 120.000-125.000đ/kg; tôm hùm loại lớn giá 350.000-400.000đ/kg. Trong khi đó, giá tôm hùm cỡ vừa bán tại các vựa hải sản đã có giá hơn một triệu đồng mỗi ký. Chị Nguyễn Minh Liên, công nhân KCN Tân Bình cho biết: “Thấy tôm rẻ nên ham. Hôm trước vợ chồng tôi mua thử 200.000đ về ăn. Không ngờ thịt tôm bở rữa, nhạt, không săn, chắc”.
Các rổ sò huyết, nghêu… bán trên Quốc lộ 1A, đoạn dưới cầu Bình Điền (H.Bình Chánh) luôn là “mồi ngon” cho đám ruồi xanh. Buổi trưa nắng gắt, chủ hàng hải sản vừa bán vừa cầm dụng cụ đuổi ruồi. Một chủ hàng phân bua với khách: “Mặt hàng này khó giữ tươi, thành ra con nào chết (nghêu, sò) phải vứt ngay. Để lâu bốc mùi hôi, ruồi bu lại, đuổi mệt lắm”.
Ghi nhận tại các điểm bán tôm, cua, ghẹ… tự phát, hầu hết hải sản đều trong tình trạng dở sống dở chết. Nhiều con cua, tôm bị gãy càng, sứt gọng… Anh N.H.N., chủ một vựa hải sản tại chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) khẳng định: “Cua, tôm gãy càng còn tươi nguyên bán tại vựa có giá rẻ gần 50% so với hàng còn nguyên, nhưng không rẻ bèo kiểu như các điểm bán lề đường”. Một số chủ vựa hải sản chợ Chánh Hưng, Q.8 còn cho biết, để giữ tôm tươi lâu, chủ hàng thường ngâm chất bảo quản formaldehyde (chất bảo quản xác ướp) - một loại chất độc cấm sử dụng trong thực phẩm, gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.
Tương tự, dạng hải sản này cũng đang “hoành hành” ở khu vực phía Bắc. Dù đã gần 17g chiều song khu vực bán hải sản, chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội vẫn tấp nập khách. Cửa hàng của bà M., nằm ngay cạnh cống, nước thải đen ngòm. Mùi tanh, hôi thối bốc lên nồng nặc. Khi biết chúng tôi có nhu cầu mua hàng về làm quán ăn, một nam nhân viên rỉ tai tư vấn: “Ngoài ngao nên lấy tươi vì dễ bị khách hàng phát hiện, chị cứ lấy tôm "say" và cua “ngất” cho rẻ”. Nói đoạn, anh này chỉ tay về phía đống tôm ở giữa cửa hàng. Tôm được ướp đá giữ lạnh, đổ thẳng trên nền đất bẩn (ảnh). Đây là loại tôm sú mới chết trong ngày nên bề ngoài nom vẫn còn tươi và ít nhiều chưa bị bốc mùi ôi thiu.
Theo nhân viên của cửa hàng, đây là loại hàng đặc biệt bán chạy bởi giá thấp. Tôm “say” loại 40 con/kg được chia thành nhiều loại phụ thuộc vào độ tươi, có giá 100.000 - 180.000đ/kg. Cua “ngất” có giá từ 150.000 - 180.000đ/kg. Ngoài mặt hàng “ngất”, nhân viên cửa hàng còn khuyên chúng tôi nên lấy tôm đông lạnh để kiếm lời: “Loại này chỉ 30.000 - 40.000đ/kg, rẻ gấp 10 lần hàng tươi mới. Tôm “say” thì làm đồ nướng, còn tôm đông lạnh thả vào lẩu. Hai loại này bên em không bao giờ sợ ế mà chỉ lo thiếu hàng”. Nói đoạn, anh tất tưởi chạy vào kho lấy hàng mẫu. Mỗi lần người này đi qua, nước bẩn lại bắn tung tóe vào đống tôm nằm giữa sàn nhà. Không chỉ tôm “say”, các loại hải sản tươi sống khác cũng được cửa hàng này bảo quản một cách mất vệ sinh. Hàng thải loại xả bừa bãi, ruồi nhặng bâu kín.
Thấy chúng tôi xem hàng tỉ mẩn, bà chủ tỏ vẻ khó chịu: “Hôm nào mua thì đến. Nếu muốn, chỉ cần gọi điện là chị cho nhân viên giao hàng đến tận nhà, không phải mất công đi lại”. Theo bà, cửa hàng này là địa điểm phân phối thường xuyên cho hàng chục cửa hàng trong trung tâm Hà Nội. Ngoại trừ hải sản tươi sống, nếu muốn mua tôm “say”, cua “ngất” với số lượng lớn thì phải báo sớm, bởi mặt hàng này luôn trong tình trạng “khan” và “cháy”!
Lượn một vòng qua chợ Đông Tác (Kim Liên), chợ Thành Công (Ba Đình)… các mặt hàng tôm "say", cua “ngất” thu hút khá nhiều người nội trợ. Tại chợ Vồ (Hà Đông), mực ướp đá có giá 120.000đ/kg. Mặc dù mực đã có mùi ôi khó chịu, song hầu hết người mua không để ý, bởi cũng như lời giải thích của cửa hàng: “Nếu muốn hàng tươi thì “đào” đâu ra cái giá ấy”.
Nguy cơ ngộ độc cao
Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học - công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), hải sản tươi sống chứa thành phần dinh dưỡng cao, có khả năng kháng khuẩn tốt, nhưng khi chết thì khả năng này gần như… bằng không. Vỏ ngoài của hải sản vốn rất nhớt vì chứa nhiều đạm. Khi hải sản chết, vi khuẩn sẽ hoạt động mạnh, xâm nhập nhanh. Độc tố trong hải sản tiết ra nhanh, đồng thời men phân giải chất đạm hoạt động mạnh khiến chúng bị hỏng trong thời gian ngắn. “Tuy nhiên, rất ít người tiêu dùng nhận biết sự nguy hiểm này, nhất là khi các loại hải sản đã qua sơ chế, được tẩm ướp, tẩy mùi, thêm rất nhiều gia vị để làm ngon miệng, đánh lừa cảm giác của khách hàng”, ông Thịnh nói.
Tại cuộc họp giao ban về an toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cuối tuần qua, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cho hay, tình trạng thủy, hải sản nhiễm khuẩn diễn ra khá phổ biến bởi hầu hết các nguyên tắc: sạch, nhanh và lạnh không được đảm bảo. Điều kiện vệ sinh từ nơi vận chuyển đến nơi bán lẻ, bảo quản, bày bán đang bị bỏ ngỏ, thiếu kiểm soát chặt chẽ. Kết quả kiểm tra trong tháng Chín cho thấy, trong số những mẫu hải sản được kiểm tra, 30% bị nhiễm Salmonella (khuẩn gây thương hàn), 30% nhiễm khuẩn E.Coli. Với histamine, chỉ tiêu thường gây ra ngộ độc thực phẩm, cơ quan chức năng đã phát hiện 31% số mẫu vượt mức cho phép, trong đó có 55% trường hợp vi phạm ở chợ bán lẻ. Khi hải sản mất đi độ tươi sống và bảo quản không đúng cách, histamine từ không độc sẽ chuyển sang độc, nhẹ thì gây ra dị ứng, ngộ độc, nặng thì có thể dẫn đến tử vong. Ông Tiệp cho hay, thời gian gần đây tại TP.HCM đã có nhiều vụ công nhân bị ngộ độc do ăn hải sản kém chất lượng.
Biểu hiện ngộ độc là đỏ da, ngứa chủ yếu phần nửa trên của cơ thể, bao gồm đầu mặt cổ, ngực và tay. Người bị ngộ độc hải sản có thể bị khó thở, tụt huyết áp, nôn, đau bụng.
Điều đáng nói, việc kinh doanh hải sản vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm hầu hết diễn ra ở các chợ bán lẻ, trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ có thể quản lý trực tiếp những điểm đầu mối.
Theo Phunuonline