Từ bán hàng rong thành bà chủ mỹ nghệ "xuyên biên giới"

Từ người bán hàng rong, rồi “học lỏm” được nghề mây tre mỹ nghệ, chị Hoàng Thị Chung đã vươn lên trở thành chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Mây tre...

Từ người bán hàng rong, rồi “học lỏm” được nghề mây tre mỹ nghệ, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, chị Hoàng Thị Chung ở xã Liên Khê (Khoái Châu, Hưng Yên) đã vươn lên trở thành chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Mây tre Liên Khê, tạo việc làm thường xuyên cho trên 500 lao động và đưa hàng mỹ nghệ Việt đi khắp thế giới.   

Chị Chung luôn tâm niệm: Lợi nhuận lớn nhất của HTX chính là giúp được ngày càng nhiều những đối tượng khó khăn, không có công ăn việc làm…

Người bán hàng rong thành bà chủ “xuyên biên giới”

Từ Hà Nội, tôi xuôi theo con đê sông Hồng về thôn Cẩm Bối, xã Liên Khê vào một ngày cuối thu. Trước mắt tôi là một khu nhà xưởng rộng thênh thang, 2 bên vườn là những hàng nhãn chín muộn đang lúc lỉu quả. Bước vào trong xưởng, tôi “bắt gặp” chị Chung đang giao sản phẩm và hướng dẫn kỹ thuật làm cho một phụ nữ trẻ.

Sau khi giới thiệu, tôi thắc mắc: “Sao xưởng vắng thế chị?”, chị Chung vẫn không ngừng tay, vừa cười vừa bộc bạch: “Hôm nay ngày nghỉ, HTX lại vừa xuất xong đơn hàng nên tôi cho các chị em nghỉ. Mà gần đây, tôi không tổ chức sản xuất chính tại xưởng mà giao mẫu và nguyên liệu cho chị em mang về nhà làm. Khi nào xong, các đầu mối mang hàng đến bàn giao, nghiệm thu thôi”.

tu ban hang rong thanh ba chu my nghe "xuyen bien gioi" hinh anh 1

Chị Chung kiểm tra kỹ chất lượng sản phẩm trước khi làm thủ tục xuất khẩu. Ảnh: Văn Chiển

Vừa giúp chị khiêng các sản phẩm thủ công ra sân phơi, tôi vừa tranh thủ hỏi chuyện chị về sự ra đời của HTX và được biết: Cách đây khoảng 20 năm, khi vừa lấy chồng, do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, chị Hoàng Thị Chung phải đạp xe đi bán hàng rong mãi tận Chương Mỹ (Hà Nội), cách nhà vài chục cây số.

Đạp xe cực khổ, lời lãi chả được là bao nên một lần, lang thang vào làng Phú Vinh (Chương Mỹ), thấy người dân nơi đây có nghề làm mây tre đan mỹ nghệ vừa nhàn, hợp với mình, lại có thu nhập cao, chị quyết định xin vào học nghề. Do có năng khiếu, chỉ một thời gian ngắn, chị Chung đã nắm được hầu hết các kỹ thuật. Thấy “vốn liếng” đã đủ, chị Chung trở về mở xưởng thủ công tại nhà, rủ các chị em trong xóm cùng tham gia, thu hút được đông đảo lao động không chỉ trong xóm mà còn lan rộng ra các vùng lân cận.

Nhận thấy nghề này có thể phát triển theo hướng xuất khẩu, năm 2007, chị mạnh dạn bàn với chồng, xin địa phương hỗ trợ mặt bằng để thành lập HTX Mây tre, quyết tâm “làm lớn”. Từ 15.000m2 đất là khu ruộng trũng, quanh năm ngập nước, anh chị mua đất về vượt lên, san nền rồi xây dựng các nhà xưởng, nhà kho.

Thành lập xong HTX, với đầy đủ cơ ngơi, mặt bằng, cơ sở pháp lý, chị Chung bắt đầu đi tìm kiếm nguồn nguyên liệu và đầu ra cho sản phẩm. Ban đầu là những đối tác truyền thống, ở gần, sau đó, bạn hàng của chị xa dần, vào đến TP.Hồ Chí Minh rồi “vượt biên” sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Australia, Đài Loan…

Vừa chào hàng tại các hội chợ hàng mỹ nghệ, chị vừa lập trang web, đưa sản phẩm lên mạng giới thiệu. Số lượng đối tác biết đến sản phẩm của chị ngày càng nhiều, các đơn đặt hàng tăng lên dần. Có thời điểm, HTX của chị ký hợp đồng với 600-700 lao động, không chỉ ở trong tỉnh, mà có những đầu mối từ Thái Bình, Hà Tây (cũ), Hà Nam… tin tưởng sang nhận hàng của chị về làm. Ngoài những mẫu hàng truyền thống, chị còn tích cực mày mò, tự thiết kế thêm mẫu để khách hàng lựa chọn. Đến nay, chị đã làm trên 1.000 mặt hàng, trong đó, có những đơn hàng khách yêu cầu đến…18 mẫu mã.

Tôi hỏi: “Chị không được đào tạo về kinh doanh, ngoại ngữ cũng không biết, vậy mà dám làm ăn với đối tác nước ngoài. Chị không sợ bị lừa à?”. Chị cười: “Tất nhiên, thủ tục mua bán mình phải qua công ty trung gian. Nhưng quan trọng là, đối tác nước ngoài họ rất trọng chữ tín. Gần hai chục năm làm ăn với đối tác nước ngoài, mình chưa bị lừa lần nào”.

Vẹn tâm, vẹn tài

Khi bắt đầu thành lập HTX, chị Chung đã nghĩ ngay đến việc tạo việc làm cho những chị em hoàn cảnh khó khăn, thiếu công ăn việc làm, đặc biệt là đối tượng khuyết tật của địa phương. Với những chị em khuyết tật, chị đến tận nhà hướng dẫn cách làm sản phẩm, rồi động viên, giao hàng cho làm.

Trong số công nhân của chị, có thể kể đến chị Đinh Thị Hòa ở thôn Cẩm Khê, xã Liên Khê, cách đây 3 năm bất ngờ bị tai nạn xe máy, mất một bên chân. Gia đình chị vốn nghèo khó, giờ bị thương tích như vậy khiến cuộc sống càng vất vả hơn.

Đang lúc cùng cực nhất, chị Chung đến nhà và vận động chị học nghề mây tre đan, rồi giao nhân viên mang nguyên liệu đến nhà, tận tình giúp đỡ chị Hòa học nghề. Sau 2 tháng kiên trì tập luyện, chị Hòa đã đan được các mẫu do chị Chung đưa đến. “Giờ đây mỗi tháng tôi kiếm được gần 3 triệu đồng. Có việc làm, có thu nhập, tôi có niềm tin vào cuộc sống. Nếu không có chị Chung, tôi cũng chưa biết cuộc đời mình trôi về đâu” - chị Hòa rơm rớm nước mắt khi tâm sự với  tôi.

Ngoài trường hợp đặc biệt trên, từ khi thành lập HTX, chị Chung đã dạy nghề và tạo việc làm cho hàng trăm người khuyết tật. Không chỉ mang nguyên liệu đến tận nhà dạy nghề cho những phụ nữ kém may mắn, mỗi năm HTX còn đón khoảng 20 người khuyết tật ở quanh vùng về dạy nghề tập trung và ưu tiên tạo việc làm cho họ.

Chị Chung cho biết: “Ngoài cơ sở chính tại đây, mình còn có 2 cơ sở sản xuất hàng thủ công từ bèo Tây tại xã Dạ Trạch, Bình Minh, cách đây gần chục cây số. Hai cơ sở này cũng tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động trên địa bàn”. Tôi tò mò hỏi: “Mấy năm nay, kinh tế biến động, HTX của mình có gặp khó khăn gì không?”.

Nghĩ một lát, chị trầm ngâm: “Cũng bị ảnh hưởng, vì đầu ra sản phẩm của mình chủ yếu là khách nước ngoài. Nhưng nhờ có uy tín, chất lượng sản phẩm cao, mẫu mã đẹp, đa dạng nên đơn hàng không bị giảm nhiều, các lao động vẫn được bảo đảm việc làm thường xuyên. Nhiều cơ sở trước đây họ còn lớn hơn HTX của mình, nhưng giờ phải sang đây nhận mẫu hàng về làm. Thế mới biết, với mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, ngoài đôi tay, còn cần cả uy tín, khối óc và cái… duyên nữa”.

Tôi mạnh dạn hỏi về lợi nhuận của HTX, chị Chung chỉ cười: “Có đáng gì đâu em! Lợi nhuận lớn nhất là giúp đỡ được nhiều người!”. Biết là chị khiêm tốn, tôi không hỏi thêm, nhưng qua đánh giá của cơ quan chức năng, tôi biết, mỗi năm, lợi nhuận của HTX ước đạt vài trăm triệu đồng, thậm chí còn có thể hơn

Theo Dân Việt


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.