Uber, Grab một tuần đột biến: Bỗng nhiên tiền lại về nhiều

Kể từ khi Hà Nội ra quân đòi lại vỉa hè cho người đi bộ, nhiều hàng quán đã từ chối nhận trông xe của khách, đặc biệt là với khách đi xe ô tô

Kể từ khi Hà Nội ra quân đòi lại vỉa hè cho người đi bộ, nhiều hàng quán đã từ chối nhận trông xe của khách, đặc biệt là với khách đi xe ô tô. Nhờ thế, Uber và Grab lại được lợi. Một tuần qua, dân chạy xe Uber và Grab bất ngờ với lịch chạy xe kín mít, tiền bỗng nhiên lại về nhiều sau nhiều tháng sụt giảm.

Vừa đặt tiệc trưa ở một nhà hàng tại Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội), khách hàng đã nhận được tin nhắn phải tự túc chỗ để xe nếu đi ô tô. Đây là một trong nhiều nhà hàng tại khu vực trung tâm không có chỗ để xe ô tô và nhắc nhở khách tới quán thời điểm này nên đi taxi hoặc các dịch vụ đặt xe như Uber hay Grab.

Anh Nguyễn Nam Hải, một thực khách, kể mấy ngày nay đi ăn trưa với đối tác, anh đành phải đểô tô ở chỗ làm và đi Uber. “Đi ăn mất tới 200.000 đồng cho hai chuyến đi và về từ công ty tới nhà hàng do họ thông báo không nhận trông xe. Giờ trưa cao điểm nên giá thường đắt gấp nhiều lần so với bình thường”, anh Hải cho biết.

chỗ để xe, Uber, Grap, Hà Nội, vỉa hè, taxi, đòi lại vỉa hè, uber tăng giá cước, grab tăng giá cước, đi ô tô
Nhiều nhà hàng thông báo không nhận trông xe ô tô

Theo anh Hải, nếu cấm hàng quán để xe ở vỉa hè, các dịch vụ đặt xe sẽ rất đắt khách. So với giá taxi vẫn rẻ hơn nên nhiều người lựa chọn đặt xe trên Grab hay Uber. Thông thường như anh Hải, nếu di chuyển một mình anh sẽ chọn loại hình xe máy với mức giá chỉ vài chục nghìn đồng/chuyến.

Tuy nhiên, giờ cao điểm, Uber và Grab nhân hệ số nên mức giá cao ngang ngửa, thậm chí đắt hơn taxi thông thường. Đơn cử như cách đây vài hôm, anh Hải đặt xe từ công ty về Linh Đàm, mức cước thông báo UberX hơn 200.000 đồng. Trong khi đó, bình thường anh đi cung đường này có 60.000 đồng.

Tương tự như vậy, chị Trần Thị Mai (quận Thanh Xuân, Hà Nội) mấy ngày nay cũng đều phải đi ăn trưa bằng Grab và Uber. Chi phí ăn trưa của nhóm chị Mai mấy ngày nay đều tốn thêm hơn 100.000 đồng tiền xe, trong khi chị gọi taxi bình thường cùng quãng đường này chỉ hết 50.000 đồng.

Chị Mai cho hay: “Nhiều quán không có chỗ đỗ xe phải gửi ở rất xa nên lái ô tô đi ăn trưa rất bất tiện. Mình đi Grab hay Uber có đắt một chút nhưng tới nơi là vào quán, không phải nhấp nhổm lo lắng xe để ngoài bị phạt. Thường thì chỉ tầm trưa hoặc chiều, giờ tan tầm giá mới nhân đôi thì mấy ngày nay, giờ nào tôi gọi xe cũng thấy nhảy tiền gấp đôi”.

chỗ để xe, Uber, Grap, Hà Nội, vỉa hè, taxi, đòi lại vỉa hè, uber tăng giá cước, grab tăng giá cước, đi ô tô
Cùng một quãng đường nhưng có thời điểm mức giá đắt gấp đôi

Nhiều khách hàng ở Hà Nội phản ánh rất khó gọi taxi, kể cả taxi truyền thống lẫn Uber hay Grab trong vài ngày gần đây. Nếu muốn gọi xe, khách hàng phải chấp nhận trả thêm tiền cước với mức tăng vào giờ cao điểm thiếu xe với hệ số 1,4-1,7x cho đến 2,3x lần so với mức cước bình thường. Có một số thời điểm, gần như hệ số cao điểm này không có dấu hiệu sụt giảm và khách hàng phải chấp nhận trả cước cao gấp hai, ba lần so với taxi thông thường.

Anh Nguyễn Văn Quang, một lái xe Uber cho hay, số lượng khách đặt đi ăn vào buổi trưa thời điểm gần đây có tăng lên. 

“Hà Nội cấm để xe vỉa hè, Grab và Uber chắc chắn sẽ có thể được hưởng lợi do một bộ phận nhỏ chuyển sang đặt xe trên ứng dụng để đi cho tiện, không phải lo chỗ đỗ. Mình chạy cả buổi trưa toàn cuốc có vài km, thỉnh thoảng mới có khách đi xa”, anh Quang cho hay.

Tận dụng cơ hội này, nhiều lái xe tranh thủ kiếm thêm thu nhập. Chạy ba chuyến buổi trưa với tổng số tiền hơn 400.000 đồng, anh Nguyễn Hoàng Giang chia sẻ, gần đây số lượng khách đặt xe đi buổi trưa tăng lên. Trung bình mỗi ngày thu nhập của anh khoảng 800.000 đồng. 

Mặc dù, Uber và Grab đang đẩy mạnh mở rộng thị trường. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều người tiêu dùng, việc mức cước phí tăng đã khiến hình thức đặt xe này không còn nhiều hấp dẫn, người tiêu dùng sẽ chọn taxi hoặc thậm chí hạn chế đi lại để giảm các chi phí.

Theo VietNamNet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.