Vì miếng ăn, đua 'xẻ thịt' vỉa hè về đêm

Để cải thiện cuộc sống vốn "thắt lưng buộc bụng" thời khó, một số công chức, sinh viên tranh thủ thời gian nhàn rỗi để kiếm thêm bằng cách đua nhau "xẻ thịt" vỉa hè về đêm để kinh doanh.

Để cải thiện cuộc sống vốn "thắt lưng buộc bụng" thời khó, một số công chức, sinh viên tranh thủ thời gian nhàn rỗi để kiếm thêm bằng cách đua nhau "xẻ thịt" vỉa hè về đêm để kinh doanh.

Bất đắc dĩ, vỉa hè biến thành... siêu thị

Với nhiều người, vỉa hè là nơi mưu sinh, kiếm tiền hàng ngày, nhưng nay cũng biến thành nơi tăng gia thu nhập, làm thêm của giới công chức, học sinh, sinh viên. Đặc biệt, khi về đêm, nơi đây trở nên đông đúc lạ thường với sự góp mặt của đủ các thành phần, bán đủ các loại mặt hàng nhưng chỉ với một mục đích là "mưu sinh" và trụ vững tại đất thủ đô.

Mấy năm trở lại đây, phong trào mở quán trà chanh đã trở thành trào lưu được nhân rộng. Trà chanh từng được coi là "chủ nghĩa xê dịch" của giới trẻ thời hiện đại. Nhu cầu tăng vọt khiến hàng ngàn quán trà chanh được mở ra, lớn có, nhỏ có nhưng nhiều nhất vẫn là các quán mở la liệt ở vỉa hè.

Là sinh viên năm 4 Đại học Luật Hà Nội, Nghĩa và Tiệp cũng hùn vốn mở một quán trà chanh nhỏ ngay tại đầu ngõ 165 Xuân Thủy, Hà Nội. Tài sản chỉ gồm vài bàn ghế nhựa, cốc chén và vài cái hộp đựng các đồ pha chế. Chỉ bán trà chanh và nước sấu nhưng công việc này đêm đến nhiều niềm vui và thu nhập hơn sức tưởng tượng. Nghĩa chia sẻ: "Buổi tối bán hàng ở đây vừa vui lại có thêm nhiều người bạn mới, thu nhập cũng góp phần trang trải cuộc sống sinh viên phần nào".

Mở được hơn 3 tháng, bán từ 5h chiều đến 11h đêm với về nhà, công việc học tập kết hợp buôn bán khá bận rộn, vất vả, tuy nhiên các chàng trai này vẫn đảm bảo việc học và vui vẻ. Được biết, Nghĩa khá khéo tay, biết làm rất nhiều các loại đồ uống: trà chanh, trà quất mật ong, trà bạc hà, nước sấu, sữa chua đánh đá... Làm mọi việc để kiếm sống, đến nay, Nghĩa thực sự hài lòng với quán trà nho nhỏ nhưng đông khách mỗi tối.

Mở quán trà chanh giúp nhiều sinh viên có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Nghỉ hè hơn hai tháng nhưng Nghĩa và Tiệp đã quyết định ở lại Hà Nội, bám trụ với quán trà chanh này. Tiệp cho biết cũng muốn thuê cửa hàng bán cho đàng hoàng nhưng chí phí lớn quá, kham không nổi. Nay thấy bán vỉa hè thế này quá tốt, vốn không cần nhiều mà khách hàng vẫn đông.

Vỉa hè giờ đây đã thực sự trở thành nơi mưu sinh về đêm của hai chàng sinh viên có ý chí tự lập sớm.

Nghĩa còn cho hay: "Nhiều bạn sinh viên không chỉ tranh thủ bán buổi tối mà hè này, được nghỉ học nên bán cả ngày". Đi dọc tuyến đường Xuân Thủy, rồi tại các con ngõ nhỏ, chẳng thiếu những sinh viên mở quán trà đá, trà chanh.

Tương tự, là một công chức Nhà nước tại quận Ba Đình (Hà Nội), sáng đi làm hành chính, chiều về là anh Bùi Văn Luận - quê ở Thiệu Sơn, Thanh Hóa - lại rong ruổi trên chiếc xe đẩy treo đầy móc quần áo với mong muốn kiếm thêm thu nhập gửi về cho gia đình. Lương công chức chưa được 3 triệu/tháng, trang trải cuộc sống, ăn uống, tiền ở trọ cũng hết và hầu như anh không có tiền gửi về phụ giúp cho gia đình, con cái.

Anh Luận kể rằng, gần đây tối nào anh cũng dọn hàng bán đều đặn trên phố Trần Quốc Hoàn, bắt đầu từ 6h và kết thúc vào 11h đêm. Công việc vất vả, bữa tối của anh là ngay tại đường. Xe đẩy của anh chủ yếu bán các loại quần áo thời trang nhưng chất lượng cũng vừa tầm và hướng đến khách bình dân. Khi được hỏi về thu nhập mỗi đêm bán hàng, anh Luận tâm sự: "Hôm nào bán được nhiều thì còn ổn, chứ bán được ít thì lãi cũng ít đi".

Nghiệp dư, không khéo bán hàng như dân kinh doanh buôn bán chuyên nghiệp tại các chợ nhưng anh Luận khẳng định: "Buôn bán vỉa hè khá dễ dàng chứ không khó như mình tưởng. Khách hàng lại dễ tính. Nhờ vậy, mỗi ngày anh cũng bán được vài chục cái cả quần lẫn áo".

Những người buôn bán vỉa hè chuyên nghiệp, một ngày họ có thể bán ra số hàng gấp cả chục lần mình, anh Luận cho biết.

Thu nhập từ xe đẩy bán quần áo của anh Luận là lương chính của anh mỗi tháng.

Từ kiếm thêm... chuyển thành thu nhập chính

Khi hỏi về số tiền kiếm được từ công việc bán quần áo vỉa hè, anh Luận vui mừng chia sẻ: "Mới đầu, tôi bán hàng vỉa hè chỉ với mục đích kiếm thêm đồng ra đồng vào để thoải mái hơn trong chuyện chi tiêu. Nhưng, thành thật mà nói, số tiền kiếm được từ việc làm thêm này không những gấp đôi số tiền lương hàng tháng mà còn trở thành nguồn thu nhập chính".

Anh cũng nói rằng, nhờ gánh hàng rong này, mỗi tháng anh có thể giải được bài toán về phí sinh hoạt, đồng thời một tháng có thể gửi được trên 3 - 4 triệu đồng về phụ giúp vợ nuôi con nhỏ. Giờ đây, bán hàng thời trang rong đã trở thành chiếc phao giữ gìn hạnh phúc gia đình anh.

Với Nghĩa và Tiệp, gánh nặng cơm áo chưa đến mức bị đè nặng lên vai như anh Luận nhưng trong thời buổi hiện tại, số tiền ít ỏi gia đình cho hàng tháng không thể đủ để sống thoải mái giữa đất Thủ đô. Tiệp cho biết: "Quán tuy nhỏ nhưng mỗi tối có thể bán 20 - 30 cốc trà canh, sấu đá, chưa tính các thức uống khác như: trà đá, nhân trần, hướng dương... ". Còn Nghĩa thì khẳng định: "Bỏ rẻ mỗi buổi tối hai người ngồi bán cũng được 200.000-300.000 đồng. Hôm nào trời nóng thu nhập sẽ tăng theo. Tuy nhiên, gặp hôm trời mưa, quán chỉ lãi được khoảng 50.000 đồng thôi".

Hai sinh viên này cho biết tính ra một tháng thu nhập trung bình vào khoảng 5 - 6 triệu đồng từ quán trà chanh. Nghĩa tiết lộ "vốn ban đầu chỉ hơn 1 triệu đồng, bán 10 ngày đã lấy lại được gốc. Giờ thì chỉ việc ngồi làm và thu tiền lãi".

Là sinh viên, công chức chỉ cần bỏ vài tiếng đồng hồ ra vỉa vẻ buôn bán vào buổi tối có ngay khoản thu nhập gấp đôi, gấp ba lần khoản tiền lương đi làm và tiền "viện trợ" từ gia đình hàng tháng nên đã hút không ít người trong giới này đua nhau xẻ thịt vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán.

Hiện nay, trên khắp các vỉa hè của các con phố Hà Nội, không nơi nào thiếu vắng hàng rong, cửa hàng, quán ăn vỉa hè từ mờ sáng cho đến tối khuya. Văn hóa vỉa hè đã trở thành quen thuộc, phổ biến đến từng người dân Việt. Là nơi buôn bán không phải lo nghĩ nhiều, vỉa hè là nơi làm ăn tốt nhất của dân kinh doanh nhỏ lẻ ngoại tỉnh. Mới đây, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội ra quy định cấm bán hàng rong, họp chợ trên các tuyến phố, ngõ ngách. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu việc cấm gắt gao và thực hiện nghiêm chỉnh, bộ mặt giao thông đô thị Hà Nội sẽ được cải thiện nhưng hàng vạn người dân đã và đang mưu sinh trên vỉa hè sẽ đi về đâu khi họ không còn nơi nào để bấu víu?

Theo VEF


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.