Xuất khẩu lao động sang Nhật Bản: Cẩn thận “chiêu” lừa mới

Lợi dụng một số chương trình tuyển chọn lao động đi làm việc tại Nhật Bản (của Bộ LĐ-TB&XH), tại một số địa phương, bắt đầu xuất hiện hình thức lừa đảo mới với những người lao động (NLĐ) chưa được cập nhật chính sách.

Lợi dụng một số chương trình tuyển chọn lao động đi làm việc tại Nhật Bản (của Bộ LĐ-TB&XH), tại một số địa phương, bắt đầu xuất hiện hình thức lừa đảo mới với những người lao động (NLĐ) chưa được cập nhật chính sách.

Lừa sinh viên mới ra trường

Nắm bắt thực tế sinh viên vừa ra trường đang có nhu cầu về việc làm, một số cá nhân, tổ chức “tung quân” để chiêu dụ sinh viên đi làm việc tại Nhật Bản. Chị L.T.Hảo, quê ở Bắc Giang, vừa nhận bằng cử nhân điều dưỡng tại Trường Đại học Y dược Thái Nguyên cho PV biết: “May được người nhà cảnh báo, nếu không vừa rồi tôi đã nộp 5.500 USD cho một Cty ở Hải Phòng để đăng ký đi Nhật Bản làm hộ lý”.

Theo chị Hảo, có hai người xưng là nhân viên của Cty Cổ phần du lịch và Dịch vụ dầu khí Hải Phòng (đi cùng hai người Nhật Bản) đến Đại học Y dược Thái Nguyên để tuyển sinh viên đi làm hộ lý. 

“Để được tham gia chương trình, sinh viên phải nộp bằng tốt nghiệp đại học bản gốc và đóng khoản phí 5.500 USD. Thấy nghi ngờ, tôi điện thoại cho người thân để hỏi. Hoá ra, chương trình tuyển chọn sinh viên đi làm điều dưỡng, hộ lý do một đơn vị của Bộ LĐ-TB&XH được phép triển khai, không bắt buộc phải nộp bằng đại học bản gốc”, chị Hảo kể.
 

Lao động Việt Nam làm việc một nhà máy ở Kagawa-Hokto, Nhật Bản. Ảnh: Phạm Dũng


Không riêng chị Hảo phản ánh mà gần đây, qua đường dây nóng, PV Tiền Phong nhận được nhiều đơn thư “tố” một số cá nhân, tổ chức công khai đứng ra tuyển chọn, thu tiền của nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng y dược để đưa sang Nhật. Tuy nhiên, qua số điện thoại được NLĐ cung cấp, PV không liên lạc được.

Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục công bố chương trình tuyển chọn lao động 19 tỉnh tham gia chương trình thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản. Sau khi công bố (Bộ LĐ-TB&XH giao cho Trung tâm Lao động Ngoài nước thực hiện - PV), nhiều “cò mồi” còn liều lĩnh xuất hiện tại một số tỉnh không được tham gia chương trình (như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình) để lừa tiền NLĐ. Vì cả tin, nhiều lao động đã đưa cho “cò mồi” hàng trăm triệu đồng, đến nay chưa lấy lại được.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, chương trình tuyển chọn điều dưỡng và hộ lý làm việc tại Nhật Bản do Cục trực tiếp tuyển chọn; còn chương trình tuyển chọn lao động 19 tỉnh tham gia thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản do Trung tâm Lao động Ngoài nước thực hiện. “Ngoài hai đơn vị trên, không một cá nhân, tổ chức nào được phép”, ông Quỳnh nói.

Điều kiện nào được đi Nhật?

Trao đổi với Tiền Phong, ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Lao động Ngoài nước cho biết, có 19 tỉnh (Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Trị, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Thái Bình, Đắk Lắk, Phú Yên, Bình Định, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Tháp) được phép tham gia chương trình thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản. 

Mỗi tỉnh được giới thiệu 80 người tham gia khóa đào tạo trước khi tuyển chọn. Lao động đủ điều kiện tham gia chương trình được gọi là thực tập sinh, được tu nghiệp và thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản trong thời gian 3 năm. 

NLĐ sẽ được hưởng trợ cấp 80.000 yên/tháng (khoảng 16 triệu đồng) trong thời gian tu nghiệp (1 tháng đầu) và hưởng lương theo hợp đồng ký với Cty tiếp nhận Nhật Bản trong thời gian thực tập kỹ thuật với mức tối thiểu trong năm thứ nhất và thứ hai 90.000 yên/tháng, năm thứ ba 100.000 yên/tháng. 

Ngoài ra, còn được bảo hiểm trong thời gian tu nghiệp và thực tập kỹ thuật. Sau khi hoàn thành chương trình thực tập, về nước đúng hạn, sẽ được Hiệp hội Phát triển nhân lực quốc tế các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản (IM Japan) hỗ trợ 600.000 yên/người để khởi nghiệp.

Theo ông Minh, điều kiện đăng ký dự tuyển là nam giới (tuổi từ đủ 20 đến 30), tốt nghiệp THPT hoặc tương đương trở lên, cao trên 1,60m; không xăm mình, không bị tật nguyền, dị tật, không sẹo; không bị cận thị, nhược thị, rối loạn sắc giác; có đủ sức khỏe để đi làm việc ở nước ngoài theo quy định; có đạo đức tốt, ý thức kỷ luật tốt, không có tiền án.... 

“Các ứng viên tham gia chương trình sẽ phải trả chi phí đào tạo dự bị, ăn, ở trong thời gian tham dự các khóa đào tạo; chi phí khám sức khỏe, làm visa. Các chi phí về đào tạo tiếng Nhật và bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi xuất cảnh sẽ do IM Japan đài thọ”, ông Minh cho biết.

Trong khi đó theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, chương trình tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý làm việc tại Nhật Bản (do Cục Quản lý Lao động Ngoài nước triển khai): Ứng viên điều dưỡng sẽ tạm trú ở Nhật 3 năm; hộ lý tạm trú 4 năm. 

Nếu được tuyển, các ứng viên sẽ được đào tạo miễn phí 12 tháng tiếng Nhật (được cung cấp chỗ ăn, ở và sinh hoạt miễn phí). Khi làm việc tại Nhật, mức lương của điều dưỡng từ 34-37 triệu đồng/tháng; hộ lý khoảng 37-40 triệu đồng/tháng. Ngoài mức lương trên, ứng viên sẽ được nhận các khoan phụ cấp tương ứng với hiệu quả làm việc.


Theo Tiền Phong


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.