8 người tử vong sau khi ăn cỗ đám ma: Bí ẩn can rượu 30 lít

Vợ Phu Vần Lèng cho biết, khi tổ chức đám ma cho chồng, gia đình bà đã ra quán tạp hóa mua một can 30 lít rượu về mời khách.

Vợ Phu Vần Lèng cho biết, khi tổ chức đám ma cho chồng, gia đình bà đã ra quán tạp hóa mua một can 30 lít rượu về mời khách. Sau khi uống loại rượu này thì 4 người con của bà cũng như rất đông người đến ăn cỗ có biểu hiện bất thường.

>>
Toàn cảnh 8 người chết sau ăn cỗ đám ma

Số người có triệu chứng ngộ độc rượu tăng đột biến

Thông tin mới nhất của UBND tỉnh Lai Châu đến thời điểm hiện tại, vụ ngộ độc thực phẩm do ăn uống ở đám tang tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ đã tăng lên 68 ca, trong đó có 8 người chết.

Đáng lưu ý, trong ngày 18/2, qua khám sàng lọc tại các xã lân cận, cơ quan chức năng phát hiện thêm 27 người uống rượu bên ngoài và có triệu chứng ngộ độc.

Các trường hợp này nhanh chóng được chuyển lên tuyến trên để kiểm tra, nâng tổng số các ca ngộ độc ở trong và ngoài đám tang lên con số 95. Theo nhận định của nhà chức trách, tình trạng ngộ độc tại huyện Phong Thổ đang có diễn biến phức tạp.

Phía Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết, nạn nhân mới và nặng nhất do ngộ độc tại đám tang là ông Chang A Hờ (60 tuổi, bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải). Ông Chải hiện đang được lọc máu, chạy thận nhân tạo trong tình trạng nguy kịch.

Đa số các nạn nhân phát hiện sau đã đi làm và nghỉ tại lán nương sau khi dự đám tang của nạn nhân Phu Vần Lẻng. Khi được chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động và thấy có biểu hiện ngộ độc thì được gia đình đưa về cấp cứu, điều trị.

 Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân trong vụ ngộ độc tập thể ở Lai Châu. Ảnh: Nhật Tân
Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân trong vụ ngộ độc tập thể ở Lai Châu. Ảnh: Nhật Tân

Chính quyền địa phương cũng đang chỉ đạo các cơ sở y tế từ tỉnh đến xã tiếp tục tập trung và ưu tiên đặc biệt cho công tác thu dung, cứu chữa các nạn nhân vụ ngộ độc thực phẩm trong và ngoài đám tang, hạn chế tối đa tình trạng tử vong. Công tác khắc phục và các biện pháp phòng ngừa vụ ngộ độc thực phẩm vẫn tiếp tục được địa phương duy trì triển khai.

Ông Dương Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu chia sẻ: “Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo chính quyền, các ban ngành, đoàn thể của xã tập trung vận động nhân dân các dân tộc trên địa bàn không dùng rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ và chấm dứt việc dùng rượu tại các đám ma và đưa vào hương ước, quy ước của bản”.

Hôm nay (19/2), chính quyền huyện Phong Thổ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền cấp xã của địa phương vào cuộc, vận động người dân giao nộp, tiêu hủy rượu và nếu có sử dụng rượu mua ở khu vực xã Sì Lở Lầu thì tiếp tục đến các Trạm Y tế để khám sàng lọc.

Tang thương phủ trắng quê nghèo

Chưa bao giờ một vùng rẻo cao yên bình lại gặp một chuyện kinh hoàng như thế. Cả huyện có cả trăm người nhập viện vì ngộ độc, 8 người đã tử vong.

Ông Phu Cha Pô, Phó Chủ tịch UBND xã Ma Ly Chải tâm sự: “Một ngày có 7 người trong xã chết đã khiến nhân dân hoang mang, nhiều gia đình ở bản Tả Chải dọn lên lán ở vì họ sợ bệnh tật. Cô giáo tới lớp không có học sinh nên phải tạm nghỉ. Nhưng đến nay các lực lượng đã vận động họ trở về nhà hết rồi”.

Nhà ông Phu Vần Lèng – nơi diễn ra đám ma và tổ chức ăn cỗ ngày 12/2 mời dân làng và xảy ra ngộ độc khiến 7 người thiệt mạng nằm ở ngay đầu bản. Trong nhà vắng lặng như tờ bởi 4 người con ông Lèng (2 con trai, 1 con gái, 1 con rể) đều đang cấp cứu trong bệnh viện.

 Chợ Sì Lở Lầu - Nơi gia đình bà Mẩy (vợ ông Phu Vần Lèng) mua rượu.
Chợ Sì Lở Lầu - Nơi gia đình bà Mẩy (vợ ông Phu Vần Lèng) mua rượu.

Kể lại sự việc vừa qua, bà Mẩy không cầm được nước mắt. Bà cho biết, thường ngày ông Lèng hay mua rượu tại cửa hàng tạp hóa Hương Dìn của Phùng Thị Hương ỏ chợ Sì Lở Lầu (xã Sì Lở Lầu) về uống. Ngày 10/2, ông Lèng mua 1 lít rượu ở hàng tạp hóa Hương Dìn về uống. Đến trưa ông có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, không nhìn thấy.

Bà Lèng đang làm nương thì thấy con gọi báo về bố bị ốm. Vừa bước vào nhà bà thấy chồng kêu đau, sau đó ông Lèng uống tiếp một chén rượu nữa. Một tiếng sau, biểu hiện của ông càng nặng hơn, sau đó là tử vong khi chưa kip đưa đi viện.

Theo bà Mẩy thì để làm cơm trước ngày đưa ông Lèng ra đồng, gia đình tôi có lên hàng tạp hóa Hương Dìn mua một can 30 lít rượu. Ngày 12/2, số rượu này được rót ra mời khách, gia đình bà không pha gì vào rượu, mua thế nào thì uống như thế.

Nhắc tới nỗi đau này, bà Mẩy không khỏi lo lắng vì 4 người con đang trong bệnh viện không biết sống chết ra sao. Trong đó 2 anh con trai là Phu A Tư, Phu A Sử là 2 bệnh nhân nặng nhất. Nỗi áy náy dâng tràn trên khóe mắt của người phụ nữ Hà Nhì khi tại bữa cỗ nhà mình đã kéo theo nhiều người thiệt mạng.

 Những can rượu đang được niêm phong chờ kết luận giám định của cơ quan chức năng. Ảnh: Trần Hằng – Nguyễn Hương
Những can rượu đang được niêm phong chờ kết luận giám định của cơ quan chức năng. Ảnh: Trần Hằng – Nguyễn Hương

Ma Ly Chải là xã biên giới, 100% là dân tộc Hà Nhì sinh sống, 75% là hộ nghèo, đời sống của đồng bào còn vô vàn khó khăn. 8 nạn nhân tử vong đều là trụ cột chính trong gia đình, khó khăn với người ở lại càng thêm chồng chất.

Kể về nỗi đau mất người thân, chị Cồ Hừ Sừ, 40 tuổi nức nở: “Tôi đang ở trên lán thì thằng con trai lớn hớt hải lên gọi bố bị ốm. Vừa về tới nhà đã thấy anh ấy rơi vào hôn mê. Nghe cháu nó bảo chiều bố ngủ dậy kêu đau đầu, hoa mắt, không nhìn thấy gì. Nó vội vã đi gọi bà và mẹ, nhưng sau 2 tiếng đưa đến trung tâm y tế thì anh ấy tử vong trong cơn đau dữ dội”.

Chồng chị Sừ là anh Ma Gà Po, Phó Chủ tịch HĐND xã Ma Ly Chải, cũng tham gia bữa cỗ đám ma tại nhà ông Lèng. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì những nạn nhân tử vong cũng thường mua rượu ở chợ Sì Lở Lầu về uống và chưa xảy ra ngộ độc rượu lần nào.

Ngày 10/2 gia đình ông Phu Vần Lèng (dân tộc Hà Nhì, ở bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, Lai Châu) tổ chức ăn cơm uống rượu. Đến tối, ông Lẻng có triệu chứng đau đầu, buồn nôn và tử vong lúc 22h cùng ngày.

Sau khi ông Lèng chết, gia đình tổ chức hậu sự. Người dân trong bản đến ăn cơm, uống rượu trong các ngày 11, 12 và 13 theo phong tục. Đến ngày 13/2, xảy ra hiện tượng nhiều người bị đau đầu, buồn nôn, giãn đồng tử và tử vong.

Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh, đến thời điểm hiện tại đã có 8 người tử vong (gồm cả ông Phu Vần Lèng). Số người nhập viện do ngộ độc vẫn tiếp tục tăng và có diễn biến phức tạp.


Theo Nhật Tân (Giadinh.net.vn)

ngộ độc sau bữa tối

ngộ độc 7 người chết

vụ ngộ độc ở Lai Châu


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.