>> Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ồ ạt nhập viện, bệnh viện bỏ cả hội trường thành lập khu điều trị dã chiến
Đau đớn khi nhìn mẹ co giật, hôn mê
Mất cha từ khi lên 4 tuổi, giờ đây Phạm Đức Cường (15 tuổi, ở Vĩnh Hưng, Hoàng Mai) có thể sẽ phải đối mặt với nỗi đau mất mẹ do căn bệnh sốt xuất huyết gây nên.
Ngồi ngoài hành lang khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), Cường cố nhìn qua khe cửa hẹp để thấy hình ảnh mẹ ở phía trong.
Trong lúc chưa được vào với mẹ, Cường luôn thấp thỏm nhìn qua khe cửa hẹp.
Mẹ Cường phía trong đang trong tình trạng hô mê sâu
Cường cho biết: “Từ hôm mẹ rơi vào tình trạng hôn mê, cháu không thể nào chợp mắt được. Mỗi khi chợp mắt cháu lại nghĩ đến hình ảnh mẹ bị co giật do căn bệnh sốt xuất huyết gây nên”.
Mẹ Cường đang phải sống dựa vào sự hỗ trợ hoàn toàn từ máy móc.
Theo chia sẻ của Cường, từ ngày 21/7 mẹ Cường là chị Nguyễn Thị Nhung (36 tuổi) bắt đầu có biểu hiện sốt, đến ngày 23/7 thì có biểu hiện sốt cao, kèm theo đó là những cơn co giật.
"Con rơi nước mắt khi nhìn mẹ hôn mê, co giật vì sốt xuất huyết. Hàng vạn người mắc không sao, thế mà mẹ con phải chịu đau đớn thế này"
“Quá lo lắng, mọi người đưa mẹ cháu vào Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cấp cứu, tại đây các bác sĩ đã chữa trị kịp thời và không còn co giật nữa”, Cường nhớ lại.
Tưởng rằng mẹ mắc sốt xuất huyết cũng như hàng vạn người khác, chỉ sốt, truyền dịch rồi sẽ khỏi.Nhưng sau 3 ngày vào viện, bỗng dưng chị Nhung lại lên cơn co giật, rối loạn đông máu và rơi vào trạng thái hôn mê từ đó đến nay.
“Ngày 26/7, mẹ cháu bị xuất huyết nội tạng, suy thận, suy gan, phù nề khắp người và bất tỉnh cho đến ngày hôm nay. Hàng ngày bệnh viện vẫn lọc máu, chạy thận, hút dịch ...
Nhưng bác sĩ nói mọi thứ vẫn không biến chuyển gì. Không biết mẹ cháu có qua khỏi được không”, vừa nói đến đó, bác sĩ ở trong phòng bệnh lại gọi Cường vào để dặn dò việc chăm sóc mẹ.
Nếu tử vong sẽ hiến tạng và hiến xác cho y học
Ở ngoài hành lang, chị Phạm Hà Phương (cô của Cường) chia sẻ: “Từ hôm chị Nhung bị bệnh, thằng bé nó gầy rộc hẳn đi. Mỗi khi bác sĩ thông báo tiền tạm thu, mặt nó lại trĩu xuống, làm sao có đủ hơn 200 triệu đồng để nộp viện phí cho mẹ cháu bây giờ”.
Hóa đơn tạm tính đến ngày 7/8 của mẹ Cường.
Theo chị Phương, mẹ của Cường làm nghề tự do và mới xin được vào làm lễ tân tại một thẩm mỹ viện. Tưởng chừng đó sẽ là công việc lâu dài, ổn đình để kiếm tiền nuôi con ăn học, ai ngờ…
“Năm nay Cường vào lớp 10 rồi, mấy hôm nay cháu phải nghỉ học để chăm mẹ. Cứ tình hình này, không biết cháu có còn theo học được nữa không”, chị Phương nói.
Được biết, mới đây Cường đã viết một bức “tâm thư” với tựa đề: “Mẹ ơi, cố lên mẹ!”. Viết trong bức “tâm thư”, Cường chỉ hy vọng phép màu sẽ đến với mẹ, cầu mong mẹ sẽ qua khỏi để ở bên Cường, chăm lo cho Cường để tiếp tục nuôi ước mơ tới trường.
Nhiều khả năng Cường phải dừng ước mơ cắp sách tới trường.
“Ông bà ngoại con đã mất, bên nội con chỉ còn mỗi bà nội đã già và cũng ốm đau bệnh tật thường xuyên phải điều trị.
Cô chú và các bác, các dì của con kinh tế hạn hẹp, bán cả trâu bò lợn gà vay mượn cũng chỉ giúp đỡ mẹ con con được chi phí ban đầu.
Hàng ngày vào chăm mẹ, con không biết phải làm như thế nào. Nhìn các bác ở quê không có tiền chữa chạy cho mẹ con, con buồn lắm....", Cường viết.
Gia đình chị Nhung cũng cho biết, trong trường hợp xấu nhất xảy ra, gia đình sẽ thể theo nguyện vọng của chị Nhung lúc còn sống, đó là sẽ hiến toàn bộ tạng để cứu những người khác và hiến xác để phục vụ cho nghiên cứu và y học.
BS Khiêm đang theo dõi chỉ số sinh tồn cho bệnh nhân Nhung.
Trao đổi với chúng tôi, BS Đồng Phú Khiêm (khoa Hồi sức tích cực – BV Bệnh nhiệt đới Trung ương), người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Thị Nhung cho biết, hoàn cảnh gia đình bệnh nhân Nhung rất khó khăn, hiện chi phí cho mỗi ngày điều trị lên đến 30 triệu/ngày.
“Bệnh nhân khi vào viện có biểu hiện sốt cao, đau tức hạ sườn và được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết. Đến ngày thứ 5 bệnh nhân có dấu hiệu bị rối loạn đông máu nặng.
Sau một tuần bệnh nhân có dấu hiệu bị tổn thương não, thận không hồi phục. Đến thời điểm hiện nay, bệnh nhân đã bị suy đa tạng rất nguy kịch.
Chúng tôi tiên lượng bệnh nhân khó qua khỏi, nhưng với trách nhiệm của người thầy thuốc, chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức”, BS Khiêm chia sẻ.