Đóng dấu vi phạm vào mặt nghệ sĩ, đơn vị tổ chức có… ngượng?

Những ngày gần đây, Hà Nội đang nỗ lực đẩy lùi quảng cáo rao vặt và được cho là đợt ra quân “mạnh tay” nhất từ trước đến nay.

Những ngày gần đây, Hà Nội đang nỗ lực đẩy lùi quảng cáo rao vặt và được cho là đợt ra quân “mạnh tay” nhất từ trước đến nay. Những quảng cáo trái phép, không phép đều bị phun sơn, đóng dấu vi phạm, dù hành động này được Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội thừa nhận không văn hóa cho lắm.

Phun sơn đánh dấu quảng cáo vi phạm. Ảnh: Minh Sơn
Phun sơn đánh dấu quảng cáo vi phạm. Ảnh: Minh Sơn

Cắt không xuể quảng cáo vi phạm

Việc phun sơn đánh dấu vi phạm vấp phải không ít ý kiến phản đối cho rằng “phản cảm”, “làm ảnh hưởng tới nghệ sĩ”... Mới đây, băng rôn quảng cáo liveshow “Phố à phố ơi… Bống à bống ơi” của ca sĩ Hồng Nhung đã bị Sở VH-TT&DL Hà Nội thực hiện phương án xử phạt rất mạnh tay: Phun sơn đóng dấu chữ "vi phạm" vào giữa bức ảnh nữ ca sĩ. Trước đó, băng rôn quảng cáo liveshow “Người tình mùa đông” và “Bài ca không quên” có hình hai ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Trọng Tấn cũng bị Sở phun sơn đóng dấu vì treo sai quy định.

Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều độc giả cho rằng, việc xử phạt là vấn đề giữa Sở VH-TT&DL Hà Nội với các nhà tổ chức chương trình. Không nên phun sơn đóng dấu vào mặt nghệ sĩ, bởi họ không phải là người có lỗi. Một bộ phận khác ủng hộ biện pháp mạnh tay của Sở, nhưng điều quan trọng là phải phạt đúng người, đúng tội.

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội chia sẻ: "Hiện nay xử phạt hành chính đã nhờn, không có giá trị. Phun sơn đóng dấu vi phạm không phải là biện pháp tối ưu nhưng chúng tôi muốn đây là hình thức thông báo cho mọi người biết băng rôn đó sai phép và vi phạm. Phun sơn đóng dấu để người tổ chức việc treo phải ngượng vì đó là chương trình của họ, nghệ sĩ của họ”. Ông Tô Văn Động cũng thừa nhận việc làm này nhìn ở góc độ nào cũng không được văn hóa lắm. Tuy nhiên, Sở phải thực hiện biện pháp này là do có quá nhiều trường hợp vi phạm và Sở không đủ nhân lực để cử người đi hạ xuống.

Việc đẩy lùi quảng cáo trái phép trước đây vấp phải không ít khó khăn. Thực tế, lực lượng Thanh tra của Sở VH-TT&DL Hà Nội chỉ có 5 người thay nhau đi cắt băng rôn, quảng cáo sai phạm. Lãnh đạo Sở điều động thêm 5 đoàn viên thanh niên vào cuộc cùng phối hợp. Chỉ một đoạn đường từ trụ sở 47 Hàng Dầu, ra đến đoạn Tràng Tiền, Lê Thánh Tông, Lý Thường Kiệt… là đã cắt không xuể băng rôn quảng cáo vi phạm.

Nhiều khu vực quảng cáo chằng chịt như chưa có lệnh cấm

Thực tế, những khu vực đông dân cư tại một số quận như Hoàng Mai, Cầu Giấy, Long Biên, Hai Bà Trưng, Đống Đa, các quảng cáo rao vặt vẫn xuất hiện như chưa hề có một lệnh cấm nào. Khu vực gần các trường đại học thì nhan nhản quảng cáo cho thuê phòng trọ, dịch vụ Internet… Các khu dân cư thì bất cứ đâu có khoảng trống, như: tường nhà, bốt điện thoại, cột điện… là dày đặc các quảng cáo “thông hút bể phốt”, “khoan cắt bêtông”...

Trên các phố Cầu Giấy, Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Thái Hà, Chùa Bộc… nhiều mảng tường được sơn màu vàng trước đây, bây giờ được thay bằng những mảng màu trắng nhỏ do quét sơn xóa quảng cáo một cách qua quýt. Sự khác nhau về tông màu cũ và mới, khiến những bức tường trở nên nhôm nhoam và mất mỹ quan hơn. Sự nhôm nhoam này xuất phát từ hai việc: Thứ nhất, bóc gỡ không kỹ; Thứ hai, quét sơn qua loa khiến cho các mảng tường trở nên lem nhem, nhiều chỗ còn y nguyên các số điện thoại bên dưới lớp sơn trắng nhạt.

Việc đánh dấu các quảng cáo vi phạm lần này chỉ là một trong nhiều lần Hà Nội “tuyên chiến” với quảng cáo rác trên địa bàn thành phố. Cuộc đẩy lùi quảng cáo rao vặt đã phổ biến trên diện rộng toàn thành phố, được triển khai từ cuối năm 2009, khi cắt vĩnh viễn hàng nghìn số điện thoại quảng cáo rao vặt vi phạm, khi ra quân rầm rộ bóc tờ rơi... Tuy nhiên, sau những chỉ đạo “mạnh tay” của các cơ quan chức năng, quảng cáo rao vặt trên phố vẫn đầy rẫy như một lời thách thức. Hy vọng với quyết tâm trong lần thực hiện “quét” quảng cáo trên đường phố này, Hà Nội sẽ sạch, đẹp hơn.

Sở VH-TT&DL sẽ đối thoại với các doanh nghiệp về quảng cáo trên đường phố

Theo quy hoạch chung của thành phố, tới đây Hà Nội chỉ có khoảng 1.500 điểm được phép treo băng rôn, pa-nô… Tuy nhiên, đa phần trong số đó phục vụ mục đích tuyên truyền chính trị, chỉ có 208 điểm dành cho quảng cáo. Mỗi đơn vị chỉ được cấp phép từ 20 - 40 băng rôn, tùy từng thời điểm. Thời gian tới, Sở VH-TT&DL sẽ có cuộc đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp tham gia hoạt động quảng cáo trên địa bàn, theo dự kiến thì cuộc đối thoại này sẽ khá “nóng” nhưng vẫn quyết tâm thực hiện vì một Thủ đô ngày càng sạch, đẹp, văn minh.



Theo Gia đình & Xã hội



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.