“Tôi có 5 người con, mỗi đứa một nơi: Sài Gòn, Gia Lai, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Bình. Đứa nào cũng bận rộn và rất vất vả. Dù ở đây buồn, và tôi rất nhớ các con nhưng chẳng dám than thở. Chỉ sợ các con lo lắng, mất công mất việc, tốn tiền”, bà Lành nói.
Bà cho biết, bà ở viện dưỡng lão cũng được 2 mùa Vu Lan. Mùa Vu Lan trước, lúc mới vào vì còn nhiều bỡ ngỡ nên các con cũng đến an ủi. Ở mùa thứ 2, dù các con chưa ai vào thăm nhưng bà cũng không phiền lòng.
Bà kể, ngày trước, khi các con bà chưa mỗi đứa một nơi, vào những ngày rằm, lễ Vu Lan hay Tết nguyên đán, gia đình bà thường làm một mâm cơm cả nhà cùng ăn, cùng trò chuyện. Đó là khoảng thời gian bà thấy vui vẻ và hạnhh phúc nhất.
“Giờ mỗi đứa một nơi, những đứa ở xa một năm mới gặp nhau một lần, tôi cũng thấy buồn. Dù nhớ các con tôi cũng chẳng dám than thở vì sợ chúng lo lắng, lại mất công, mất việc”, bà Lành nói.
Kết thúc buổi trò chuyện, bà bảo, cho bà nhắn gửi đôi lời tới các con bà ở xa. Lời bà nhắn: “Các con cứ yên tâm công tác, mẹ sống rất tốt. Dù mùa Vu Lan này cả nhà mình không thể quây quần, đoàn tụ như những mùa trước, nhưng chỉ cần các con nhớ tới bố mẹ là mẹ rất vui. Các con sống vui vẻ, an lành là cách báo hiếu tốt nhất đối với mẹ”.
Khác với tâm trạng của bà Lành, ông Nguyễn Ngọc Tâm (80 tuổi) lại rất vui vẻ khi nói về lễ Vu Lan. Ông cho biết, vì may mắn nhà ngay ở Hà Nội nên con cháu thường xuyên vào thăm ông. Vừa mới đây, các con ông bàn nhau sẽ làm một mâm cơm cúng rằm rồi đón ông về chung vui.
“Cứ một tuần đôi lần chúng vào thăm và mang nhiều đồ đến thăm tôi. Rằm này chúng sẽ đón tôi về, qua rằm, cả gia đình tôi sẽ đi đến Vũng Tàu chơi một chuyến”, ông vui vẻ khoe chuyện.
Hỏi ông về chuyện báo hiếu, ông Tâm cho biết, dù sức khỏe không được tốt, nhưng ông vẫn thường xuyên theo dõi tin tức trên báo chí. Có không ít những vụ án mà hung thủ còn quá trẻ, chỉ bằng tuổi các cháu của ông. Ông bảo, niềm vui lớn nhất của mỗi người làm cha, làm mẹ đó chính là được nhìn thấy con thành người. Việc gây ra những tội ác tày trời như thế, dù sau này có báo hiếu bao nhiêu đi chăng nữa cũng chẳng thể xoa dịu được nỗi buồn, nỗi đau của các đấng sinh thành.
“Vu Lan chỉ là một dịp nhắc nhở con cháu nhớ đến cha mẹ mình. Với tôi, dù con cháu không thể hằng ngày vào thăm, nhưng một tuần cũng đôi lần chúng rủ nhau đến, thế là vui rồi. Còn báo hiếu, thì chỉ cần chúng đừng làm điều ác với xã hội, anh em sống hòa thuận, biết chia sẻ với nhau…”, ông Tâm nói.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, những ngày này ở một số viện dưỡng lão ở Hà Nội, cũng có rất ít con cháu đến thăm các cụ. Không khí ở những nơi này vẫn tĩnh lặng như lệ thường.
Tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng (Hà Nội), buổi sáng ngày 24.8 (tức ngày 11.7 Âm lịch) sau bữa sáng, các cụ lại tụ tập vào một phòng để nói chuyện cho khuây khỏa.
Chia sẻ với phóng viên, cụ Đính (95 tuổi, Hà Nội) cho biết, hằng ngày những ai còn khỏe mạnh, minh mẫn thường ngồi cùng nhau trò chuyện, thỉnh thoảng mới có con cháu đến thăm. “Các con đều bận rộn cả. Ai chẳng mong các con đến, nhưng điều kiện thời gian không cho phép thì cũng không nên trách móc làm gì”
Còn tại Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Orihome, bà Đỗ Hoàng Anh - Giám đốc Trung tâm cho biết, mùa Vu Lan này số lượng con cháu đến thăm các cụ không khác với nhiều so với những ngày thường.
“Các cụ ở đây cũng chủ yếu ở Hà Nội nên ngày cuối tuần, con cháu các cụ vẫn vào chơi. Nhưng những ngày này cũng chỉ như những ngày bình thường khác. Có lẽ mọi người cũng đều bận rộn cả”, bà Anh nói.