Nạn nhân vụ nổ long trời ở Hà Đông vẫn hôn mê sâu

Hôm qua, đúng một tuần sau vụ nổ ở Văn Phú, Hà Đông, nạn nhân Nguyễn Thị Lệ vẫn trong tình trạng hôn mê và khả năng phục hồi rất mong manh.

Hôm qua, đúng một tuần sau vụ nổ ở Văn Phú, Hà Đông, nạn nhân Nguyễn Thị Lệ vẫn trong tình trạng hôn mê và khả năng phục hồi rất mong manh.

Nạn nhân vụ nổ long trời ở Hà Đông vẫn hôn mê sâu - Ảnh 1.

Chị Lệ vẫn đang hôn mê. ( Ảnh chụp ngày 25/3).

Chiều 26/3, bác sỹ Bùi Thanh Tiến, Phó chủ nhiệm khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Quân y 103 cho biết, so với mấy ngày trước, thân nhiệt của chị Lệ đã hạ đôi chút, nhưng vẫn còn trong tình trạng hôn mê.

Chị Nguyễn Thị Lệ (SN 1993), quê ở Thanh Thùy – Thanh Oai (Hà Nội) là người phụ nữ ngồi trong xe tải do anh Đặng Cao Thủy (SN 1994) quê ở Phùng Xá – Thạch Thất (Hà Nội) điều khiển.

Vào 15h10 ngày 19/3, anh Đặng Cao Thủy lái xe qua đường Lê Trọng Tấn, khu đô thị Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội và bị sức ép của vụ nổ đẩy đâm vào một ngôi nhà.

Anh Thủy đã qua đời hôm 23/3 do bị chấn thương sọ não nặng.

Nạn nhân vụ nổ long trời ở Hà Đông vẫn hôn mê sâu - Ảnh 2.

Trung tướng Nguyễn Đức Soát thăm hỏi và tặng quà gia đình chị Lệ.

Theo các bác sĩ, bệnh nhân Nguyễn Thị Lệ nhập viện trong tình trạng chấn thương sọ não nặng, dập não xuất huyết, máu tụ dưới màng cứng vùng trán thái dương đỉnh phải. Ngoài ra, nạn nhân còn bị những vết thương phần mềm rải rác ở hai tay, vai và cổ.

Bác sỹ Tiến cho hay, hiện tại bệnh nhân vẫn đang trong tình trạng hôn mê sâu, phải thở bằng máy, chứ chưa tự thở được. Mấy hôm nay, bệnh nhân vẫn đang sốt cao, toàn 39- 40 độ, khả năng là do bị nhiễm khuẩn từ mảnh đạn văng vào.

“Hiện nay bệnh nhân vẫn đang phù nề não, nên khó nói trước được điều gì, nhưng chúng tôi vẫn có tia hy vọng vì bệnh nhân được can thiệp mổ não sớm nên giải phóng được chèn ép sớm, cộng với việc được điều trị tích cực ngay từ đầu với phác đồ tốt nhất, thuốc kháng sinh tốt nhất theo chỉ đạo của ban giám đốc bệnh viện”, bác sỹ Tiến cho biết thêm.

Ngoài ra, đến thời điểm này, tuy bệnh nhân Lệ vẫn sốt cao, nhưng các chức năng của gan, thận vẫn trong tầm kiểm soát được. Tuy nhiên, bác sỹ Tiến cũng chia sẻ một sự thật đáng buồn, dù có cứu được tính mạng chị Lệ, nhưng khả năng hồi phục của chị nói riêng, cũng như của các bệnh nhân bị chấn thương sọ não nói chung là rất khó khăn.

Bác sỹ Tiến nói: “Tội nghiệp lắm. Lúc thay băng cho bệnh nhân Lệ, vẫn còn tia sữa chảy ra, vì cô đang trong thời kỳ cho con bú (con mới 10 tháng - NV).”

Thay mặt Hội hỗ trợ khắc phục nạn nhân bom mìn Việt Nam, trung tướng Nguyễn Đức Soát đã thăm hỏi và hỗ trợ chị Lệ 3 triệu đồng. Ngoài ra, nhóm cũng tới thăm và tặng quà cho hai nạn nhân nữa đang nằm điều trị tại bệnh viện quân y 103, mỗi người 3 triệu đồng. Đó là chị Lý Thị Hạnh, 45 tuổi, bị mảnh đạn găm vào chân khi hai vợ chồng chị đi cách vụ nổ 200m. Chị đã được các bác sỹ tại đây khâu vết mổ và sắp được ra viện. Anh Phạm Văn Hiền, 25 tuổi, lúc đó làm việc ở tầng 3 tòa nhà đối diện, cách vụ nổ chừng 50m, bị mảnh vỡ găm vào đầu và bụng, may vết thương chỉ ở bên ngoài nên không phải mổ. Bác sỹ cho biết, thứ 2 tới Hiền sẽ được ra viện.

Ngoài ra, Hội hỗ trợ khắc phục nạn nhân bom mìn Việt Nam cũng tới thăm hỏi gia đình nạn nhân Đào Thị Soản (sinh năm 1985) và Đào Như Quỳnh (sinh năm 2010) ở thôn Châu Mai, xã Liên Châu, huyện Thanh Oai. Hai mẹ con chị Soản đã tử vong khi đi qua đúng lúc vụ nổ xảy ra. Trung tướng Nguyễn Đức Soát đã hỗ trợ gia đình 12 triệu đồng để ông bà nội nuôi cháu Đào Anh Tú, 10 tuổi ăn học, trong khi bố cháu đang thụ án tù.

Theo Tiền Phong

Vụ nổ Văn Phú


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.